Lịch sử cây chè tại Việt Nam

18:28, 08/09/2011

Lịch sử uống trà đã có từ 4000 năm, xuất phát từ cái nôi vùng gió mùa Đông Nam Á đã lan rộng ra toàn cầu. Vì những giá trị nhiều mặt về vật chất và tinh thần trong đời sống con người, trà được uống nhiều và phổ biến hàng ngày, xếp thứ nhì sau nước với 50% dân số thế giới uống trà. Nhưng lịch sử phát triển của cây chè Việt Nam như thế nào thì có lẽ nhiều người cũng chưa biết rõ. Sau đây chúng tôi xin giới thiệu về lịch sử cây chè Việt để bạn đọc tham khảo.

Theo thư tịch cổ Việt Nam, cây chè đã có từ xa xưa dưới 2 dạng :cây chè vườn hộ gia đình vùng châu thổ Sông Hồng và cây chè rừng ở miền núi phía bắc.

                       

 Về nguồn gốc cây Chè Việt Nam

 

Lê Quý Đôn trong sách " Vân Đài loại ngữ " (1773) có ghi trong mục IX, Phẩm vật như sau:

 

" ... Cây chè đã có ở mấy ngọn núi Am Thiên, Am Giới và Am Các, huyện Ngọc Sơn, tỉnh Thanh Hoá, mọc xanh um đầy rừng, thổ nhân hái lá chè đem về giã nát ra, phơi trong râm, khi khô đem nấu nước uống, tính hơi hàn, uống vào mát tim phổi, giải khát, ngủ ngon. Hoa và nhị chè càng tốt, có hương thơm tự nhiên..."

 

Năm 1882, các nhà thám hiểm Pháp đã khảo sát về sản xuất và buôn bán chè giữa sông Đà và sông Mê Kông ở miền núi phía Bắc Việt Nam, từ Hà Nội ngược lên cao nguyên Mộc Châu, qua Lai Châu; đến tận Ipang, vùng Xípxoongpảnnả (Vân Nam), nơi có những cây chè đại cổ thụ.

 

" Hàng ngày những đoàn thồ lớn 100-200 con lừa, chất đầy muối và gạo khi đi và nặng chĩu chè khi về. Ipang nổi tiếng về chất lượng chè đạt mức ngự trà cống nộp .cho Hoàng đế Trung Hoa. Loại chè cao cấp này không bán ngoài thị trường..; và ai cũng cố giấu lại một phần nhỏ, mặc dù có nguy cơ bị trừng trị nặng nề. Tôi đã trông thấy một nắm chè loại này màu trắng ngà, bao gồm những cánh chè rất nhỏ và rất xoăn. Vùng đất đai của Đèo Văn Trị ở Lai Châu, là hàng xóm láng giềng gần gũi của Ipang, vùng Xíp xoongpảnnả "

 

 

Sau những chuyến khảo sát rừng chè cổ ở tỉnh Hà Giang Việt Nam (1923), và tây nam Trung Quốc (1926), các nhà khoa học Pháp và Hà Lan, đã viết "...những rừng chè, bao giờ cũng mọc bên bờ các con sông lớn, như sông Dương Tử, sông Tsi Kiang ở Trung Quốc, sông Hồng ở Vân Nam và Bắc Kỳ (Việt Nam), sông Mê Kông ở Vân Nam, Thái Lan và Đông Dương, sông Salouen và Irrawađi ở Vân Nam và Mianma, sông Bramapoutrơ ở Assam. "

 

Năm 1976, Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô, sau những nghiên cứu về tiến hoá của cây chè, bằng phân tích chất catésin trong chè mọc hoang dại, ở các vùng chè Tứ Xuyên, Vân Nam Trung Quốc, và các vùng chè cổ Việt Nam (Suối Giàng, Nghĩa Lộ, Lạng Sơn, Nghệ An...), đã viết :

           

 

… Cây chè cổ Việt Nam, tổng hợp các catêchin đơn giản nhiều hơn cây chè Vân Nam…. Từ đó có sơ đồ tiến hoá cây chè thế giới sau đây " Camellia → Chè Việt Nam → Chè Vân Nam lá to → Chè Trung Quốc → Chè Assam (ấn Độ)"

 

Tóm lại, đến nay các nhà khoa học thế giới đã xác nhận : Đại thể cây chè phát nguyên từ một vùng sinh thái hình cái quạt, giữa các ngọn đồi Naga, Manipuri và Lushai, dọc theo đường biên giới giữa Assam và Mianma ở phía Tây, ngang qua Trung Quốc ở phía Đông, và theo hướng Nam chạy qua các ngọn đồi của Mianma và Thái Lan vào Việt Nam, trục Tây Đông từ kinh độ 95o đến 120o Đông, trục Bắc Nam từ vĩ đ 29o đến 11o Bắc.

 

      Sự phát triển của cây Chè Việt Nam

 

a/ Thời kỳ trước năm 1882

 

Từ xa xưa, người Việt Nam trồng chè dưới 2 loại hình:

 

    - Chè vườn hộ gia đình uống lá chè tươi, tại vùng chè dồng bằng sông Hồng ở Hà đông, chè đồi ở Nghệ An.

 

    - Chè rừng vùng núi, uống chè mạn, lên men một nửa, như vùng Hà Giang, Bắc Hà ...

 

b/ Thời kỳ 1882-1945

 

Ngoài 2 loại chè trên, xuất hiện mới 2 loại chè công nghiệp; chè đen công nghệ truyền thống OTD, và chè xanh sao chảo Trung Quốc. Bắt đầu phát triển những đồn điền chè lớn tư bản Pháp với thiết bị công nghệ hiện đại. Người dân Việt Nam, sản xuất chè xanh tại hộ gia đình và tiểu doanh điền. Chè đen xuất khẩu sang thị trường Tây Âu, chè xanh sang thị trường Bắc Phi là chủ yếu. Diện tích chè cả nước là 13305 ha, sản lượng 6.000 tấn chè khô/năm.

 

c/ Thời kỳ độc lập (1945- nay)

 

Sau 1954, Nhà nước xây dựng các Nông trường quốc doanh và Hợp tác xã nông nghiệp trồng chè; chè đen OTD xuất khẩu sang Liên Xô - Đông Âu, và chè xanh xuất khẩu sang Trung Quốc.

 

Đến hết năm 2002, tổng diện tích chè là 108.000 ha, trong đó có 87.000 ha chè kinh doanh. Tổng số lượng chè sản xuất 98.000 tấn, trong đó xuất khẩu  72.000 tấn đạt 82 triệu USD.

 

 

 

Các vùng Chè ở Việt Nam

 

Việt Nam nằm trong vùng gió mùa Đông nam á, cái nôi của cây chè.

 

    - Khí hậu đất đai rất thích hợp với sinh trưởng cây chè. Lượng nước mưa dồi dào 1700-2000 mm/năm. nhiệt độ 21-22,6 0C, ẩm độ không khí 80-85 %. Đất đai trồng chè gồm 2 loại phiến thạch sét và bazan màu mỡ.

 

    - Chè trồng ở vĩ tuyến B 11.5-22.5 0;, chia thành 3 vùng: vùng thấp dưới 300 m, vùng giữa 300-600 m, vùng cao 600-trên 1000 m, nên chất lượng chè rất tốt.

 

    - Giống chè bản địa gồm 2 giống Trung Du và Shan, làm được chè xanh và chè đen; đặc biệt giống chè Shan miền núi có búp nhiều lông tuyết trắng, được thị trường quốc tế rất ưa chuộng. Ngoài ra còn những giống chè tốt làm chè đen, chè xanh, chè ô long, nhập nội của Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, ấn Độ và Srilanka, Inđônêxia.