Bánh giá chợ Giồng

10:00, 11/11/2011

Bánh giá là đặc sản của vùng chợ Giồng (Tiền Giang). Bánh mang vị béo của bột gạo hòa lẫn vị ngọt của tôm, giá sống, ăn cùng mắm ớt tỏi thật khoái khẩu.

Ở miệt Chợ Giồng (thị trấn Vĩnh Bình, Gò Công Tây, Tiền Giang) người ta thường truyền miệng câu ca dao về bánh giá:

 

 Một mai em gái theo chồng

Còn đâu bánh giá chợ Giồng mời anh...

 

Câu ca ấy  đã khẳng định  sức “mê hoặc” của món ăn khoái khẩu và là đặc sản chợ Giồng.

 

Muốn làm bánh giá phải chuẩn bị các nguyên liệu như: bột gạo, bột năng, gan heo, giá sống, dầu ăn... Cầu kỳ hơn thì thêm óc lợn quậy tan vào trong bột. Trước hết, người ta hòa bột gạo, bột năng và nước lại thành một hỗn hợp hơi sệt, muốn bánh giòn thì cho nhiều bột năng, muốn bánh dẻo thì cho nhiều bột gạo. Tôm được cắt bỏ râu, gai đến tận mắt, nếu là loại tôm bạc, tôm đất; lột bỏ vỏ rồi xẻ mỏng ra nếu là tôm càng, tôm thẻ... để khi chiên tôm mau chín. Gan lợn được xắt lát mỏng và giá sống được rửa sạch.

 

Bắt đầu rán, người ta cho nhiều dầu vào chảo, ngập chiếc bánh và nổi lửa cho dầu sôi lên. Tiếp đến để giá sống, gan heo, tôm vào trong vá với số lượng tùy thích, rồi múc bột cho ngập các loại nguyên liệu này và nhúng vá vào trong chảo dầu một lát để cho bánh dính kết lại rồi từ từ rút vá không ra. Tránh để bột nhiều lần làm bánh bị “dị tật” không đẹp. Để tôm vào vá sau cùng trước khi múc bột, nên khi chín, hình con tôm nổi rõ trên mặt bánh trông thật đẹp mắt. Và cứ thế làm tiếp đến khi thấy trong chảo dầu đã "chật" bánh thì thôi. Đợi đến khi bánh chín vàng, tuần tự vớt bánh ra theo thứ tự trước sau và để trên vỉ tre hoặc vỉ kẽm gác ngang ở miệng chảo cho ráo dầu là bánh có thể dùng được.

 

Ăn kèm với bánh giá có bún, rau sống, rau thơm, nước mắm tỏi ớt. Rau sống, rau thơm các loai được xắt nhỏ cho vào tô, từng con bún được gỡ rời ra để lên trên. Kế đến bánh giá được xé hoặc cắt nhỏ ra xếp lên trên cùng, xong tưới nước mắm tỏi ớt cho vừa ăn. Khi ăn trộn đều bánh giá, bún, rau sống, rau thơm lại cho thấm đều nước mắm. Cái giòn béo của bột năng, bột gạo, vị ngọt của tôm, vị béo của gan heo, cái dai của giá chín, mùi thơm của rau sống cộng với vị tổng hợp cay, mặn, chua, ngọt... của nước mắm tỏi ớt quả thật là một món ăn rất khoái khẩu và hấp dẫn.

 

Để đáp ứng yêu cầu của những người ăn chay, người ta còn chế biến bánh giá chay bằng cách thay thế tôm, gan lợn bằng đậu  thái mỏng, nấm rơm, nấm mèo... và khi ăn thì thay thế nước mắm bằng nước tương tỏi ớt.

 

Cái tên của bánh xuất phát từ cái vá, giống như bánh cống ở miền Tây vậy. Nhưng từ “vá” trại thành “giá”. Có người nói rằng, nhân bánh có giá sống nên đặt luôn cho tên bánh. Dù nói kiểu nào đi nữa thì món ăn dân dã mà dung dị này khá phổ biến ở miệt Tiền Giang và một số nơi ở ĐBSCL. Nhưng người sành ăn xưa chỉ “tín nhiệm” bánh giá chợ Giồng ở thị trấn Vĩnh Bình (huyện Gò Công Tây, Tiền Giang). Theo lời các cụ, bánh giá ở xứ này ngon bởi có con tép bạc. Ngày trước, tép bạc xứ Gò Công nhiều vô kể. Người ta cho rằng con tép bạc làm nhân bánh giá lại có vị rất lạ, ngon hơn con tôm. Bánh chiên xong phải gói trong lá chuối... Bây giờ nhân được chế biến đa dạng theo thị hiếu nhưng nhiều người vẫn đau đáu tìm lại hương vị của cái bánh giá nhân tép bạc gói trong lá chuối của ngày xưa...