Về Bắc Giang ăn mỳ Chũ

11:24, 08/11/2011

Mỳ Chũ từ lâu đã được coi là đặc sản nổi tiếng của miền đất Lục Ngạn - Bắc Giang.

Với người dân Bắc Giang, mỳ Chũ chẳng có gì xa lạ, nhưng có điều đặc biệt là món ăn thôn quê này đã trở nên khá phổ biến trong bữa ăn của nhiều gia đình ở nhiều tỉnh, thành phố khác nhau, xuất hiện thường xuyên trong những nhà hàng cao cấp tại miền Bắc. Trước đây mỳ Chũ chỉ được bán ở trong tỉnh Bắc Giang, còn hiện nay tại nhiều tỉnh thành khác như Hà Nội, Quảng Ninh, Hòa Bình, Phú Thọ, Thanh Hóa, Yên Bái… đều đã có những đại lý bán sản phẩm mỳ Chũ nổi tiếng của huyện vùng cao Lục Ngạn.

 

Người dân vùng Chũ huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang kể rằng: Đây là món ăn có nguồn gốc từ Trung Hoa. Vào những năm xa xưa, một người Hoa kiều tên là Cả Tòng đã mang nghề này đến đất Thủ Dương xã Nam Dương. Ông thường gánh những gánh mỳ trĩu vai đến chợ Chũ để bán. Mọi người mua mỳ ở chợ Chũ về ăn thấy rất ngon nên gọi là mỳ Chũ.

 

Điều đặc biệt để mỳ Chũ ngon hơn các loại mỳ thông thường là mỳ được làm từ thứ gạo đồi của vùng Chũ có tên là bông hồng, gạo bông hồng khi được trồng ở đất đồi có cái vị đậm đà, dẻo dai vượt xa gạo bông hồng của vùng đồng bằng.

 

Một điều quan trọng khác là do cách làm mỳ thủ công, cầu kỳ của người Nam Dương:Gạo đem về nhặt sạch, vo kỹ, ngâm 8 tiếng rồi xay ra thành bột. Thứ bột dẻo dẻo, sánh sánh được lọc đi lọc lại nhiều lần rồi ủ lại qua đêm, sáng hôm sau tráng bánh. Một mẻ bánh thường có ít nhất 3 người chung tay chung sức, và mỗi người lại thạo một khâu riêng, người tráng bánh, người bóc bánh đặt vào khuôn, người đem phơi và cắt bánh thành những sợi mỳ đều đặn.

 

Hiện nay ở Lục Ngạn có nhiều nơi làm mỳ, nhưng nhiều nhất vẫn tập trung ở xã Nam Dương. Hầu như tại đây gia đình nào cũng tham gia sản xuất mỳ. Ngày xưa, sản xuất mỳ theo lối thủ công nên năng xuất rất thấp, nay người dân đã biết áp dụng khoa học, công nghệ vào nên làm mỳ đỡ vất vả mà năng xuất lại cao, và thu nhập từ làm mỳ của nhân dân cũng tăng lên nhiều.

  

Với nhiều công đoạn khách nhau như chọn và ngâm gạo trong nước, ủ gạo, xay bột, tráng bánh, ủ bánh… sau rồi đưa bánh ra sàn phơi chừng 4 ngày thì có thể đem thái nhỏ thành sợi. Trước đây được bó thành từng bó buộc bằng lạt mềm. Nay người dân đóng mỳ vào từng túi, bao bì đã được đăng ký mẫu mã rất bắt mắt.

 

Bằng các phương pháp gia truyền, nên chỉ có tại đây, dù không sử dụng các chất bảo quản thực phẩm, hàn the… nhưng mỳ Chũ vẫn có độ giòn, dẻo, dai và thơm ngon hơn nhiều loại mỳ khác.

 

với mỳ Chũ, các bà nội trợ có thể chế biến món ăn nhanh và rất đơn giản. Chỉ cần một chút thịt băm hoặc thái nhỏ, rau cải… đun nước xôi, cho gia vị phù hợp rồi bỏ thịt, rau vào cho chín rồi bỏ tiếp mỳ vào, chừng vài phút là mỳ đã chín là có thể ăn, thưởng thức lúc mỳ còn nóng sẽ rất ngon. Mỳ Chũ thường được các bà nội trợ dùng để nấu bữa ăn sáng.

 

Hiện nay, trong các quán lẩu tại nhiều nhà hàng lớn cũng thường sử dụng mỳ Chũ để phục vụ thực khách. Món mỳ này được nhiều người đánh giá rất cao về chất lượng, hợp vệ sinh an toàn thực phẩm… nên được rất nhiều người mua.

 

Đã về Bắc Giang là phải ăn mỳ Chũ và uống nước chè đắng. Các loại lẩu ở Bắc Giang đều có kèm mỳ Chũ - những sợi bánh mảnh, giòn, được bó lại thành từng bó, gọn gàng đặt trong đĩa. Khi ăn cho vào nồi lẩu nhúng đến chín. Bánh chín rất mềm, dai, khi ăn cảm nhận được vị dẻo và thơm của gạo. Mỳ Chũ khi nhúng và nấu trong nồi lẩu không bị đục nước nên được người dân rất ưa chuộng. Một nồi lẩu thập cẩm ở Bắc Giang ăn với mỳ Chũ khá rẻ, ăn đến no và uống đến say cũng chỉ hết 200 đến 300 ngàn đồng cho 4 - 5 người.