Cầu Hàm Rồng - biểu tượng của chủ nghĩa Anh hùng cách mạng

16:01, 14/07/2012

Hàm Rồng thuộc địa phận phía Bắc thành phố Thanh Hoá, đây là một trong những thắng cảnh nổi tiếng từ thời tiền sử, đồng thời cũng là một địa danh ghi dấu lịch sử oai hùng của dân tộc ta.

Cầu Hàm Rồng cũ do Pháp xây dựng năm 1904 là cầu vòm thép không có trụ ở giữa. Cầu này bị phá hủy năm 1946. Năm 1962, cầu Hàm Rồng được khởi công xây dựng. Khánh thành ngày 19 tháng 5 năm 1964, cầu gồm 2 nhịp dầm thép, ở giữa là đường sắt, hai bên là đường ô tô và đường dành cho người đi bộ. Từ tháng 12/2000, sau khi cầu Hoàng Long khánh thành, cầu Hàm Rồng chỉ dành cho đường sắt.

 

Hàm Rồng có vị trí giao thông rất quan trọng là cầu đường sắt duy nhất đi qua sông Mã. Đây là cây cầu rất nổi tiếng trong chiến tranh Việt Nam là trọng điểm của cuộc đấu tranh đánh phá và bảo vệ giao thông.

 

 Trong kháng chiến chống Pháp, năm 1946, quân dân ta phá sập chiếc cầu cánh cung do Pháp xây dựng. Hoà bình lập lại, năm 1961, đội cầu Trần Quốc Bình (Trung Quốc) thiết kế cầu mới có trụ và cán bộ công nhân ta thi công. Cầu vẫn được đặt trên hai hố cũ, nhưng có trụ giữa bằng 12 trụ ống, mỗi trụ đường kính xoáy sâu. Tháng 06 năm 1963, chiếc cầu hữu nghị được thông xe. Cầu mới dài 168 mét, chắc chắn hơn, to đẹp hơn, trọng tải lớn hơn cầu cũ nhiều. Đó là một kỳ công của kỹ sư và công nhân ta.

 

Kháng chiến chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, chiếc cầu đó đã làm giảm uy lực của không quân Hoa Kỳ, 117 máy bay tối tân của Mỹ đã bị quân dân ta bắn cháy, vùi xác dưới đáy sông. Sau những ngày mưa bom bão đạn, cầu Hàm Rồng vẫn đứng hiên ngang, nối liền hai bờ Bắc Nam cho đến ngày đất nước toàn thắng, Nghĩa trang liệt sĩ linh thiêng sườn đồi Quyết thắng ngày đêm hương khói tưởng nhớ những liệt sĩ anh hùng đã hy sinh bảo vệ non nước này. Một chính khách nước ngoài đến thăm Hàm Rồng đã phải thốt lên: "Thật kỳ lạ, trong lịch sử chiến tranh phá hoại bằng không quân trên thế giới, chưa có chiếc cầu nào được bảo vệ lâu đến như vậy". Cây cầu thép hiện nay đang sử dụng đã được các kỹ sư Việt nam sửa lại năm 1974, hàng ngày vẫn soi bóng xuống lòng sông chói ngời dấu ấn chiến thắng.Mảnh đất kiên cường ấy đã ghi nhiều kỳ tích trong chiến đấu và xây dựng là biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong thời đại Hồ Chí Minh.

 

Đến nay, Hàm Rồng còn ghi thêm kỳ tích bắc cầu Hoàng Long cách cầu cầu Hàm Rồng cũ 500 mét về phía hạ lưu sông Mã. Cầu độ thông bốn nhịp vượt qua sông Mã dài 380 mét, có khẩu độ thông thuyền lớn nhất dài 130 mét. Hai trụ dưới dòng sông đạt kỷ lục về chiều sâu, nền móng. Hai cây cầu vươn mình bắc qua dòng sông vốn hùng mạnh làm tăng thêm vẻ đẹp và sự bề thế cho cảnh quan nơi đây.