Cà đắng nhớ lâu

10:20, 07/09/2012

Cà đắng, vốn là món ăn quen thuộc bao đời của đồng bào bản địa ở Tây nguyên. Không biết từ khi nào thú ăn cà đắng từ các buôn làng lại lan truyền rộng rãi không phân biệt vùng miền, nông thôn hay thành thị, rồi vào cả khách sạn, nhà hàng... và trở thành món ăn nổi tiếng

Cà đắng xuất xứ là cây cà hoang dại, trái nhỏ cỡ ngón tay cái, có nhiều gai. Đồng bào Tây nguyên cho rằng cà đắng mọc hoang, đất cằn cỗi thì trái nhỏ nhưng có vị đắng gắt, nếu đưa về trồng ở vườn nhà do đủ nước, đất tốt thì trái to mập hơn và chất đắng giảm đi nhiều. Chế biến món canh cà đắng khá đơn giản: trái cà cắt làm hai, rửa qua nước muối nhạt, có thể luộc sơ bỏ nước cho bớt đắng rồi để nguyên hoặc giã nát trước khi đem um hoặc nấu canh với các loại thực phẩm khác.

 

Ngày trước, cà đắng chủ yếu nấu với cá khô, về sau “đa dạng hóa” với cả thịt heo, thịt bò hoặc ếch, lươn, ốc bươu, cá đồng... Nhiều đầu bếp sáng tạo món cà đắng nấu “thập cẩm” với lòng gà, cá cơm khô sấy, thậm chí với cả thịt hộp, trở thành món súp có hương vị độc đáo. Thưởng thức canh cà đắng đúng nghĩa phải chịu khó ăn cay, vì nấu cà đắng không thể thiếu ớt, nhất là ớt xanh. Bởi vậy, nhiều người cho rằng ăn canh cà đắng toát mồ hôi hột vì cay mới thực sự “chạm” vào nét đặc trưng của ẩm thực Tây nguyên.

 

Những ai ăn cà đắng lần đầu đều có cảm giác không thoải mái với vị đắng nhân nhẫn của loại trái hoang dại, nhưng vài lần sẽ khó quên hương vị của nó. Có người so sánh mới ăn cà đắng như lần đầu uống cà phê, chỉ thấy vị đắng, nhưng sau đó thì “ghiền”. Ai đó còn cho rằng món ăn này có thể chữa được nhiều bệnh của thời công nghiệp hóa như tiểu đường, béo phì, vì nó đắng như... thuốc, nhưng chưa có công trình nghiên cứu nào xác nhận điều này.