Đặc sắc phở khô Gia Lai

16:02, 11/09/2012

Nhắc đến phở, người ta nhớ ngay đến những thương hiệu quen thuộc như: phở Hà Nội, Nam Định, Sài Gòn, phở Huế… thế nhưng, chỉ duy nhất ở một tỉnh lẻ như Gia Lai lại sở hữu riêng cho mình một món phở được nhiều nơi biết đến.

Không giống tất cả các loại phở thường thấy khác, phở khô Gia Lai… “không giống ai” khi được để trong 2 chiếc tô, một đựng phở, một chứa nước súp. Thế nhưng, đó không thể là điều khiến người ta ăn rồi có thể nhớ mãi. Chính hương vị đặc trưng của phở khô mới là chất níu giữ hồn người, mới là cái làm nên một dấu ấn khác biệt và ấn tượng giữa hàng ngàn, hàng vạn các món ăn khác.

  

Thứ món ăn ấy dân dã và phổ biến, không phải hàng cao lương mỹ vị, xa vời mà bất cứ ai, dù cho kẻ giàu, người nghèo cũng đều có thể được thưởng thức. Cũng vì thế, mà phở khô được người ta biết đến nhiều hơn, gắn quyện nhiều hơn với cuộc sống người dân phố núi.

 

Bí quyết nấu phở khô ngon theo các chủ quán phở có tiếng thì ngoài một số bí quyết gia truyền không tiện nói ra thì việc còn lại chính là nguyên liệu phải thật tươi, ngon và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài nước dùng đậm đà, thanh ngọt thì việc trụng bánh phở cũng có bí quyết riêng. Bánh phở trụng phải vừa ăn, dai, không nát, không vón cục để thực khách dễ dàng pha chế với tương nâu, xì dầu, tương ớt cho vừa khẩu vị của từng người.

 

Riêng với phở khô gà thì thịt gà hoặc lòng gà xé hay xắt nhỏ sẽ được bày lên bát phở thứ nhất còn tô súp thì chỉ cho một ít hành ngò và rắc ít tiêu vì thế nước súp gà phải trong, đậm đà và thanh ngọt của nước hầm gà. Còn lại với phở khô bò tái, tái viên, xương thì các thành phần này nằm trong tô thứ hai. Vì thực khách tự trộn bánh phở theo khẩu vị của mình nên có lẽ vậy mà phở 2 tô luôn làm hài lòng những thực khách khó tính nhất.

 

Phở khô nhất thiết phải được ăn kèm với tương nâu- một trong những món tương cũng không kém phần độc đáo. Đây là loại tương được ủ từ đậu nành và đường vàng. Ngoài ra, nhất thiết phải có tóp mỡ, hành khô thái lát mỏng, phi với dầu cho ruộm vàng. Rau ăn kèm thường là giá trụng, rau húng quế, ngò gai, ớt… Thưởng thức món phở khô, người ăn có thể cảm nhận thấy cái ngọt đậm đà của nước dùng nóng hôi hổi, từng sợi phở vừa dẻo, dai lại béo ngậy của mỡ quyện với tương nâu thoang thoảng trong hương thơm của ngò gai, húng quế và chút cay nồng của ớt.

 

Đến Pleiku, muốn thưởng thức món phở “hai tô” độc đáo này, ngoài những tiệm phở nổi tiếng đã nêu trên, nếu du khách có sở thích tận hưởng món ăn theo phong cách vỉa hè thì vẫn hoàn toàn thỏa chí. Dường như, khắp các con đường, ngõ hẻm, đâu đâu cũng dễ dàng tìm được một vài nơi bán phở khô. Thậm chí, còn hình thành cả những con “phố phở”, tiêu biểu như tuyến đường Thống Nhất, đoạn gần ngã tư Bưu điện tỉnh (người dân Pleiku còn gọi đoạn đường này với cái tên ngồ ngộ: Dốc Lò Bò) chỉ với không đầy 50m đã có đến… 6 cửa hàng phở hay đoạn đường Nguyễn Đình Chiểu, Phan Đình Phùng đoạn gần Bệnh viện Đa khoa tỉnh… Phở khô vỉa hè giá bình dân hơn (15-25 ngàn tùy nơi) nhưng vẫn giữ được tất cả những yếu tố chung của món phở khô thông thường.