Ỷ Lan tên thật là Lê Thị Yến, cũng có sách ghi tên bà là Lê Thị Yến Loan hay Lê Thị Khiết. Ỷ Lan nghĩa là dựa vào cây lan, đó là hình ảnh hết sức độc đáo của cô thôn nữ vùng Thổ Lỗi, sau này đổi là Siêu Loại (xã Dương Xá, huyện Gia Lâm - Hà Nội ngày nay).
Theo truyền thuyết, Ỷ Lan sinh ngày 7 tháng 3 năm Giáp Thân (1044), lúc lên 10 tuổi thì mẹ mất, bố lấy vợ kế nhưng ít lâu sau cũng qua đời. Ỷ Lan là một cô gái rất xinh đẹp và chăm làm.
Sử cũ chép rằng, bấy giờ Lý Thánh Tông đã 40 tuổi mà chưa có con trai nối ngôi, lòng lấy làm lo lắng, bèn đi cầu tự ở khắp nơi. Mùa xuân năm 1063, vua Lý Thánh Tông đi cầu tự ở chùa Dâu (Thuận Thành, Bắc Ninh). Khi đi qua hương Thổ lỗi, ngài vén rèm nhìn ra, thấy thần dân đang sụp lạy, duy từ xa có người con gái tựa vào cây lan và cất tiếng hát trong trẻo: Tay cầm bán nguyệt xênh xang/ Một trăm ngọn cỏ lai hàng tay ta.
Lý Thánh Tông lấy làm lạ, sai quân lính đưa cô đến trước xe hỏi chuyện. Thấy cô gái bội phần xinh đẹp, lại đối đáp lưu loát, thông minh dịu dàng, vua liền truyền đưa về kinh thành Thăng Long.
Nhà vua lấy ngay hình ảnh của kỷ niệm buổi đầu gặp gỡ ấy làm hiệu cho nguyên phi, người đương thời cũng như người bao thế kỷ qua nhân đó mà gọi là Nguyên phi Ỷ Lan. Vua cho xây dựng một cung điện riêng (nay là đình Yên Thái, phường Hàng Gai, Hà Nội) đặt tên là cung Ỷ Lan.
Không lấy việc chau chuốt nhan sắc mong chiếm được tình yêu của vua, mà quan tâm đến hết thảy mọi công việc trong triều đình. Ỷ Lan khổ công học hỏi, miệt mài đọc sách nên chỉ trong một thời gian ngắn, mọi người đều kinh ngạc trước sự hiểu biết uyên thâm về nhiều mặt của Ỷ Lan, triều thần bái phục người có tài.
Năm 1066, Ỷ Lan sinh hạ hoàng tử Càn Đức (sau là vua Lý Nhân Tông, 1072-1127). Nhà vua vì đặc biệt quý Nguyên phi Ỷ Lan, vào năm 1068 đã cho đổi gọi nguyên quán của Ỷ Lan là làng Thổ Lỗi thành làng Siêu Loại (nghĩa là vượt lên trên đồng loại). Địa vị của Ỷ Lan trong hoàng tộc càng trở nên vững vàng.
Ỷ Lan không phải chỉ là cô gái đẹp mà còn là người tài cao, sắc sảo và rất có bản lĩnh. Hoàng đế Lý Thánh Tông quả đúng là người có con mắt nhìn người rất tinh tường. Năm Kỷ Dậu (1069), vua Lý Thánh Tông thân chinh cầm quân đi đánh phương Nam, đã trao quyền nhiếp chính không phải cho Hoàng hậu Thượng Dương, cũng không phải cho Tể tướng Lý Đạo Thành, mà giao cho Ỷ Lan. Nguyên phi Ỷ Lan được tin cẩn trao quyền điều khiển chính sự ở triều đình, nghĩa là gần như cho bà làm vua khi vua vắng mặt.
Cũng ngay năm ấy, nước Đại Việt không may bị lụt lớn, mùa màng thất bát, nhiều nơi sinh loạn. Thử thách quá lớn đối với vị nữ nhiếp chính còn rất trẻ. Nhưng nhờ có kế sách trị nước đúng đắn, quyết đoán táo bạo, loạn lạc đã được dẹp yên, dân đói đã được cứu sống.
Vua đánh giặc lâu không thắng bèn giao binh quyền cho Lý Thường Kiệt, đem một cánh quân nhỏ quay về, dọc đường về đến châu Cư Liên (Tiên Lữ, Hưng Yên) nhà vua nghe quan lại và dân ca ngợi Nguyên phi có tài trị nước, lòng lấy làm xấu hổ mà nói: "Nguyên phi là đàn bà mà còn làm được như thế, ta là nam nhi mà chẳng làm được gì hay sao?". Nói rồi quyết chí cho quân quay lại đánh tiếp và thắng trận giòn giã. Lần này ngài đã bắt được Chế Củ và Chế Củ xin đem đất ba châu: Địa Lý, Ma Tinh, Bố Chính (tức vùng Quảng Bình, Quảng Trị) để chuộc tội.
Năm 1072, vua Lý Thánh Tông đột ngột qua đời, thái tử Càn Đức lên ngôi mới có 7 tuổi, đó là Lý Nhân Tông. Triều Lý không tránh khỏi rối ren. Nhưng khi Ỷ Lan trở thành hoàng thái hậu nhiếp chính và Lý Thường Kiệt nắm quyền nguyên soái thì nước Đại Việt lại khởi sắc, nhanh chóng thịnh cường.
Ỷ Lan đã thi hành những biện pháp dựng nước, yên dân, khiến cho thế nước và sức dân mạnh hẳn lên. Bởi vậy, năm 1077 khi Tống triều cử Quách Quỳ, Triệu Tiết đem đại binh sang xâm lược, với toàn quyền điều khiển triều đình, Ỷ Lan đã huy động cả dân tộc cầm vũ khí đánh bại quân thù.
Ở địa vị tột đỉnh của hiển vinh, nhưng Ỷ Lan vẫn không quên cảnh ngộ của những người phụ nữ nghèo hèn, những người đã và đang sống cuộc đời còn thua kém hơn cả thuở hàn vi của bà.
Sách sử chép rằng, vào năm Quý Mùi (1103), chính Ỷ Lan đã phát tiền ở kho nội phủ để chuộc con gái nhà nghèo bị bán do ở đợ, đem họ mà gả cho những người đàn ông góa vợ.
Bàn về sự kiện này, sử thần ngô Sĩ Liên nói: "Thái hậu đổi đời cho họ, cũng là việc làm chân chính vậy".
Về già, Ỷ Lan để tâm làm việc thiện, xây chùa và nghiên cứu về đạo Phật. Ỷ Lan là người sùng phật. Tính đến năm (1115), bà đã cho xây cất 150 chùa, đền, trong đó có chùa Từ Phúc ở quê hương (Dương Xá, Gia Lâm).
Sử cũ có lời định đoán rằng, hẳn là bà sám hối về việc bức hại Dương thái hậu và 72 thị nữ nên mới làm như vậy (Đấy là lỗi lớn của bà, sử không bỏ qua và chính Ỷ Lan cũng tự lấy làm tiếc).
Nguyên phi Ỷ Lan qua đời vào ngày 25 tháng 7 năm Đinh Dậu (1117), được đặt tên thụy là Phù thánh Linh Nhân hoàng thái hậu.
Đương thời, cảm ơn đức cao dày của bà, nhân dân đã tôn vinh bà Ỷ Lan là "Quan âm nữ". Bà là một trong những danh nhân có tài trị nước xuất chúng của dân tộc, một phụ nữ sáng danh của lịch sử nước nhà.
Quần thể khu di tích Ỷ Lan có chùa, đền, điện, sơn trang thuộc xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, thuộc thành phố Hà Nội. Chùa và đền thờ nguyên phi Ỷ Lan còn có tên gọi chùa "bà Tấm", đền "bà Tấm", chùa Cả, đền Cả.
Chùa có tên "Linh Nhân Tư phúc Tự" do chính Linh Nhân hoàng thái hậu Ỷ Lan xây dựng, nhiều ngôi chùa khác khánh thành vào tháng 3 năm Ất Mùi (1115).
Hàng năm, nơi đây có hai kỳ lễ hội lớn được tổ chức vào 20 tháng 2 âm lịch và ngày 25 tháng 7 âm lịch. Hội tháng hai là hội chính, hội 25 tháng 7 tương truyền là ngày giỗ của Ỷ Lan, và là ngày bà làm lễ giải oan cho hoàng hậu Thượng Dương cùng 72 cung nữ bị chết oan.
Di tích đền Ghềnh ở xã Như Quỳnh, huyện Mỹ Văn, tỉnh Hưng Yên cũng là nơi thờ tượng bà Ỷ Lan. Nơi đây, hàng năm tổ chức lễ hội tưởng niệm bà hai lần, từ mồng 5 đến 16 tháng 3 âm lịch mừng ngày sinh và 25 tháng 7 là ngày mất của bà..