Võ sáo: Nghệ thuật độc đáo của núi rừng Yên Thế

09:46, 30/03/2013

Một loại nghệ thuật cổ truyền của dân tộc kết hợp giữa những bài quyền cước biến ảo khôn lường với tiếng sáo du dương khi thì ào ạt như vũ bão, lúc lại hư ảo như ánh trăng loang loáng trên mặt nước của những võ sư vùng Yên Thế, tỉnh Bắc Giang mới đây tái xuất hiện trở lại trên những sân khấu, võ đài sau thời gian dài vắng bóng đã khiến không ít người trầm trồ thán phục. Đó là môn võ sáo, gọi là “môn phái thiết địch”.

Mai một võ sáo

 

Về Yên Thế, tỉnh Bắc Giang được nghe câu chuyện về sáo và những bài võ sáo huyền thoại của những võ sư trên quê hương cụ Đề Thám khiến chúng tôi thực sự bị hút hồn bởi chính sự kết hợp nhuần nhuyễn hai yếu tố võ học và âm nhạc. Tìm hiểu mới biết võ sáo có nguồn gốc ở vùng rừng núi Yên Thế, Bắc Giang từ lâu lắm rồi, thế nhưng ông tổ của môn võ này thì đến nay cũng chưa rõ là ai.

 

Các cụ bô lão ở thị trấn Bố Hạ kể lại: Trong cuộc khởi nghĩa Yên Thế kéo dài suốt 30 năm, người anh hùng áo vải Hoàng Hoa Thám đã huấn luyện cho nghĩa quân sử dụng rộng rãi loại võ sáo. Những bài dân ca quan họ, những bản nhạc cổ thường sử dụng làm nền cho binh sĩ thi triển công phu cho những đường quyền cước của võ sáo. Thủ lĩnh áo chàm và các nghĩa quân lúc bấy giờ thường dùng tiếng sáo, vừa để trải lòng với đất trời, thiên nhiên, vừa dùng làm tín hiệu thông báo quân tình cũng như luyện tập võ nghệ. Cây sáo khi tấu nhạc thì du dương, trầm bổng nhưng khi xung trận, nó trở thành thứ binh khí có thế đánh vô cùng uyển chuyển, cương, nhu nhịp nhàng, khi thu vào thì như ám tiễn, khi đâm ra thì dũng mãnh như kiếm xuất.

 

Tuy nhiên, sau khi nghĩa quân Yên Thế thất bại thì võ sáo cũng bị mai một theo thời gian. Suốt gần một thế kỷ sau, người ta không còn nhắc đến cái tên võ sáo nữa và người chơi nó cũng vắng bóng.

 

Nhiều sáng tạo mới

 

Nhưng, như có một mối nhân duyên được định sẵn, khoảng những năm 90 của thế kỷ trước, võ sư Trịnh Như Quân tham gia một dự án tìm hiểu, bảo tồn di tích khởi nghĩa Yên Thế. Ông nhiều lần tìm về Bố Hạ, Cầu Gồ, Phồn Xương, Hố Chuối… một lần tình cờ ông gặp cụ Triệu Quốc Uý, là cháu một nghĩa quân năm nào. Qua vài lần trò chuyện ý hợp tâm đầu, cụ Uý truyền lại cho ông bài võ sáo danh chấn rừng thiêng Yên Thế từng khiến quân Pháp bao phen khiếp đảm.

 

 

 

 

 

Học sinh Trường Tiểu học thị trấn Cầu Gồ (huyện Yên Thế, Bắc Giang) biểu diễn võ sáo tại lễ kỷ niệm 128 năm khởi nghĩa Yên Thế

 

Vốn có năng khiếu võ sư Trịnh Như Quân đã không chỉ lĩnh hội được bài võ sáo này từ người cháu của một thủ lĩnh nghĩa quân năm xưa, mà trên cơ sở bài võ được học, ông sáng tạo nhiều bài sáo dựa trên những nhạc phẩm nổi tiếng như: Đàn chim việt, Giọt mưa thu, Tiến về Hà Nội, Chiến thắng Sông Lô, Ai về sông Tương, Đêm Đông, Tình ca…

 

Cùng với việc phát triển bài võ gồm năm thế tấn, 13 chiêu kiếm pháp dùng cho sáo sắt với 51 biến chiêu kỳ bí, võ sư Quân đã sáng tạo ra những cây sáo nhiều hình dáng, vừa có thể làm binh khí vừa mang tính biểu trưng có giá trị thẩm mỹ cao, khi tấu lên khiến người nghe bị hút hồn. Thậm chí, âm vực của cây thiết địch do võ sư Quân sáng tạo còn đạt đến độ chuẩn âm quốc tế, nghĩa là cây sáo sắt có thể hòa âm với cả dàn tân nhạc hoặc đệm sôlô cho ca sĩ biểu diễn.

 

Khi thể hiện ngón võ này, ngoài những công phu trong võ thuật, người võ sĩ còn phải là một nghệ sĩ thả hồn trong những bản nhạc lãng mạn, bay bổng mà vẫn không quên mình đang là một tráng sĩ oai hùng giết giặc nơi sa trường.



Hiện trong kho “thiết địch” của võ sư Quân, ngoài những cây hình trụ đủ kích cỡ, có ba cây rất đặc biệt, có thể nói là duy nhất từ trước tới nay. Đó là cây Rồng thời Lý, cây Hoa Sen và cây Xà beng biết hát - chúng có hình dáng y như tên gọi.

 

Bên cạnh ba cây kỳ địch nói trên, trong kho tàng của võ sư Quân còn những võ khí - nhạc khí bằng sắt hình trụ quen thuộc được ông đặt tên: Cõi Thiên thai, Tiêu Tương, Giọt mưa thu… Tất cả số sáo sắt này đều do chính tay võ sư Trịnh Như Quân thiết kế, chế tạo bằng sắt nguyên chất đúc liền khối. Âm thanh của chúng, như võ sư Quân quả quyết, là có thể làm tiêu lệnh xung phong cho quân sĩ, có thể khắc địch, chế địch, diệt địch nhưng cũng có thể làm mềm lòng giai nhân tuyệt sắc mỗi khi người tráng sĩ tấu lên khúc tình ca.

 

Theo các võ sư, thực chất môn võ sáo - cũng như những môn võ thuật khác như wushu, judo, teakondo, karatedo, võ Bình Định... có mục đích cao cả trước hết là làm cho người tập luyện có sức khoẻ về thể chất, sung mãn tinh thần... nhưng lại có những nét riêng rất độc đáo. Như tên gọi của môn võ, người tập luyện nó phải sử dụng một thứ binh khí rất “văn nghệ” là cây sáo làm bằng trúc, có chiều dài bằng cây mã tấu từ 0,8 đến 1m.

 

Chuôi sáo được buộc thêm một chùm vải lụa nhỏ để làm tăng sức hấp dẫn của binh khí và vẻ đẹp khi biểu diễn trên sân khấu. Võ sáo là sự kết hợp giữa cương với nhu một cách rất uyển chuyển nhịp nhàng, có sự đan xen tổng hợp của của nét đặc trưng võ thuật Trung Hoa (Thái cực quyền) với các trường phái võ thuật Nhật Bản, nhưng cũng mang đậm nét đẹp của các môn võ cổ truyền của người Việt.

 

Tinh hoa võ thuật Việt Nam

 

Nét độc đáo nhất của võ sáo Yên Thế là được tập luyện và biểu diễn trong giai điệu nhạc cổ truyền của dân tộc Việt. Giai điệu của võ sáo chủ yếu dùng làn điệu quan họ Bắc Ninh, then... của các dân tộc miền núi Bắc Giang. Người luyện võ sáo ngoài yêu cầu về sức khỏe, ý chí, nghị lực, còn cần có năng lực cảm thụ âm nhạc. Chính vì phải biết kết hợp nhuần nhuyễn hai yếu tố võ học và âm nhạc, nên người chơi võ sáo có thể đạt đến một khí phách mạnh mẽ cùng sự thanh thoát, lãng tử của tâm hồn.

 

Khi thể hiện ngón võ này, ngoài những công phu trong võ thuật, người võ sĩ còn phải là một nghệ sĩ thả hồn trong những bản nhạc lãng mạn, bay bổng mà vẫn không quên mình đang là một tráng sĩ oai hùng giết giặc nơi sa trường.