Tết Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer

14:51, 17/04/2013

Tết Chôl Chnăm Thmây năm nay rơi vào tháng 3 Âm lịch (ngày 14, 15, 16/4/2013). Riêng đối với đồng bào dân tộc Khmer tại tỉnh An Giang, Tết cổ truyền năm nay đặc biệt ý nghĩa hơn năm ngoái vì thời gian diễn ra ngay sau vụ thu hoạch lúa Đông – Xuân trúng mùa, nông dân có thu nhập khấm khá hơn để đón Tết.

Hết Tết là chấm dứt nắng hạn

 

Giống như Tết Nguyên đán của người kinh, Tết Chôl Chnăm Thmây là Tết đón năm mới, mừng thêm một tuổi mới của người dân tộc Khmer. Những ngày lễ Tết này còn có ý nghĩa chấm dứt thời kì nắng hạn, bắt đầu đón nước mới để chuẩn bị cho vụ mùa tới.

 

Trong đêm giao thừa, những người đồng bào ở đây dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, bàn thờ đều chưng bày hoa quả, trái cây để chuẩn bị rước một vị tiên mới. Theo tín ngưỡng, họ cho rằng mỗi năm thiên đình cử một vị tiên mới xuống trần để phù hộ giúp họ cải thiện cuộc sống hằng ngày, con cháu làm ăn nhanh phát đạt.

 

Vào sóc của người Khmer tại ấp An Lợi, xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn, An Giang, đâu đâu cũng thấy một không khí đón tết nhộn nhịp, ấm cúng. Đàn bà thì tụm năm tụm bảy trải đệm, chiếu ra giữa sân nhà để gói bánh, còn đàn ông thì dọn dẹp lại nhà cửa, chuẩn bị nhang đèn để trang trí, cúng Phật và cúng tổ tiên.

 

Thanh niên trong phum, trong sóc ai nấy đều náo nức, sắm sửa cho mình những bộ đồ mới để ra mắt người mình yêu. Các thiếu nữ khoác trên mình những bộ váy sà rông sặc sỡ để đến chùa lễ Phật và khoe với các chàng trai trẻ các nơi khác tụ tập dự lễ về nét duyên dáng của người con gái  Khmer Chôl Chnăm Thmây.

 

Nét riêng của Tết Chôl Chnăm Thmây

 

Tết của người Khmer Chôl Chnăm Thmây diễn ra trong 3 ngày, mỗi ngày đều có những hoạt động, phong tục riêng. Mùng Một mọi người tắm gội, mặc quần áo đẹp, đội cỗ lên chùa làm lễ cầu phúc năm mới. Tại chùa có vị Acha điều hành buổi lễ, mọi người xếp hàng đi quanh chánh điện ba lần để làm lễ chào mừng năm mới.

 

Những ngôi chùa đều được trang trí cờ và hoa.

  

Ngày mùng Hai, mỗi gia đình đều làm lễ dâng cơm buổi sớm và buổi trưa cho các vị sư sãi ở chùa. Buổi chiều, theo sự hướng dẫn của vị Acha mọi người làm lễ “đắp núi cát” (Puôn phnôm khsach) ngay tại khuôn viên chùa để mong gặp được điều lành.

 

Ngày mùng Ba là lễ tắm tượng Phật bằng nước thơm, rồi sau đó tắm cho các vị sư cao niên ở chùa, tượng trưng cho việc rửa hết những bụi trần trong năm cũ, để bước sang năm mới sạch sẽ, hoàn toàn mới.

 

Ngoài các phong tục trên, Tết của người Khmer còn có các hoạt động như: hát dù kê, múa lâm thôn, thả lồng đèn trời, chơi các trò chơi dân gian…