Đình Chèm và sự tích Lý Ông Trọng

16:05, 25/05/2013

Cũng như nhiều làng khác ở ven sông, người dân xã Thụy Phương (tên nôm là làng Chèm) ngày trước sống chủ yếu bằng làm ruộng, đánh bắt cá.

Về sau do nhu cầu của cuộc sống, các nghề phụ được mở mang. Nghề làm giò cổ truyền đã được ca dao nhắc tới: “Cỗ sang nem Vẽ, giò Chèm/ Anh giã, em gói nên duyên mặn mà/ Phố phường Kẻ Chợ gần xa/ Miếng ngon nức tiếng quê ta, khó làm”. Làng Chèm còn nổi tiếng hơn vì có một ngôi đình to đẹp gắn liền với sự tích một con người kỳ vĩ: Lý Ông Trọng (Lý Thân).

 

Đi từ ngoài đình Chèm vào là tam quan bố trí đầy đủ tứ linh quay ra bốn hướng. Bên trong xây ba gian, bốn mái và năm cửa ra vào. Khu nhà bia, sân đình, tả mạc, hữu mạc, phương đình tám mái và tòa đại bái, hậu cung tạo thành hình chữ “công”. Nhìn chung, các nét khắc hình rồng cuốn nước, rồng mây, cá hóa rồng, hoa lá, sóng nước… mang phong cách nghệ thuật thời Lê Trung Hưng (thế kỷ 18). Hậu cung có án thờ, sập thờ, long ngai, bài vị, khám thờ. Tượng Ông Trọng, tượng bà vợ, tượng sáu người con của ông bà được tạo tác vào năm 1888. Phía ngoài tượng có ông Sứ (Nguyễn Văn Chất) đặt trong một gian riêng. Ông này người làng Hoàng Xá cùng Ông Trọng đã đi sang Trung Hoa. Với chức danh quản mã, ông Sứ kiêm bảo vệ và làm thầy thuốc. Ông đã chữa bệnh cho hoàng hậu của vua Tần (Trung Hoa) nên được phong “Chi tiến kim tử, vinh lộc đại phu Thái y viện”.

 

Có sức khỏe hơn người, mình cao tới hai trượng (8 mét), Ông Trọng rèn luyện ý chí làm trai, quyết tâm học tập thành người văn võ song toàn. Được vua Thục Phán (An Dương Vương) thử thách rồi cử sang giúp vua Tần đánh bại rợ Hung Nô, vua Tần gả con gái cho ông và phong là hiệu úy Tư Lệ. Tuy được vua Tần ưu đãi, song ông vẫn không nguôi nhớ nước, nhớ nhà. Ở quê nhà có mẹ già mong đợi nên ông đã xin về nước. Sau khi ông về, quân Hung Nô lại tràn xuống, vua Tần cho đúc tượng rỗng giống Ông Trọng, bên trong có người điều khiển cho tượng cử động được tay chân rồi đem đặt ở cửa Hàm Dương. Giặc kéo đến trông thấy tưởng Ông Trọng thật, chúng khiếp đảm, tan rã.

 

Đình Chèm còn giữ được cuốn sách chữ Hán ghi các đạo sắc, lễ nghi, văn tế, cách đắp tượng dưới thời Nguyễn. Ba sắc do các vua triều Nguyễn phong thần cho Lý Ông Trọng, bốn bia đá (một tấm thời Lê Cảnh Hưng và ba tấm thời Nguyễn), hai chuông đồng đúc dưới thời Nguyễn, 15 câu đối, 8 bức hoành phi, 10 pho tượng thờ. Ngoài ra, trong đình còn có nhiều đồ thờ tự có giá trị nghệ thuật cao.

 

Là một kiến trúc cổ kính, đình Chèm đã qua nhiều lần tu sửa và xây thêm như hậu cung làm năm Đức Long thứ 3 (1621), tam quan sửa lại năm Cảnh Hưng thứ 34 (1773) và các lần khác vào các năm 1792, 1797, 1885, 1903 và 1913. Một sự kiện đặc biệt trong việc sửa chữa đình này được ghi lại trong tấm bia đình Thụy Phương, đó là nâng toàn bộ ngôi đình lên như kiệu khiêng người, nên gọi là “kiệu đình Chèm” vào năm 1903. Do việc lùi con đê vào phía trong nên đình Chèm nằm ở ngoài đê. Nước lũ lên cao, nếu ngập đình sẽ hư hỏng nặng, mà dỡ đình ra, tôn lên rồi xây lắp lại thì quá tốn kém. Thợ cả Vương Văn Địch, người làng Văn Trì (xã Minh Khai, huyện Từ Liêm) đứng đầu một hiệp thợ đã đưa ra sáng kiến: dùng gỗ làm đà, treo quang bỏ gạch, để kích dần dần toàn bộ ngôi đình lên cao 2,4 mét theo phương pháp đòn bẩy và đã thành công. Có lẽ đây là lần đầu tiên ở Hà Nội tiến hành công việc này bằng phương pháp thủ công.

 

Trong dân gian vùng ven sông Hồng, sông Nhuệ thuộc huyện Từ Liêm còn lưu truyền câu chuyện: Một năm lũ to, Ông Trọng đã giúp dân trừ thủy quái phá đê. Ông sải chân từ làng Chèm sang làng Chài (Đại Độ) bên kia sông, thò tay tóm con thuồng luông, san lũ sông Từ Liêm sang sông Nhị, từ đó không bị vỡ đê. Lý Ông Trọng được coi là vị thần bảo vệ đê điều cho cả một vùng sông nước nên nhiều làng cạnh sông Hồng đều thờ ông.

 

Hằng năm, hội làng Chèm mở vào rằm tháng Năm âm lịch để tưởng nhớ Ông Trọng. Đây là hội của ba làng: làng Chèm (Thụy Phương), làng Hoàng (Hoàng Xá) và làng Mạc (Mạc Xá). Ca dao Hà Nội có câu: “Thứ nhất là hội Cổ Loa/ Thứ nhì hội Gióng, thứ ba hội Chèm”. Lễ rước mở đầu là một nghi thức trang trọng. Dân ba làng cử ra đoàn thuyền rước nước, mỗi thuyền có một chóe nước để tắm cho Đức Ông (Ông Trọng) và Đức Bà (vợ Ông Trọng) và ông Sứ (Nguyễn Văn Chất). Ba chiếc thuyền đi rước nước hành hương xuôi theo dòng sông Hồng. Đến khu vực “Thác Bạc” ngang làng Bạc (Thượng Thụy, Phú Thượng, nay thuộc quận Tây Hồ) thì cho thuyền xoay ba vòng, rồi một ông lão lấy gáo đồng múc nước giữa dòng cho vào các chóe bằng sứ cổ trong tiếng hò reo, tiếng hô “ù, óe” vang động mặt sông. Thuyền quay trở về đến bến Ngự – nhà Mã, đưa nước lên kiệu Đức Ông, Đức Bà cùng với đoàn rước hộ tống về đình làm lễ mộc dục (tắm tượng). Ngày xưa còn tổ chức rước thánh lên làng Hoàng Xá (xã Liên Mạc), quê hương ông Chất và cũng là nơi thờ ông Chất làm Thành hoàng.