Đền thờ Hai Bà Trưng

16:45, 10/01/2014

Hai Bà Trưng Trắc và Trưng Nhị là hai chị em sinh đôi, sinh ngày mùng 1 tháng 8 năm Giáp Tuất (tức năm 14 sau Công nguyên), mất ngày mùng 8 tháng 3 năm Quý Mão (tức năm 43 sau Công nguyên). Hai Bà Trưng được nhân dân suy tôn làm Trưng Thánh Vương “Danh thơm muôn thuở vọng cõi trời Nam”, người đã ghi công đầu trong lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc.

Hai Bà sinh ra trong một gia đình dòng dõi các Vua Hùng, cha là ông Trưng Định (Hùng Định), một hiền sĩ, văn võ toàn tài, được cử làm quan lạc tướng đất Mê Linh. Khi ông Trưng Định về đất Cổ Lai (nay là làng Hạ Lôi, xã Mê Linh) ẩn thân dạy học đã gặp bà Trần Thị Đoan, con gái cụ Trần Minh (cũng là cháu chắt bên ngoại của Vua Hùng, một gia đình phong lưu lệnh tộc cao môn), ông đã xin đính ước cầu hôn cùng bà.

 

Hai Bà đã ghi công đầu trong lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc bằng cuộc khởi nghĩa Mê Linh mùa xuân năm 40 (sau Công nguyên), đánh đuổi giặc Đông Hán ra khỏi bờ cõi nước ta, giành lại độc lập chủ quyền cho non sông đất nước, lập triều đại Trưng Vương tên nước Lĩnh Nam, đóng kinh đô tại Mê Linh.

 

Để tỏ lòng biết ơn công đức của Hai Bà Trưng, nhân dân nhiều nơi đã lập đền, miếu thờ phụng Hai Bà và các tướng của Hai Bà. Đền thờ Hai Bà ở thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội được xây dựng trên vùng đất thiêng đắc địa, ngay chính nơi Hai Bà Trưng sinh ra, lớn lên, phất cờ khởi nghĩa giành thắng lợi, xưng Vương và định đô. Đền ngự trên một khu đất cao, rộng, thoáng giữa cánh đồng, nhìn ra đê sông Hồng. Ban đầu ngôi đền được dựng bằng tre, lá, đến triều Đinh (968-980), đền được xây lại bằng gạch. Đền đã trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo. Đền được xây dựng theo kiểu “Nội công ngoại quốc”, hình chữ “tam”, gồm: Tiền tế, Trung tế, Hậu cung, xung quanh là tường gạch; hai bên là Tả mạc và Hữu mạc bao lấy khu sân rộng. Hiện nay, trong đền còn lưu giữ nhiều cổ vật quý: Hai cỗ kiệu Bát Cống, Long Đình từ thế kỷ XVII, gươm trường, bát cửu, cửa võng, nhang án, chuông đồng (đúc năm 1803), bia đá (khắc năm 1889), trùng tu cải chính hướng đền. Đền còn lưu giữ 23 đạo sắc phong của của các triều đại phong kiến Việt Nam, sắc phong sớm nhất là từ đời Vua Lê Hiển Tông năm Cảnh Hưng 44 (ngày 26 tháng 7 năm 1783) cho đến sắc phong triều Nguyễn năm Khải Định 9 (ngày 25 tháng 7 năm 1924, bao gồm sắc phong tôn hiệu cho Hai Bà Trưng và các sắc chỉ cho nhân dân làng Hạ Lôi cùng các vùng lân cận phải chăm sóc, giữ gìn đền thờ Hai Bà Trưng.

 

Vào những năm 1943-1944, Tổng Bí thưTrường đã lấy đền thờ Hai Bà Trưng làm một trong những nơi hội họp bí mật để chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Thủ đô Hà Nội ngày 19/8/1945.

 

Ngày 7/10/1980, khu thành cổ Mê Linh và Đền thờ Hai Bà Trưng đã được Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc Gia. Ngoài đền thờ chính tại xã Mê Linh, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội ngày nay, hiện ở nhiều địa phương khác trong cả nước, nhân dân cũng tôn kính và lập đền thờ Hai Bà, hoàng thân quốc thích và các tướng quốc của Hai Bà (theo thống kê, hiện có 215 nơi thờ tự 238 vị tướng của Hai Bà Trưng, trong đó có 143 vị Nam tướng, 95 vị Nữ tướng).

 

Để xứng đáng với vị thế của Hai Bà Trưng trong lịch sử dân tộc, ngày 29/8/2002, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã phê duyệt dự án đầu tư, quy hoạch, tôn tạo và xây dựng khu di tích Đền thờ Hai Bà Trưng, huyện Mê Linh trên diện tích gần 13 ha. Dự án bao gồm việc trùng tu, tôn tạo đền chính (Tam tòa chính điện); đồng thời xây dựng một cách đồng bộ, hoàn chỉnh các công trình phù trợ, tạo thành khu di tích Đền thờ Hai Bà Trưng, với quy mô kiến trúc khang trang, bề thế.

 

Khu di tích Đền thờ Hai Bà Trưng, huyện Mê Linh đã được Thủ tướng chính phủ đưa vào danh mục dự án quan trọng cấp Quốc gia. Từ năm 2004, được sự quan tâm của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, của tỉnh Vĩnh Phúc và thành phố Hà Nội đã đầu tư xây dựng, tôn tạo di tích lịch sử văn hoá Đền thờ Hai Bà Trưng khang trang, bề thế, đến nay đã hoàn thành giai đoạn I: Tu bổ, tôn tạo 3 toà đền chính; sơn son thếp bạc các cấu kiện gỗ của 3 toà, tu bổ toàn bộ nội thất Đền; dịch chuyển nhà Tả Mạc, Hữu Mạc để nới rộng không gian Đền; cải tạo hồ bán nguyệt và sân đền trước Tiền tế; xây dựng hệ thống đền thờ thân, phụ mẫu Hai Bà, đền thờ thân, phụ mẫu ông Thi Sách; đền thờ các tướng lĩnh của Hai Bà Trưng; khôi phục lại thành ống, hộp thư bí mật... với tổng kinh phí trên 100 tỷ đồng. Đền thờ Hai Bà Trưng ngày càng khẳng định được vị thế, là nơi du lịch tâm linh, hàng năm thu hút hàng triệu du khách khắp nơi đến dâng hương, thăm quan, giao lưu, học tập. Với ý nghĩa lớn lao đó, ngày 09/12/2013, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định công nhận Đền thờ Hai Bà Trưng là di tích Quốc gia đặc biệt.

 

Để thiết thực chuẩn bị Kỷ niệm 2.000 năm ngày sinh của Hai Bà Trưng 1 tháng 8 năm Giáp Tuất (năm 14) - 1 tháng 8 năm Giáp Ngọ (năm 2014) và đón nhận Bằng công nhận di tích Quốc gia đặc biệt Đền thờ Hai Bà Trưng; huyện Mê Linh triển khai kế hoạch tổ chức các hoạt động thiết thực, ý nghĩa và hiện nay đang triển khai thực hiện đầu tư xây dựng giai đoạn II: Nâng cấp, mở rộng đường Kéo Quân (từ Đình Hạ Lôi đến Đền thờ Hai Bà Trưng); xây dựng Quảng trường Đền thờ; Cổng chính và Cổng phụ Đền thờ; Hồ Bán Nguyệt của Đền thờ Hai Bà Trưng; xây dựng Cụm di tích (Đền thờ Hai Bà Trưng - Đền thờ nữ tướng Hồ Đề - Đền thờ nữ tướng Ả Lự Minh Vương) và xây dựng hệ thống các công trình phục vụ tham quan, du lịch, xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hệ thống đường giao thông nội tuyến, ngoại tuyến; trồng các loại cây: muỗm, ngọc lan, sấu, long não, chò chỉ, sao đen… với nguồn kinh phí khoảng trên 150 tỷ đồng.

 

Việc quy hoạch, trùng tu, tôn tạo và mở rộng khu di tích Đền thờ Hai Bà Trưng đồng bộ, cùng với nét đẹp truyền thống lịch sử văn hóa và lễ hội truyền thống Đền thờ Hai Bà Trưng sẽ là điểm hẹn du lịch văn hóa tâm linh hấp dẫn đối với khách du lịch trong và ngoài nước. Lễ hội Đền Hai Bà Trưng, mở hội chính từ ngày Mồng sáu đến ngày Mồng mười tháng Giêng Âm lịch (Ngày Mồng sáu là chính hội - ngày Hai Bà Trưng tế cờ khởi nghĩa). Lễ hội được tổ chức theo nghi thức nhà nước và truyền thống địa phương. Ngoài lễ hội chính, hằng năm còn tổ chức những ngày lễ truyền thống như: Ngày Mồng tám tháng Ba Âm lịch là ngày hóa của Hai Bà Trưng (ngày mồng 8 tháng 3 năm Quý Mão, năm 43 sau Công nguyên). Ngày Mồng một tháng Tám Âm lịch, là ngày sinh của Hai Bà Trưng, (ngày mồng 1 tháng 8 năm Giáp Tuất, năm 14 sau Công nguyên). Ngày Mồng mười tháng Mười một Âm lịch là ngày giỗ ông Thi Sách (chồng Bà Trưng Trắc)…

 

Du khách về với Mê Linh là về với quê hương Hai Bà Trưng - một vùng quê huyền thoại của kinh đô xưa, mang đậm nét truyền thống lịch sử văn hoá với những người dân cần cù sáng tạo hăng say trên những cánh đồng hoa khởi sắc muôn màu và nơi đây còn lưu giữ được những di tích đặc sắc về cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Có biết bao chứng tích đầy sức thuyết phục như: Những đoạn tường thành kinh đô xưa, bãi Huyện, đường Kéo Quân, hồ Tắm Voi, đền thờ, lễ hội…mà ở đó, mỗi bậc thềm, then cửa, tiếng cựa mình của cây lá đều là những thông điệp nhắn gửi tới muôn đời sau.