Hương Ngải xưa có tên là làng Kẻ Ngái. Theo các cụ cao niên trong làng kể lại, ngày xưa có rất nhiều cây ngái mọc xung quanh làng. Và cái tên Kẻ Ngái cũng có gốc gác từ cây ngái dại quanh làng ấy.
Từ cái tên làng Ngái, có chuyện kể rằng, cây ngái khi nở hoa toả hương thơm khắp vùng, nên dân gian gọi thành “Làng Hương Ngái”, rồi chữ “Ngái” bị đọc chệch đi thành “Ngải”. Thế là lâu ngày cái tên Hương Ngải dính chặt với làng. Nay là xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất, ngoại thành Hà Nội.
Dân làng Ngái nổi tiếng là khéo tay trong việc xây nhà. Trong các làng nghề làm nhà gỗ cổ nổi tiếng ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, chắc hẳn không có nơi nào sánh kịp đôi bàn tay tài hoa, khéo léo của những người thợ làng Ngái. Đời trước truyền lại đời sau, bao lớp trai làng nơi đây đã dựng xây, trùng tu hàng trăm ngôi nhà, ngôi đình, chùa… cổ kính, uy nghi, góp phần giữ gìn và tỏa sáng tinh hoa văn hóa Việt.
Ngoài kỹ thuật, mỹ thuật, người thợ Hương Ngải còn đúc kết được những chuẩn mực về nhà cổ, vì thế nhiều nơi trong xứ Đoài hễ có xây nhà hay tu sửa đình, chùa đều tìm đến. Một số công trình cấp quốc gia như phục hồi Nhà Thái Học ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, làng cổ Đường Lâm, Yên Tử,… cũng có sự góp mặt của thợ mộc Hương Ngải.
Đặc biệt mới đây, người thợ Hương Ngải tham gia vào trùng tu chùa Đình Quán ở xã Minh Khai, Từ Liêm, Hà Nội, khu du lịch Thiên Đường Bảo Sơn, những đền chùa,… miếu mạo ở nhiều nơi trong nước.
Nhịp sống hiện đại đang từng ngày biến đổi một cách nhanh chóng, đời sống của con người lại càng đề cao các giá trị tiện ích. Xu thế thời thượng được bộc lộ rõ qua xây dựng kiến trúc hiện đại, các ngôi nhà cao tầng, bê tông hóa phát triển. Vì thế đã một thời giá trị văn hóa kiến trúc của dân tộc đang bị bào mòn bởi những bước đi của thời gian.
Trong khôi phục và phát huy nền văn hóa dân tộc truyền thống, kiến trúc nhà gỗ truyền thống đóng vai trò quan trọng đối với phục hưng lại không gian văn hóa, các làng truyền thống đang bị mai một.
Khoảng 5 năm trở lại đây, ngày càng có nhiều gia đình ở làng Ngái đầu tư hàng trăm triệu đồng, thậm chí là cả tỷ đồng để sửa chữa và xây mới nhà ở theo kiến trúc cổ. Một số nhà có điều kiện và diện tích rộng làm nửa nhà gỗ cổ truyền, một nửa là nhà cao tầng hiện đại.
Những ngôi nhà gỗ cổ truyền thống ấy đã và đang góp phần gìn giữ một nét đẹp truyền thống, mang tính đặc trưng của làng quê Việt.
Với tay nghề thành thạo, những đường đi tinh xảo trên thân gỗ, người thợ Hương Ngải đã thổi hồn mình vào trong từng tác phẩm. Một sản phẩm được làm ra là tâm huyết của một người, mỗi hoa văn trên sản phẩm là cái nhìn mỹ học của một người, tất cả không ai giống ai, không sản phẩm nào giống sản phẩm nào, không hoa văn nào giống hoa văn nào, nó là hơi thở của mỗi người làm mộc. Đó cũng chính là nét độc đáo làm nên mộc Hương Ngải.
Người dân làng Ngái không chỉ nổi tiếng trong xây dựng thiết kế nhà gỗ cổ truyền, nhà gỗ hiện đại, tu sửa đình - chùa… mà còn được biết đến bởi các tác phẩm đa dạng khác làm từ gỗ như: đồ thờ (hoành phi câu đối, cuốn thư, án gian, khám, ỷ, ngai, tượng đào thọ, tượng tam đa…), đồ nội thất (sập gụ, tủ chè, bàn ghế, tủ bếp, giường…), hay các đồ trang trí vật dụng hàng ngày được chế tác bởi thợ làng Ngái.
Nghề mộc ở Hương Ngải là một nghề thủ công nổi tiếng ở xứ Đoài và chính nghề mộc đã gắn bó với đời sống người dân nơi đây từ thế hệ này qua thế hệ khác, tồn tại mãi cho đến ngày nay.