Độc đáo nét văn hóa của người La Chí

17:46, 27/12/2014

Người La Chí ở Lào Cai sinh sống tập trung ở thôn Nậm Táng, Nậm Khánh, Mào Phố (xã Nậm Khánh, huyện Bắc Hà) và thôn Hóa Chư Phùng (xã Nàn Sán, huyện Si Ma Cai). Lễ cúng cầu mùa, lễ cúng cơm mới, cúng trừ sâu bệnh, lễ cúng gọi hồn lúa, thờ cúng tổ tiên... là những nghi lễ đậm nét văn hóa đặc trưng trong hệ thống tín ngưỡng nông nghiệp được đồng bào lưu giữ và phát huy.

Gọi hồn lúa ‘‘đi chơi lang thang’’ về nhà

 

Thường thì sau khi làm đất xong, trước khi cấy, người La Chí làm lễ cúng gọi hồn lúa về nhập vào hạt giống. Họ quan niệm rằng, sau khi mùa vụ thu hoạch xong là khoảng thời gian dài nhàn rỗi, «hồn» của cây lúa thường ngủ quên chưa tỉnh giấc hoặc «đi chơi» lang thang. Do vậy, phải nhờ thầy cúng gọi hồn lúa về thì cây lúa mới phát triển tươi tốt, mùa vụ bội thu.

 

Ngày tổ chức lễ cúng, phải mời thầy cúng cao tay trong làng về cúng giúp. Lễ vật gồm có: Một con lợn, một gói cá, một chai rượu hoẵng (có thể thay thế bằng một chai nước ngọt), một củ gừng, bốn bó mạ. Các lễ vật được chủ nhà bày lên chiếc mâm gỗ, đặt trước bàn thờ tổ tiên để thầy cúng gọi hồn lúa về cho gia đình.

 

Sau khi bày lễ vật xong, chủ nhà lấy hai chiếc nan tre uốn thành hình vòng cung đặt trước mâm thờ với ý nghĩa tượng trưng cho chiếc cầu để thầy đón hồn lúa về. Lễ vật chuẩn bị xong, thầy cúng khấn báo cáo với các cụ tổ tiên ba đời, mời các cụ về hưởng lễ rồi phù hộ cho gia đình mùa màng được bội thu.

 

Phần gọi hồn lúa được xem là phần cúng quan trọng nhất. Khi tìm thấy hồn lúa, thầy cúng gọi lần lượt theo trình tự sinh trưởng của cây lúa, từ phần mầm ở đầu mỗi hạt thóc cho đến khi cây lúa thành hạt.

 

Trong lễ cúng, gia chủ chuẩn bị một bát nước đặt trước mâm thờ, một củ gừng được buộc vào một sợi dây để đi tìm hồn lúa. Củ gừng được người La Chí tôn sùng là vật cúng tế, là vật nối liền giữa âm và dương, cho nên bất cứ lễ cúng nào của người La Chí cũng không thể thiếu được củ gừng.

 

Sau khi gọi được hồn lúa về nhập vào các bó mạ, chủ nhà giao các bó mạ cho người vợ hoặc người con dâu mang ra khu ruộng cấy vào thành một đám với ý nghĩa là khóm lúa mẹ, lúa đầu tiên để mở đầu cho một mùa vụ mới. Người cấy khóm lúa này tuyệt đối phải là nữ giới với quan niệm là cây lúa mẹ phải do người phụ nữ cấy thì gia đình mới có mùa màng bội thu. Sau khóm lúa đầu tiên, mọi người đến giúp cùng xuống ruộng cấy, họ vừa cấy vừa đùa vui với niềm tin về một mùa vụ bội thu.

 

Tưng bừng lễ mừng cơm mới

 

Lễ mừng cơm mới của người La Chí diễn ra vào thời điểm khi những nương lúa hè thu bắt đầu chín rộ. Mục đích của lễ ăn mừng cơm mới là mừng một vụ mùa bội thu, người ta làm cơm mới để cúng báo tổ tiên, tạ ơn trời đất... Họ thường chọn ngày con rồng (ngày Thìn) để tổ chức lễ mừng. Trước khi làm lễ, họ ra nương gặt lúa nếp (loại bánh tẻ) mang về luộc cả rơm, rồi tuốt lấy hạt thóc đem rang khô, cho vào cối giã thành gạo rồi vo sạch trộn với nước tro của lá cây rừng cho vào chõ đồ chín thành cơm (cơm xôi khi chín có các màu tím, vàng, đỏ). Mâm cúng ngoài cơm xôi còn thịt trâu sấy khô, thịt lợn hoặc gà, vịt luộc, cá suối nướng, chim nướng cùng với 5 chiếc bát, 5 đôi đũa và tiền vàng mã...

 

Khi các món ăn đã chế biến xong, chủ nhà bày lên chiếc mâm đặt trước bàn thờ tổ tiên (có gia đình làm lễ tại nương). Trong buổi lễ, người phụ nữ cao tuổi mặc trang phục truyền thống chỉnh tề đóng vai “Mẹ lúa” dâng lễ cúng. Bà mẹ lúa tiến hành nghi lễ gặt lúa tượng trưng, diễn tả động tác gặt lúa, giã gạo và lẩm nhẩm cúng khấn mời tổ tiên, thần lúa, thần gạo... chứng kiến lòng thành, phù hộ cho gia đình mạnh khoẻ, sản xuất được nhiều lúa gạo. Trong lễ mừng cơm mới, các nam thanh, nữ tú còn thi hát giao duyên, hát đối đáp và chơi các trò chơi bập bênh, đu đôi nam nữ.

 

Con trai La Chí, mỗi người có một ban thờ riêng

 

Người La Chí thường chỉ cúng gọi các cụ ba đời trở lại. Ban thờ tổ tiên của họ có hình dáng gần giống như một chiếc thang được đặt giáp vách trước ở gian giữa của ngôi nhà và đối diện với bếp sưởi. Ngày vào nhà mới, gia chủ chọn ngày tốt vào rừng chọn lấy hai cây tre đẹp, có đường kính 8 - 10 cm, dài khoảng 1,8m. Sau khi chặt, chủ nhà so xem các dóng tre có đều nhau không. Vì theo quan niệm của người La Chí các dóng tre ở hai cột ban thờ có đều nhau thì cuộc sống của gia chủ và vợ con mới gặp nhiều may mắn, trước sau đều tốt. Nếu không cuộc sống của họ sẽ gặp nhiều trắc trở, chông gai. Hai cây tre được chủ nhà mang về nhà thờ thầy cúng làm lễ lập ban thờ mới.

 

Theo phong tục của người La Chí, bàn thờ tổ tiên của gia đình được lập phải trải qua ba lần mới được coi là hoàn chỉnh. Lần lập bàn thờ đầu tiên sau khi người con trai xây dựng gia đình, đánh dấu sự trưởng thành của người đàn ông. Lần thứ hai diễn ra sau khi người con trai đã có con, bố mẹ bắt đầu cho ra ở riêng. Lần thứ ba được thực hiện sau khi người đàn ông đã ngoài bốn mươi tuổi, lần lập bàn thờ này đánh dấu sự nên ông, nên bà của chủ nhà.

 

Để làm lễ lập bàn thờ chủ nhà phải nhờ thầy cúng “pô mìa” chọn ngày lành, tháng tốt và đặc biệt không được trùng với ngày mất của ông bà, bố mẹ trong gia đình với mong muốn gia đình luôn được tổ tiên bảo vệ, giúp đỡ con cháu làm ăn luôn được thuận lợi, may mắn.

 

Theo phong tục của người La Chí mỗi người con trai đều có một bàn thờ riêng, nên trong cùng một ngôi nhà có thể có từ 1 - 3 bàn thờ. Những người đã lập bàn thờ đủ ba lần thì mới được cộng đồng, làng xóm tôn trọng, được gọi là người được những người khác tôn trọng.

 

(Theo LangVietOnline)