Mùa xuân trên đại ngàn Tây Nguyên

09:28, 22/01/2015

Mùa lễ hội ở Tây Nguyên diễn ra từ cuối tháng 12 năm cũ đến hết tháng 3 dương lịch năm mới. Đây là mùa “ăn năm uống tháng” của các dân tộc nơi đây, cả cộng đồng nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí, tạm gác lại mọi lo toan công việc thường nhật; sống đắm say, quên mình trong nhưng vũ điệu hoang dã, những ché rượu đượm nồng và trong tiếng cồng tiếng chiêng khi trầm vọng lúc vút cao suốt điệp trùng sông bạc núi thiêng của dải đất đại ngàn đang độ vào xuân.

Lễ hội mừng lúa mới của đồng bào Ê đê và một số dân tộc khác được tổ chức sau mùa gặt hái, cũng là lúc đón năm mới về. Vừa kết thúc một năm lao động hăng say vất vả, cũng vừa vào thời điểm hết năm cũ, đón năm mới nên lễ hội mừng lúa mới diễn ra rất tưng bừng, rộn rã. Lúc này, mọi nhà đều nhanh chóng đưa những mẻ lúa vàng ươm từ rẫy vể, cùng đó là rước hồn lúa về nhà và tổ chức lễ ăn cơm mới. Ngày làm lễ cúng cơm mới đến, khắp buôn xa làng gần tiếng chày giã gạo rộn rã từ sớm đến khuya. Đàn ông thì tất bật chẻ củi, gánh nước, mổ gà, giết heo, chuẩn bị rượu cần, mời khách,... phụ nữ thì sửa soạn váy áo, trẻ con khắp buôn thì nô nức khăn đẹp áo mới tung tăng nô đùa. Không khí quả thật rộn ràng, vui tươi. Lễ vật khi cúng cơm mới thông thường gồm thịt heo, rượu cần, cơm mới, bầu nước lã, ông điếu, bếp đựng than và các nông cụ… Lễ vật bày biện tươm tất xong, giá chủ sẽ mời thầy đến cúng Yàng, bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc của gia chủ đối với các vị thần đã cho một vụ mùa no đủ, ngô đầy nhà, thóc đầy kho và cầu mong cho vụ mùa sau được mưa thuận gió hòa, lúa ngô tươi tốt. Lời cúng cầu ngân vang trầm bổng, hòa vào tiếng sông tiếng núi, tiếng gió thổi, tiếng mưa bay: “Hỡi thần trời ơi! Vị thần xinh gái, vị thần đẹp trai, vị thần cho giống lúa, vị thần cấp giống ngô. Ngô đã đem về tới kho, hạt thóc đã đem về tới nhà, nay con cháu cúng bằng con heo, bằng ché rượu. Thịt heo đã dọn trong lá, nước rượu đã đựng trong chén đồng, xin các thần đến ăn đến uống…!”. Kết lời khấn, thầy cúng sẽ vẫy rượu ở bếp, dàn chiêng, cầu thang, kho lúa để chúc phúc. Sau đó, mọi người quây quần ăn uống, bắt đầu từ cần rượu đầu tiên của nữ gia chủ, mọi người từ anh em họ tộc đến khách trong buôn tề tựu, vui vầy ăn uống thoải mái, no say; rượu hết thì châm thêm, thịt hết lại dọn, cuộc vui cứ kéo dài đến đêm khuya. Lúc này, tiếng cồng tiếng chiêng lại vang lên rộn rã núi rừng, bên bếp lửa bập bùng, tiếng hát Aray dập dìu trầm bổng. Cũng có khi là lối kể Khan của một nghệ nhân già, giọng kể vang vọng, thấm đượm cảm xúc về cội nguồn ông cha anh hùng, dũng mãnh trên mảnh đất bao la nắng gió này. Ánh lửa bập bùng làm ửng hồng những đôi má đang đắm say, câu ca điệu nhạc len lỏi khắp núi rừng, hòa vào tiếng suối róc rách chảy, xen lẫn tiếng lá rừng reo. Cứ thế, cuộc vui say bất tận thâu đêm.

 

Sau lễ ăn cơm mới, các buôn làng tiến hành Lễ cúng bến nước. Người Tây Nguyên quan niệm, nước là quý giá nhất, hơn cả cơm ăn áo mặc, cuộc sống có tốt tươi, sinh sôi nảy nở cũng là nhờ nguồn nước mát lành. Chính bởi vậy, đây là nghi lễ rất quan trọng của đồng bào nơi đây,có sự tham gia của cả cộng đồng buôn làng nhằm tạ ơn thần nước đã ban cho dân làng dòng nước đủ đầy mát ngọt, đem lại may mắn trong năm qua và cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt trong năm mới . Ngày diễn ra lễ cúng, bến nước được trang hoàng với cổng chào dựng bằng cây, bằng cỏ lá dài và điểm tô bởi các đồ vật trang trí. Lễ cúng là rượu, thịt và không thể thiếu một chậu tiết loãng. Bắt đầu nghi lễ, Già làng sẽ đứng ở đầu nguồn nước, thả huyết của con vật hiến sinh cho trôi theo con nước xuôi đến tận cuối dòng. Khi đó, mọi nhà mới chính thức bắt đầu làm lễ cúng, mọi người mang các vật dụng chứa nước, thường là quả bầu khô để đem nước về nhà lấy phước. Trong khi đó, một đoàn người sẽ theo chủ lễ hát cầu cúng và rưới tiết loãng vào cầu thang từng nhà trong buôn để cầu may mắn cho gia chủ. Kết thúc nghi lễ, cả buôn làng tập trung về nhà dài bày mâm chia cỗ, ăn thịt uống rượu no say, hòa vào đó là tiếng cồng tiếng chiêng cùng tiếng hát đắm say vang vọng khắp núi rừng đang rộ nở mùa xuân.

 

Cũng vào mùa này, khi cây cối đâm chồi nảy lộc, muôn hoa khoe sắc, chim hót véo von, người Tây Nguyên sẽ tiến hành một nghi lễ thiêng liêng đối với vòng đời của một con người, đó là lễ bỏ mả. Người Tây Nguyên quan niệm khi mới mất, linh hồn người chết vẫn ở với buôn làng nên hàng ngày người thân vẫn ra mộ quét dọn đồng thời đem cơm nước cho người chết “ăn uống” qua một chiếc ống dài cắm thông xuống huyệt. Cứ thế 1 năm, 3 năm hay 6 năm tùy từng dân tộc, từng gia đình, người ta sẽ tiến hành làm lễ bỏ mả cho người đã khuất. Lễ này diễn ra vào mùa xuân tại các nghĩa địa của buôn làng nhằm sửa soạn, xây dựng một nhà mồ to đẹp, khang trang , kiên cố hơn thay cho ngôi mồ tạm, và từ đây sẽ không ra đưa cơm, quét dọn hàng ngày nữa. Nghi lễ này thể hiện quan niệm của người Ê đê về luân hồi và vòng đời của mỗi con người. Đó là sau khi làm lễ bỏ mả thì linh hồn người chết chính thức được trở về với Yàng, với rừng với nước, với ông bà tổ tiên. Sau đó, hồn phải qua 7 lần chết nữa mới biến thành giọt sương mang linh hồn tổ tiên trở lại thế giới trên mặt đất đầu thai vào đứa trẻ. Vì vậy, đối với người Ê đê, lễ bỏ mả là dịp vui mừng để hồn người chết còn quẩn quanh người sống sớm trở thành giọt sương để đầu thai lại thành người. Hồn người chết đầu thai vào đứa trẻ sơ sinh, mang linh hồn và tên tiên tổ, đảm bảo tính trường tồn và bền vững của cộng đồng huyết tộc. Bởi thế, người ta sẽ không bắt gặp cảnh tượng buồn khổ tang thương mà thay vào đó là không khí rộn ràng của một lễ hội thực sự. Cũng thịt hàng mâm, rượu hàng ché, người ta sẽ cúng cho người chết cơm trắng, thịt sống thái nhỏ trộn tiết của con vật hiến sinh và một mẩu đuôi, một chiếc xương đầu và một bầu rượu được hút ra từ ché lớn. Quan trọng nhất, người ta sẽ dựng một nhà mồ to đẹp và đặc biệt không thể thiếu các bức tượng nhà mồ vốn đã nức tiếng trong nền điêu khắc dân gian quanh “ngôi nhà” ấy. Dựng nhà mồ và cúng lễ xong xuôi, cả buôn làng sẽ quây quần ăn uống ngay tại đó, mừng cho linh hồn người chết siêu sanh, sớm hóa thành giọt sương mà trở lại với buôn làng.

 

 

Người sống, người chết, vào mùa xuân đều rộn rã, đắm chìm trong lễ và hội. Cứ thế miên man, liên tục, cả buôn làng lại về với Lễ đâm trâu. Đây là một trong những lễ hội vui nhất, tưng bừng nhất vào mùa xuân ở Tây Nguyên. Ngày đầu tiên của lễ hội, tiếng chiêng arap nổi lên để gọi mời và tiếp đón thần linh cũng như các vị khách, đồng thời cũng là để giục dã mọi người khẩn trương hoàn thành khâu chuẩn bị cho lễ hội. Những ngày này, tiếng cồng tiếng chiêng liên tục không dứt làm không khí ngày xuân thêm rộn rã, tưng bừng. Thanh niên trai tráng vào rừng đốn những cây gỗ to về dựng thành cột Gingga trước sân nhà rông, cột được trang trí hoa văn mang đậm bản sắc văn hóa người Tây Nguyên, mộc mạc mà đẹp mê hồn. Bắt đầu khai hội, trống chiêng vang lên giòn dã, tưng bừng. Tất thảy mọi người trong buôn không kể già trẻ gái trai đều xúng xính trong những bộ quần áo truyền thống rực rỡ sắc màu, quần tụ chuyện trò ríu ran cả một góc trời. Giờ lành đến, Già làng chủ trì buổi lễ nghiêm trang đứng cạnh cột Gingga, tiếng cồng chiêng tạm lắng lại nhường lời cho vị Già làng cúng khấn xin các thần về dự lễ, cùng ăn thịt uống rượu và ban cho buôn làng trồng được nhiều lúa ngô, nuôi được nhiều trâu bò. Sau đó, cho dẫn ra một con trâu đực và buộc chặt vào cột Gingga. Tiếng cồng chiêng lại nổi lên với thanh điệu cao vút, nhịp điệu đưa nhanh, mọi người sẽ cùng hòa vào nhảy múa theo điệu nhạc. Các sơn nữ uyển chuyển, đắm say với các điệu vũ nồng nàn còn các chàng trai tay mang kiếm sáng loáng, múa những đường nét dũng mãnh, oai hùng. Cứ thế họ nối tiếp nhau, hết điệu vũ này lại đến điệu vũ khác; hết múa kiếm lại sang đấu gậy. Tiếng cồng chiêng rộn rã, lên bổng xuống trầm, lúc nhanh khi chậm khiến không khí tưng bừng hơn bao giờ hết. Sau các màn múa hát họ bắt đầu đâm trâu. Khoảnh khắc thiêng liêng của buổi lễ là lúc mũi lao cắm vào tim con trâu, cùng lúc tiếng cồng chiêng, tiếng hát và những vũ điệu theo cột đâm trâu vút lên không trung tạo niềm tin về một vụ mùa bội thu, hăng say lao động sản xuất. Không gian như rộng ra, thời gian như ngừng lại, lúc này chính là khoảng thời gian cả buôn làng quây quần bên ché rượu cần, bên những mâm thịt, cùng nhau nhảy múa ăn uống quanh đống lửa hồng... Mọi nhọc nhằn lo toan ngày thường gác lại, những buồn khổ hiềm khích quên đi, cả buôn làng bên nhau khăng khít, hòa mình vào cuộc vui say bất tận.

 

Hòa cùng không khí náo nức, sôi nổi của mùa xuân với nhiều nghi lễ lớn, đồng bào Tây Nguyên còn tổ chức nhiều hội tưng bừng, trong đó không thể không kể đến hội đua voi. Lễ hội này nhằm tôn vinh sức mạnh và tài nghệ thuần dưỡng voi của người dân bản địa. Lễ hội đua voi được tổ chức tại một khu đất trống, khá bằng phẳng và thưa cây của vườn Quốc gia Yok Đôn hoặc một cánh rừng thưa ven sông Sê-rê-pốk. Voi dàn hàng ngang khoảng 10 con hoặc nhiều hơn. Khán giả, phần đông là người dân trong buôn làng, mặc váy áo dệt rực rỡ đứng hai bên reo hò, cổ vũ. Những chú voi oai hùng, đồ sộ lại rất đỗi hiền lành, đưa vòi lên vẫy chào mọi người. Các nài voi ngự trên cổ và lưng voi trong tư thế dũng mãnh, tráng kiến, rất tự tin và thuần thục trong việc điều khiển các chú voi. Một hồi tù và vang dội báo lệnh xuất phát, dàn voi lập tức lao về phía trước. Các nài voi khéo léo điều khiển voi chạy đúng hàng, giữ sức hoặc tăng tốc. Hai bên đường đua, tiếng reo hò cổ vũ vang dội. Các chú voi sung sức chạy rung mặt đất, bụi tung mù trời. Đường đua thường 400-500m hoặc nếu dài thì khoảng 1-2km. Các chú voi đều ra sức hoàn thành tốt chặng đua, kết thúc cuộc thi, các chú voi đều được thưởng rất nhiều mía, chuối,... riêng voi thắng cuộc sẽ được tặng vòng hoa và rất nhiều thức ăn ngon. Ngoài thi chạy, voi còn thi kéo cây, ném gỗ, thi bơi vượt sông, thi đá bóng,... Hội đua voi diễn ra rất đa dạng nhưng đều không trọng thắng thua mà chủ yếu là đem lại không khí vui tươi, tưng bừng cho cộng đồng buôn làng đồng thời nêu cao tinh thần dũng cảm, kiên cường, mạnh mẽ của người dân nơi đại ngàn hùng vĩ, thiêng liêng.

 

Ngoài các lễ hội lớn kể trên, mùa xuân ở khăp các buôn làng Tây Nguyên còn rộn ràng với các lễ cúng hòn đá bếp, lễ cúng hòn đá cổng buôn làng, lễ kết nghĩa anh em, lễ trưởng thành, lễ cúng cầu mưa, cúng thần gió,... ngoài ra còn có các hình thức sinh hoạt văn hóa khác như kể Khan, thổi kèn đing năm, đing Ktút, múa chim Grứ, hát dân ca,... Cứ như thế, liên tục ngày này qua ngày khác, lễ nọ đến hội kia, cả buôn làng đắm chìm trong tiếng cồng chiêng vang vọng, trong tiếng hát duyên dáng mượt mà, trong những vũ điệu nồng nàn mê đắm. Người dân nơi đây quanh năm miệt mài lao động vất vả, ra sức làm lụng bất kể nắng gắt mưa dầm, ngày hanh đêm giá. Đến khi gặt hái xong xuôi, họ tạm quên đi tất cả, hòa mình vào những lễ hội miên man bất tận, ăn uống no say, nhảy múa tung trời, không hề vướng bận. Người Tây Nguyên là thế, luôn sống hăng say, sống hết mình; cả đời hào sảng, chất phác, kiên cường. Mùa lễ hội cũng là dịp để các dân tộc tạ ơn trời đất, tổ tiên và cầu mong may mắn. Họ không ước giàu sang, danh vọng xa hoa mà chỉ nguyện mưa thuận gió hòa, cây trồng tốt tươi, vật nuôi khỏe mạnh. Qua đó thể hiện một nếp sống rất mộc mạc, chất phác, giản đơn mà thắm đượm tình cảm khăng khít giữa người với người và giữa con người với mẹ thiên nhiên của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên.

 

Một mùa xuân mới lại đang  ngập tràn trên cao nguyên lộng gió, cây cối đơm chồi nảy lộc, hoa rừng muôn loài đua nhau khoe sắc, chim chóc ríu ran từng đàn, thác nước vẫn ầm vang bọt tung trắng xóa, suôi lại róc rách hòa tiếng chim ca; nắng vàng ươm như rót mật, gió dịu dàng đưa hương. Cả Tây Nguyên hùng vĩ như sáng bừng trong sự giao thoa của đất trời, những người con nơi đây lại hòa mình vào những cuộc vui miên man ngày tháng. Mùa xuân – mùa lễ hội – mùa “ăn năm uống tháng”, khắp buôn xa làng gần náo nức trong sắc màu sặc sỡ của váy mới áo đẹp, của tiếng cồng tiếng chiêng vang vọng khắp điệp trùng sông núi, mọi người quây quần thắm thiết bên nhau, no say trong điệu nhạc, đắm đuối trong lời ca. Để mỗi mùa xuân trên cao nguyên nồng nàn nắng gió này vẫn mãi là cuộc vui say bất tận của những người con Tây Nguyên anh hùng.