Phố “Tây” Hà Nội

14:50, 09/01/2015

Nằm trong khu phố cổ Hà Nội, con phố nhỏ dài có vỏn vẹn 266m mang tên Tạ Hiện, có sức hút lạ kỳ với du khách quốc tế và những người dân Thủ đô... Phố Tạ Hiện một đầu thông ra phố Hàng Bạc, nối với phố Đinh Liệt; đầu kia thông ra phố Hàng Buồm nguyên là đất phường Hà Khẩu, huyện Thọ Xương cũ.  

Cái tên Tạ Hiện mới được đặt từ sau cách mạng tháng Tám. Thời Pháp thuộc, phố có tên Giê-rô (rue Géraud); nhưng người dân vẫn quen gọi ngõ Quảng Lạc.

 

Vì ở giữa phố có rạp Quảng Lạc, là nơi diễn tuồng nổi tiếng thời đó. Năm 2012, Tạ Hiện chính thức được cải tạo lại nhưng vẫn giữ kiến trúc cũ từ thời Pháp. Nét kiến trúc đặc sắc chỉ có riêng ở phố Tạ Hiện là sự giao lưu giữa kiến trúc Ðông - Tây. Những ngôi nhà bên dãy số lẻ được xây hai tầng, mang phong cách kiến trúc Pháp còn khá nguyên vẹn. Còn những ngôi nhà bên dãy số chẵn mang phong cách kiến trúc cổ. Những chiếc cửa gỗ sơn xanh, có chấn song theo phong cách những năm đầu thế kỷ 20. Trên cả đoạn phố, tuyệt nhiên không có một tấm biển hiệu cỡ lớn, sơn xanh đỏ, hoặc có đèn nhấp nháy. Thay vào đó là những tấm biển gam màu trầm, kích thước hợp lý so với không gian. Toàn bộ đoạn phố được sơn một gam màu thống nhất là vàng nhạt. Lòng đường được lát đá tự nhiên. Ngay cả đường ống thoát nước từ mái các ngôi nhà cũng được làm bằng ống gốm đất nung tất cả mang lại cho Tạ Hiện vẻ lãng mạn quý phái; cổ kính thâm trầm - điều hiếm thấy trong kiến trúc đương đại. Nếu không phải màu sơn mới, người ta dễ lầm tưởng đang đi lạc vào không gian phố cổ Hà Nội cách đây hơn một thế kỷ. Đó là phố Tạ Hiện hôm nay, sau khi được cải tạo theo khuôn khổ thỏa thuận hợp tác giữa Hà Nội và thành phố Tu-lu-dơ (Cộng hòa Pháp).

 

Khoảng hơn 15 năm trước, phố Tạ Hiện chưa phát triển nhiều quán xá như bây giờ nhưng đã có một số hàng ăn đặc sản nổi tiếng phải kể đến chim quay gia truyền và bít tết thịt bò vẫn duy trì cho đến ngày nay. Xen lẫn những hàng quán vỉa hè đông đúc như chim cút nướng, pho mai que hay nem chua, bia hơi, các quán ăn cổ như một nốt trầm đặc biệt trong bức tranh ẩm thực đa dạng ở con phố nhỏ được mệnh danh là “ngã tư quốc tế” này. Không bình dân như những quán vỉa hè nhưng cũng chẳng phải nhà hàng sang trọng, đẹp đẽ, bài trí đơn giản, giữ nguyên thiết kế của một ngôi nhà cổ khiến thực khách khi bước vào có cảm giác khá ấm cúng, gần gũi như nhà ở chứ không giống quán ăn. Và rất nhiều người tìm đến đây để thưởng thức hai món chim bồ câu quay và bít tết. Chim quay được bán ở nhiều quán ăn khắp phố phường Hà Nội nhưng có hương vị ngon nhất và để trở thành “thương hiệu” thì chỉ có quán ở Hàng Buồm và trong khu phố Tạ Hiện này. Đĩa chim quay khi vừa được mang ra còn nóng hổi và thơm nức mũi khiến thực khách phải nuốt nước miếng vì thèm. Lớp da bên ngoài được quay giòn, màu cháy cạnh đẹp mắt mà phần thịt bên trong thì vẫn mềm, ướt tươi và ngọt thơm các loại gia vị tẩm ướp. Vừa ăn, vừa gặm và chấm với muối ớt chanh thì thích thú không còn gì bằng. Chim quay thơm ngon nức tiếng là vậy, còn món bít tết cũng được thực khách truyền tai nhau nhiều không kém. Đĩa bít tết chỉ gồm miếng thịt bò lớn bằng hai bàn tay được cắt miếng nhỏ sẵn, khoai tây chiên vàng và một ít hành tây cắt sợi rải lên trên. Miếng bít tết được tẩm ướp khá thơm và đậm đà. Ngoài chim bồ câu quay và bít tết không thể không nói đến đặc sản lạc rang húng lìu, món ăn dân dã có vị mặn – ngọt người Trung Quốc đã mang đến từ hàng trăm năm trước. Xung quanh khu vực phố Tạ Hiện ngày nay là nơi buôn bán tấp nập của đủ loại hàng hóa: Từ những chiếc khăn len, khăn lụa đa sắc màu ở phố Đinh Liệt đến những chiếc vòng bạc được chạm khắc tinh xảo, điêu luyện nổi tiếng một thời ở phố Hàng Bạc nhưng vẫn còn đó rạp Quảng Lạc (nay là Nhà hát kịch Hà Nội), cửa hàng sửa chữa quạt nổi tiếng của ông “Vua quạt cổ” đất Hà thành Trần Công Phúc; cửa hàng sửa chữa đồng hồ cổ nằm cuối phố trầm mặc, yên bình và mang một dáng vẻ rất riêng của những con phố ngày xưa…

 

Tạ Hiện hay ngõ Quảng Lạc xưa được biết đến là con phố đặt chân đầu tiên của phần lớn du khách nước ngoài khi đến Hà Nội và cũng là điểm rời chân cuối cùng trước khi họ rời Hà Nội. Vì thế, mọi người vẫn quen gọi Tạ Hiện bằng cái tên “Phố Tây”. Sở dĩ dân “Tây balô” mê Tạ Hiện bởi ngoài các quán “cool beer” (bia lạnh, hay trà đá có ga - tùy theo cách gọi của du khách nước ngoài), nơi họ hoàn toàn có thể thoải mái tụ tập tại đây cùng bạn bè đến sáng, uống “vô tư” bia tươi với giá cả rất phải chăng; mà nơi đây còn lưu lại nhiều nét kiến trúc Hà Nội của những năm đầu thế kỷ 20.