Đám cưới của người Dao đỏ ở Tuyên Quang

14:46, 02/07/2015

Lễ cưới người Dao đỏ diễn ra chủ yếu ở nhà trai, còn nhà gái chỉ được tổ chức một bữa ăn vui vẻ đưa cô dâu về nhà chồng. Đám cưới thường được kéo dài hai hoặc ba ngày.  

Đêm vui nhất là đêm trước lễ cưới ở nhà trai. Các chàng trai và cô gái làm quen với nhau qua việc trổ tài hát Páo Dung…Và từ những cuộc hát Páo Dung này, nhiều đôi đã nên duyên vợ chồng.

 

Cô dâu chú rể cúng lạy tổ tiên.

 

Tảng sáng hôm sau, bên nhà trai với đoàn nhạc lễ với dàn âm thanh đặc trưng của người Dao gồm kèn, trống, chiêng, chũm chọe sang nhà gái xin dâu. Người Dao quan niệm - mọi điều tốt đẹp nhất đều bắt đầu ngay từ buổi sớm mai, khi mặt trời còn chưa thức giấc. Theo phong tục, chú rể không đi đón dâu, không được nhìn mặt cô dâu cho đến khi thực hiện xong các nghi lễ tạ tổ tiên. Chiều tối, đoàn đưa dâu về nhà trai trong tiếng nhạc rộn rã.

 

Cô dâu được trùm khăn che kín mặt chờ nhà trai đến rước.

 

Nổi bật nhất trong đám cưới của người Dao là trang phục của cô dâu với chiếc khăn đỏ lớn chùm đầu, bên trên chiếc mũ đỏ màu cờ, đính nhiều nụ hoa tết từ len đỏ, cài xen những lắc nhạc đồng. Mũ áo của cô dâu người Dao đỏ là một tác phẩm độc đáo của sắc màu, nó thể hiện sự tinh xảo trong từng đường thêu hoa văn thổ cẩm truyền thống… Trên đường đi, cô dâu phải trùm vải đỏ, người phù dâu phải che mặt cho cô dâu. Người Dao đỏ quan niệm, không để mặt trời nhìn thấy mặt cô dâu bởi sợ mất vía cô dâu, sẽ không gặp may trong đời sống sau này.

 

Đến nhà trai, theo phong tục truyền thống của người Dao đỏ, đoàn rước dâu phải đợi giờ tốt, đợi thầy cúng làm lễ báo với tổ tiên thì mới được vào nhà chính. Thủ tục xong xuôi, cô dâu chú rể vào nhà quỳ lạy trước bàn thờ tổ. Đôi vợ chồng được buộc dải khăn đỏ, tượng trưng cho sợi dây tơ hồng, nối kết hạnh phúc trăm năm bền chặt. Theo phong tục, mẹ chú rể đến mở khăn mặt cho cô dâu.

 

Cô dâu được mở khăn che mặt khi xong xuôi các thủ tục.