Đất mũi - dẫu xa nhưng gần lắm

08:00, 10/10/2015

“Nghe nói Cà Mau xa lắm, ở cuối cùng bản đồ Việt Nam. Ngại chi đường xa không tới, về để nói với nhau mấy lời...”. Trên đường từ T.X Cà Mau về đất mũi, thị trấn Năm Căn, tôi nghe văng vẳng lời bài hát “Áo mới Cà Mau” của tác giả Thanh Sơn cứ thăm thẳm, vời vợi một niềm nhớ khắc khoải cách xa.

Bởi từ ngày nhỏ cắp sách đến trường, tôi cũng như bao bạn học tuổi mục đồng đều thuộc nằm lòng câu ca: “Học đi em, học đi mà nhớ mãi/ Quê hương ta một dải, từ mũi Cà Mau, đến địa đầu Móng Cái”. Rồi tôi đã đến biển Trà Cổ (Móng Cái, Quảng Ninh), lên cực Bắc Tổ quốc, đỉnh Lũng Cú (Đồng Văn, Hà Giang), ngắm nhìn Tổ quốc mình bao la, với sông dài, biển rộng, để hôm nay được “xuôi đường về biển”, về với vùng đất nơi tận cùng Tổ quốc - đất Mũi Cà Mau.

 

Từ bến tàu cao tốc Năm Căn, tôi bước xuống chiếc xuồng máy đợi sẵn với cảm xúc hồi hộp, phấn chấn đan cài. Như hiểu được tâm trạng của tôi mới lần đầu về đất Mũi, anh Trần Tư, người lái xuống máy nheo mắt nhìn tôi, bảo: Đến Cà Mau, đi đất Mũi là được đắm mình giữa cuộc sống của người miền sông nước, được thăm thú, khám phá khu duc lịch sinh thái hấp dẫn, đa dạng về sinh học. Hơn nữa, đất Mũi còn là mảnh đất thiêng liêng nơi tận cùng cực Nam Tổ quốc mà bất cứ người Việt Nam nào cũng muốn đến thăm, dù chỉ một lần.

 

Đất cuối trời Nam chằng chịt những kênh rạch, xuồng, ghe tấp nập ngược, xuôi mang tôm xú, cá mú của ngư dân về chợ bán đổi. Anh Trần Tư giục chúng tôi khoác áo phao, đề phòng sóng cả, biết đường mô mà lần. Chúng tôi biết, anh Trần Tư từng ngồi sau vô lăng hơn 2 năm, một tài công có nghề như bao cư dân sinh ra, lớn lên ở vùng sông nước này.

 

Xuồng rời bến, nhẹ lướt trên mặt dòng sông Cái Lớn độ trăm sải tay, đến khơi xa, tiếng máy bắt đầu rú lên ròn rã, làm phía đầu xuống nhấc cao khỏi mặt nước. Xuồng đi như lướt, như bay trên gợn sóng của dòng sông nơi cửa biển. Chốc chốc, anh Trần Tư lại bẻ lái, điều khiển chiếc xuồng đạp lên từng con sóng bạc đầu, và bất chợt bẻ lái vẽ lên mặt nước nửa vòng tròn khiến xuồng chao nghiêng để rẽ vào dòng sông nhỏ. Thỉnh thoảng những giọt nước từ mặt sông vỡ tung toé, quất vào mặt ram ráp, gió thổi mang theo hơi muối mặn mòi, và vị phù sa bồi lắng làm nên vùng đất Mũi, để Tổ quốc ta thêm dài, rộng.

 

Dọc bên 2 bờ sông, cây đước cắm những chùm rễ vạm vỡ bám vào lòng đất. Thấp thoáng trong từng vạt rừng là chòm, khóm tíu tít bận rộn của ngư dân. Nhiều đoạn bên bờ, nhà dân mọc san sát, cửa quay ra hướng sông, biển hiệu đại lý xăng dầu; thu gom tôm, cá; kinh doanh rau, củ, quả, gạo, muối và cả cửa tiệm bán vàng… đông vui như phố hội. Trên sông, chúng tôi gặp những người dân đưa con em đi học bằng xuồng, bằng thuyền máy. Cũng trên mặt sông ấy, có những ngư điền mình trần, da đỏ nắng, ngực nở căng đang mê mải chài lưới, và những chị nón lá, áo bà ba tay khuơ mái chèo, môi nở nụ cười tươi ngọt ngào cất câu hò cách cảm, làm cả một vùng sông nước xao động, đầy chất thơ.

 

Anh Trần Tư giảm ga, nhẹ nhàng đưa xuồng cập bến. Không cần nhìn đồng hồ, anh nói chính xác: 57 cây số đường sông, đi vừa 60 phút đồng hồ… Tôi nhẩn nha rời xuồng bước lên vùng đất tận cùng phương Nam, lòng tự nhủ: Tận cùng đất Mũi là đây, cứ “Cây mắm đi trước, cây đước theo sau”. Thiên nhiên kỳ thú, từ dưới sình bùn cây mắm ngoi rễ lên hút khí giữ đất; rồi từ trên cao, quả đước như mũi tên lao xuống, cắm vào sình lầy, vươn xanh thành rừng, giữ lại từng hạt phù sa bồi lắng, làm đất Mũi hằng năm cứ vươn dài ra biển. Mỗi năm, phù sa theo các dòng sông về lắng tụ, tạo nên các bãi bồi dài hàng trăm mét, rộng hàng trăm hec ta dọc dài theo bờ Tây kề biển. Bởi thế, người dân các tỉnh vùng đất chín rồng gọi nơi đây: “Đất nở, rừng biết đi”.

 

Một điều kỳ thú và cũng hết sức nghiệt ngã do thiên nhiên ban tặng cho con người, ở đất Mũi, mỗi ngày bờ phía Đông bị sóng xô lở bờ, còn bờ phía Tây nở nang phù sa lấn biển. Cũng bởi thế mà từ nhiều năm gần đây, Nhà nước ta đã đầu tư nhiều tỉ đồng để kè biển bên bờ Đông, và xây dựng trên bãi bồi những công trình phục vụ con dân đất Việt và du khách quốc tế về thăm đất Mũi.

 

Tôi hồi hộp đặt từng bước chân lên vọng Hải Đài, tất cả có 54 bậc, với tổng độ cao 21 mét. Vọng Hải Đài trông giản đơn, nhưng gói ghém vào đó rất nhiều thông tin văn hoá, và cả một dòng chảy lịch sử của dân tộc Việt Nam. Thân trụ của vọng Hải Đài được xây dựng theo hình cây đước nhô lên giữa cát bồi; bậc cầu thang lên - xuống uốn lượn vòng theo thân trụ, với tổng số 54 bậc, tượng trưng cho 54 dân tộc anh em đang sinh sống trên mọi miền đất nước. Vọng Hải Đài có độ cao 21 mét, ý rằng 21 thế kỷ đã đi qua và đang tiếp tục đi về hướng tương lai.

 

Từ ngọn Hải Đài, tôi vươn ngực hà hít một không khí trong lành của biển cả, ngắm nhìn mênh mang sóng nước, thấy khơi xa đảo Hòn Khoai đang cựa mình thức dậy nhờ ngành du lịch phát triển. Và ngay dưới chân tôi, đước, mắm bạt ngàn xanh, dưới nữa là những dòng kênh rạch đầy cá mú, nhiều nhất là cá thồi lồi, cá vọp, nhiều đến mức chúng cứ theo nhau ngoi trên mặt nước, trườn trên sình bùn như đợi một miếng mồi.

 

Theo con đường bê tông len dưới tán mắm, đước dịu mát, chúng tôi đến mốc Toạ độ Quốc gia; vào thăm cánh rừng mắm, đước vươn cao, rễ chằng bện như những ngón tay trên 2 bàn tay đan cài lại. Rồi đi tiếp đến khu biểu trưng của đất Mũi Cà Mau, đó là một con thuyền dang rộng cánh buồm vươn khơi. Trên đỉnh cao nhất của cột buồm có lá cờ Tổ quốc quật cường bay trong gió. Tôi thảng thốt trong cảm xúc trào dâng: Tổ quốc mình dài, rộng, đẹp vô ngần. Và mảnh đất cuối trời Nam nơi tôi đang đứng chân, mỗi sớm mai được nhìn mặt trời mọc, chiều được ngắm hoàng hôn buông hờ trên biển, chắc hẳn lần sau trở lại, nơi này sẽ là xóm, phố rực rỡ điện đèn. Và ngoài biển xanh sóng vỗ kia, sẽ lại là điểm chót của đất Mũi. Tôi nhắm mắt lại, hình dung đến những ngày mai…“Ơi đất Mũi Cà Mau/Trăm thương ngàn mến/Một hạt phù sa lấn biển thêm rừng…”. Đất Mũi xa xôi nhưng gần lắm trong trái tim mỗi người.