“Đến đây mà không đi thăm hồ và công trình thủy điện Thác Bà thì chưa phải đã đến Yên Bái” anh Nguyễn Minh Tuấn, Tổng Biên tập Báo Yên Bái nói với chúng tôi như vậy, khiến cả đoàn không thể chối từ.
Từ trung tâm thành phố Yên Bái, chúng tôi đi theo con đường Hoàng Phi êm thuận đến huyện Yên Bình để chiêm ngưỡng hồ Thác Bà. Khi đến nơi, ai cũng bất ngờ về quang cảnh nơi đây, hồ rộng mênh mông, những hòn đảo nhấp nhô được người dân trồng kín cây keo lá tràm vươn mình thẳng tắp soi bóng dịu mát xuống mặt hồ. Các thành viên trong đoàn ai cũng đều khoan khoái, thích thú ngắm nhìn, hít hà, hưởng thụ làn gió trong lành từ mặt hồ thổi lên. Đồng chí Tuấn Anh, Thư ký Tòa soạn của Báo Yên Bái, như một hướng dẫn viên du lịch kể cho chúng tôi nghe về lịch sử của hồ Thác Bà. Vùng hồ này trước kia chủ yếu là người Tày, người Dao sinh sống. Năm 1960, Chính phủ quyết định xây dựng công trình thủy điện Thác Bà, người dân sống vùng lòng hồ đã được di chuyển đến nơi khác để bắt đầu công cuộc trị thủy. Huơ tay về phía mặt hồ, đồng chí Tuấn Anh bảo, trước đây những hòn đảo nhấp nhô là những quả đồi, khi ngăn đập, nước dâng thì thành đảo. Hồ có hơn 3.000 đảo lớn nhỏ, rộng 20 nghìn ha và chứa đựng tối đa khoảng 4 tỷ m3 nước.
Sau khi thăm mặt hồ rộng bao la, chúng tôi quay sang đập thủy điện Thác Bà cách đó không xa. Đứng trên thân đập cao đến vài trăm mét nhìn về 4 hướng, chúng tôi cảm nhận thiên nhiên nơi đây thật kỳ vĩ, tươi đẹp, phía trên là mặt hồ mênh mông, những hòn đảo nhấp nhô soi bóng xuống mặt hồ, thấp thoáng đâu đó vài chiếc thuyền du lịch và thuyền của ngư dân đi đánh cá. Quay mặt nhìn xuống phía dưới là thị trấn Thác Bà và toàn bộ quang cảnh của nhà máy thủy điện Cát Bà, xa xa là những bản làng mờ sương, chúng tôi đắm đuối ngắm nhìn các loại hoa rừng màu trắng, tím khoe sắc dưới chân đập. Lúc này, trời đã gần tối nhưng ai cũng muốn chụp cho mình vài tấm ảnh đẹp mang về làm kỷ niệm.
Anh Nguyễn Thanh Xuân, bảo vệ khu vực đập chính của thủy điện cho chúng tôi biết, khu dưới chân chúng tôi đứng là nơi vận hành chính của Nhà máy Thủy điện, toàn bộ Nhà máy có 140 công nhân trực tiếp sửa chữa, vận hành. Vừa nhìn xuống hạ lưu, anh Xuân vừa nói, dòng nước hiền hòa là vậy, nhưng đến mùa xả lũ thì chảy dữ dội lắm, nhưng nhờ vào sự điều tiết nước khéo léo, khoa học mà nước xả xuống không bị lãng phí, hàng nghìn héc ta cây trồng dưới hạ lưu đều được cung cấp đủ nước, kịp thời vụ. Ngoài điều tiết nước phục vụ phát điện, cho việc trồng cấy các cánh đồng hạ lưu, hàng năm, người dân nơi đây còn bảo vệ khá tốt nguồn thủy sản trên hồ Thác Bà, bởi thế chúng tôi được nghe người dân quanh vùng hồ kể, đã từng bắt được những con cá to hàng vài yến. Những hòn đảo xưa kia là đồi trọc, nhưng nhờ có chương trình trồng rừng của Chính phủ nên người dân quanh vùng hồ đều tận dụng để trồng rừng tốt tươi.
Chúng tôi cũng được anh Xuân dẫn đến khu Tượng đài khắc tên những kỹ sư, công nhân đã ngã xuống vì công trình này. Tượng đài được xây trên mặt đập, 4 xung quanh chiếc cột to đều được gắn bia và khắc tên, địa chỉ của từng người, trong đó có cả những chuyên gia Xô viết anh em cũng tử nạn tại đây. Chúng tôi kính cẩn, nghiêng mình thắp nén hương trầm tại Tượng đài, trong lòng ai cũng dâng trào một cảm xúc khó tả.