Độc đáo câu hát Phong Slư của người Tày Bắc Kạn

08:27, 21/02/2016

Ở Bắc Kạn, người Tày chiếm đa số trong cộng đồng dân cư, họ có nền văn hóa đa dạng, bên cạnh hát Then, Sli, Lượn… thì Phong Slư cũng là một loại hình thơ ca dân gian độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc với đề tài tương đối hấp dẫn của người Tày.

Là một trong những người am hiểu về thể loại hát Phong Slư, nghệ nhân Ma Văn Đọc, thành viên câu lạc bộ Hát Then bản Tinh, xã Yên Hân, huyện Chợ Mới không những biết hát nhiều bài Phong Slư cổ mà còn đặt nhiều lời mới để truyền dạy lại cho thế hệ trẻ. Ông Đọc cho biết, các bài Phong Slư được viết theo thể thơ thất ngôn truyền thống của người Tày. Bài Phong Slư được chia bốn câu thành một khổ. Mỗi bài thơ có thể ngắn, có thể dài cả mấy trang giấy, tùy theo sức sáng tạo và tình cảm của người viết. Với đồng bào Tày, mỗi Phong Slư là một tác phẩm nghệ thuật mang đậm dấu ấn cá nhân của người sáng tác nên nó. Cái bụng nghĩ sao, trái tim mách bảo thế nào thì viết ra thế ấy, nhưng chữ phải chân phương, nắn nót, giấy viết phải đẹp và càng cầu kỳ càng thể hiện lòng thành.

 

Phong slư được viết bằng chữ nôm Tày trên mảnh lụa mỏng, thường là loại giấy hồng điều, mà theo quan niệm của dân gian, đó là màu của máu và lửa . Xung quanh viền tấm vải là những hoa văn rồng phượng, hoa bướm, vân thổ cẩm, thể hiện tâm ý của người gửi thư. Khi nhận được những bức thư ấy, người ta hát lên bằng một làn điệu gọi là làn điệu Phong Slư.

 

Bên ấm trà xuân, ông Đọc bồi hồi nhớ lại thời trai trẻ, ngày ấy, những người yêu nhau thường đem những cảm xúc vui, buồn, thương, nhớ, giận hờn, mong đợi thả vào những lời thơ trữ tình, đằm thắm. Tình yêu đôi lứa ngày ấy kín đáo nhưng vẫn mãnh liệt, da diết, khi là tiếng nói thủ thỉ tâm tình, lúc lại hóa thành dòng thác nhớ nhung tha thiết. Điều đặc biệt là tình yêu được thể hiện trong Phong Slư là tình yêu không có tuổi. Ông Đọc hát cho chúng tôi nghe một câu Phong Slư:

 

Chài tồng lủc báo ngỏm nhỉ slam
Lăng noọng cạ tha vằn tụốc chại...
Nghĩa là:
Anh như chàng trai mới hai ba
Sao em nói anh đà hoàng hôn…

 

Để tìm hiểu thêm về điệu hát độc đáo này, chúng tôi tìm gặp nghệ nhân Nông Thị Duyệt, thành viên đội văn nghệ thôn Pác Ngòi, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể, một trong ít người tại đây còn có thể hát Phong Slư. Theo nghệ nhân Nông Thị Duyệt, Phong Slư là làn điệu hát thơ, là những bức thư viết bằng thơ. Làn điệu Phong slư thường là những bài thơ diễn tả về tình yêu đôi lứa. Đó là những bức thư của người yêu nhau mà không lấy được nhau với nhiều lí do, phần vì gia đình nghèo khổ, đôi bên gia đình không cân xứng, phần vì sự phân chia giai cấp, phần lại do số mệnh không hợp nhau, bị bố mẹ ngăn cấm…họ đều viết thành thơ và dùng làn điệu Phong Slư để hát, để diễn tả nỗi lòng, tâm tư, nguyện vọng của mình.

 

Với đặc điểm là mượn hình ảnh hoa lá, cỏ cây, chim muông, nước non, mùa vụ, trời đất... để nói lên tâm trạng, tình cảm sâu xa, tha thiết, yêu thương, chung thủy đối với bạn tình về nỗi lòng buồn vui của mình, Phong Slư không chỉ đóng vai trò là nhịp cầu nối hạnh phúc mà còn giúp hàn gắn, hòa giải cho không ít những lứa đôi có nguy cơ tan vỡ.

 

Điều làm nên sự khác biệt giữa Phong Slư với các làn điệu hát dân gian khác của người Tày là cách ngâm. Khi Phong Slư được gửi đến tay người nhận, họ sẽ cẩn thận giở ra, cầm phong thư trên tay vừa đọc vừa ngâm để thưởng thức thơ tình, để cảm nhận các lời ẩn dụ, tình tứ yêu thương hoặc nhớ thương, giận hờn... của người bạn tình gửi đến. Để rồi họ rung cảm, xúc cảm với những tâm tình, nếu đến cao trào thì viết Phong Slư gửi lại bạn tình để trả lời những tình cảm, những ý tứ mà mình vừa nhận được. Khi nhận được thư tình, các chàng trai cô gái ngâm vào bất cứ nơi nào và bất cứ lúc nào.

 

Nghệ nhân Nông Thị Duyệt chia sẻ: Tình yêu của họ như hơi thở, nhớ người yêu là ngâm Phong Slư. Nỗi nhớ người yêu chảy ra từ mười đầu ngón tay, xuống đến gót chân. Nỗi nhớ không còn đường đi. Nỗi nhớ buộc phải ra đằng miệng. Nếu lòng này không nói ra được là tóc ốm tám tháng và mắt đói một năm. Người Tày ví khi nhớ người yêu mà ngâm Phong Slư, sẽ thấy nỗi buồn từ lòng người nhuộm sang bãi cỏ, ngược lên đầu núi, loang cả bầu trời, đến núi đá cũng thẫn thờ nữa là trai đơn, gái chiếc.

 

Ngày nay, đề tài trong Phong Slư phong phú hơn, đó không chỉ là những bài thơ thể hiện tình yêu nam nữ, mà còn ca ngợi các anh hùng dân tộc, tình yêu quê hương đất nước, hay các nội dung tuyên truyền, cổ động. Những lời thơ mới được đặt trên nền thơ cổ, để cho mọi người ngâm nga cho cuộc sống thêm đậm đà yêu mến. Qua đó, những nét đẹp của loại hình văn hóa dân gian truyền thống này sẽ còn sức sống lâu bền trong cộng đồng dân cư./.