Khi hoa mận, hoa đào khoe sắc báo hiệu mùa Xuân về cũng là lúc đồng bào Tày ở Lạng Sơn nói riêng, Bắc Cạn, Cao Bằng... nói chung nhộn nhịp chuẩn bị đón Tết Nguyên đán.
Ông Hoàng Văn Páo, dân tộc Tày, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lạng Sơn cho biết: Dân tộc Tày là một cộng đồng thuộc nhóm ngôn ngữ Tày - Thái, có tên gọi khác là Thổ và bao gồm cả các nhóm: Thu Lao, Pa Dí, Ngạn, Phén. Đồng bào Tày ăn Tết trùng với Tết cổ truyền của dân tộc. Nhất là ngày Tết, thờ cúng tổ tiên là nghi lễ tôn giáo hàng đầu của người Tày. Nơi thờ cúng tổ tiên đặt ở vị trí tôn nghiêm và trung tâm nhất trong nhà. Ngoài ra, người Tày có một nền văn nghệ cổ truyền phong phú, đủ các thể loại, thơ, ca, múa, nhạc, trong đó có cả múa lân, phổ biến nhất là hát lượn, hát ru con, hát sli…
Đối với đồng bào Tày ở Lạng Sơn, Tết Nguyên đán là Tết bận rộn nhất trong năm. Mặc dù, giờ đây cuộc sống đã ít nhiều thay đổi nhưng bản sắc văn hóa dân tộc, tập quán ngày Tết của đồng bào Tày vẫn được bảo tồn, gìn giữ. Trong các nghi thức ngày Tết, cúng gia tiên tối 30 và sáng mồng Một Tết là nghi lễ quan trọng nhất. Chủ nhà dâng lên ban thờ gia tiên những lễ vật mang ý nghĩa cầu mong năm mới đầy đủ, sung túc như: gà, rượu, bánh chưng, bánh khẩu sli, pênh khô… tự tay mình làm ra. Trong những ngày Xuân, các câu hát sli điệu nhảy lượn trao duyên của các chàng trai, cô gái Tày luôn phảng phất men say nồng của rượu.
Vào thời khắc giao thừa đón năm mới, đồng bào Tày nhà nào cũng thắp nén nhang thơm, dâng rượu lên bàn thờ gia tiên, sau đó rót rượu mời, chúc ông bà, cha mẹ mạnh khỏe, sống trăm tuổi. Ông bà, cha mẹ mừng tuổi tất cả con cháu và dặn dò con cháu yêu thương, giúp nhau trong cuộc sống. Đến sáng, ông bà đi sang nhà hàng xóm chúc Tết lẫn nhau, chúc nhau một năm mới hạnh phúc, làm ăn tấn tới và hát những câu sli ngọt ngào, cùng chia sẻ những niềm vui trong năm cũ.