Thăm Nhà tù Sơn La

08:41, 12/06/2016

Nhà tù Sơn La nằm trên đỉnh đồi Khau Cả, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La. Đây là nơi lưu giữ chứng tích của một thời kỳ lịch sử đấu tranh cách mạng, tinh thần bất khuất của những người cộng sản kiên cường đã bị thực dân Pháp giam cầm, đày ải trong giai đoạn từ năm 1930 đến 1945.

Nhà tù Sơn La do thực dân Pháp xây dựng năm 1908 với hệ thống tường bằng đá lẫn gạch, mái lợp tôn, không có trần, giường nằm cho tù nhân được xây bằng đá, mặt láng xi măng, mép ngoài được gắn hệ thống cùm chân dọc theo chiều dài của sàn. Trong mỗi phòng giam đều có hố xí nổi được xây cao hơn sàn nằm, không có nắp đậy, không có nước dội, không được vệ sinh thường xuyên.

 

Với lối thiết kế như vậy, mùa hè những đợt gió Lào của vùng Tây Bắc gây nên cái nóng như thiêu như đốt, những đợt sương muối tạo ra cái lạnh giá, rét thấu xương thịt vào mùa đông cộng với môi trường ô nhiễm ở mỗi phòng giam đã làm bệnh tật phát sinh và lây lan rất nhanh chóng trong tù nhân.

 

Đến năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và lãnh đạo nhân dân đấu tranh chống lại chế độ tàn bạo của thực dân phong kiến. Để đàn áp, bắt giam những người tham gia cách mạng, thực dân Pháp đã mở rộng hệ thống nhà tù trên cả nước, trong đó có nhà tù Sơn La. Kể từ đây, Nhà tù Sơn La thay đổi hẳn về tính chất giam giữ tù nhân, nó đã trở thành một trung tâm đặc biệt để đày ải, giam giữ các chiến sĩ cách mạng Việt Nam.

 

Mặc cho chế độ nhà tù cực kỳ hà khắc và thủ đoạn tra tấn vô cùng dã man, tàn độc nhưng thực dân Pháp không thể làm lung lay ý chí cách mạng của những chiến sĩ cộng sản kiên trung. Đây cũng chính là nơi đào tạo ra những chiến sĩ cộng sản tên tuổi của cách mạng Việt Nam sau này.

 

Chính tại nơi đây, các chiến sĩ cộng sản đã biến nhà tù thành trường học cách mạng, đào tạo bổ sung cho Đảng, cho cách mạng những chiến sĩ cộng sản trung kiên như Trường Chinh, Lê Duẩn, Văn Tiến Dũng, Nguyễn Lương Bằng...  Đặc biệt, ở nhà tù Sơn La, thực dân Pháp coi đồng chí Tô Hiệu là nhân vật cực kì nguy hiểm, đã giam riêng đồng chí và không cho tiếp xúc với các tù nhân khác. Nhưng dù bị căn bệnh lao phổi hành hạ, đồng chí vẫn viết tài liệu huấn luyện Đảng viên, tài liệu học tập cho anh em tù nhân.

 

Ở trong tù với điều kiện hà khắc và bệnh lao hành hạ, đồng chí Tô Hiệu vẫn hoạt động bí mật. Trong suốt 4 năm trong nhà tù Sơn La - “địa ngục trần gian”, ông đã vận động, cảm hóa được nhiều binh lính ở đây, nhiều người giác ngộ cảm tình với cách mạng, sau đó tham gia cách mạng.

 

Năm 1944, Tô Hiệu hy sinh tại nhà tù Sơn La lúc 33 tuổi. Cây đào ở nhà tù Sơn La được mang tên Tô Hiệu vào năm 1945 khi cách mạng đã thành công để tượng trưng cho tinh thần đấu tranh cách mạng của một chiến sỹ kiên cường. Về sau này, một cành của cây đào Tô Hiệu đã được triết và đưa về trồng bên Lăng Bác. Ngày nay cây đào Tô Hiệu ở Nhà tù Sơn La luôn xanh tươi thể hiện ý chí kiên cường của những chiến sỹ cách mạng năm xưa.

 

Nhà tù Sơn La không còn giữ được nguyên trạng do hai lần bị đánh bom, nhưng vẫn còn lưu giữ một số hiện vật và phòng giam lột tả được sự gian ác của chính quyền thực dân và sự kiên trung của những chiến sĩ cộng sản.