Khi cầm bút viết về ngôi đền Đồng Bằng linh thiêng ngự trị trên đất Quỳnh Phụ (Thái Bình), tôi vô tình nhìn lên tờ lịch treo tường, bất ngờ thấy đúng ngày 20-8 âm lịch. Giờ này, ở ngôi đền cổ kính đang diễn ra lễ rước long trọng, hàng nghìn người đang dâng hương cầu bình an hạnh phúc.
“Dù ai buôn xa bán xa, 20 tháng 8 giỗ Cha thì về
Dù ai buôn bán trăm nghề, 20 tháng 8 nhớ về giỗ Cha”
Đền Đồng Bằng ngự bên dòng sông Mai Diêm, thuộc xóm Đồng Bằng, xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình. Nơi đây thờ Đức Vua Bát Hải Động Đình, người có công lớn trong việc giữ nước và xây dựng giang sơn từ buổi sơ khai. Đây là ngôi đền cổ tồn tại đã 2.000 năm, một di tích kiến trúc đời Nguyễn. Công trình được Bộ Văn hóa - Thể Thao và Du lịch cấp Bằng công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia năm 1986.
Theo truyền thuyết, sau khi đánh thắng giặc phương Bắc trên 8 cửa biển (Bát Hải), Vua Hùng thứ 18 giao cho Vĩnh Công (là Thái tử Giao Long, con vợ thứ của Lạc Long Quân), cai quản vùng duyên hải Lạc Việt - Văn Lang, đặt tên là Tây Đô, vì thế dân gian gọi ngài là Đức Vua.
Quần thể di tích Đền Đồng Bằng bao gồm đền Đức Vua (đền chính), đền quan Điều thất, quan Đệ tam, đền Sinh, đền quan Đệ nhị, đền Công Đồng.
Từ Quốc lộ 10, dừng xe, tản bộ trên quãng đường khoảng 200 mét đầy bóng cây xanh, chúng tôi đứng trước Ao Rồng. Đây là nơi khách thập phương dùng nước tẩy trần trước khi vào chiêm bái Vua Cha. Từ Ao Rồng, chúng tôi nhìn thấy Cổng đền có 3 cửa kiến trúc theo kiểu Đại môn. Bốn chữ “Bát Hải Động Đình” viết bằng chữ Hán oai nghiêm trên trụ cổng.
Trong phòng quản lý của Đền, máy tính hiện thị hình ảnh quan sát của các ca mê ra đặt ở những vị trí trong đền cho thấy đền Đức Vua là nơi đông đúc nhất. Bởi nơi đây không chỉ có tượng Đức Vua vóc dáng bằng người thực, mà còn có giếng thiêng và Cung cấm. Thật may mắn, chúng tôi được vào Cung cấm, nơi thâm nghiêm nhất của Đền. Theo lệ, chỉ có ông thủ từ được ra vào hương đăng còn thì ngay các bậc cao niên, chức sắc địa phương cũng chỉ được vào cung cấm dịp lễ tế mà thôi.
Bất ngờ hơn, ngay dưới bệ thờ Cung cấm uy nghiêm là giếng thiêng có từ thời cổ. Chúng tôi khom người đến bên miệng giếng, múc gáo nước mát lạnh từ giếng uống lấy lộc. Tương truyền, giếng này là dấu tích của Hoàng Xà (tức Vĩnh Công) ẩn thân ngày sinh hạ. Trước đây, nước giếng được người dân xin rước về đặt nơi trang trọng nhất của gia đình để cầu may mắn đến, tà họa tránh đi. Ngay trên miệng giếng ngự tọa tượng Đức Vua bằng đồng, sắc mặt nhân hậu, mặc áo hoàng bào, đội mũ bình thiên. Theo những nhà nghiên cứu, hiện nay chỉ có đền Đức Vua và đền Sinh được bảo tồn nguyên vẹn từ ngàn xưa.
Tiếc rằng thời gian không dài để tôi có thể tìm hiểu, chiêm bái lâu hơn di tích vang danh đất Việt này. Nhưng dường như ngụm nước giếng thiêng đã tiếp thêm cho sức mạnh cho mỗi người đến nơi này.
Thái Bình không chỉ nổi tiếng bởi có “chị Hai năm tấn” và phong trào nông thôn mới đi đầu cả nước, mà di tích lịch sử Đền Đồng Bằng cũng làm nên nét độc đáo ở vùng quê lúa này.