Chùa Bổ Đà tọa lạc dưới chân dãy núi Phượng Hoàng thuộc xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên (Bắc Giang), xưa kia thuộc trang Tiên Lát, tả ngạn của phòng tuyến sông Như Nguyệt (sông Cầu) gắn với lịch sử hàng nghìn năm chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Trải qua bao thăng trầm, các di sản quý báu ở chùa vẫn không ngừng được bảo tồn, phát huy giá trị.
Ngày trước, giao thông khó khăn nên dù là nơi thắng tích nhưng thường chỉ có các phật tử, nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ vì mến cảnh, mến tình mà lui tới vãn cảnh Bổ Đà. Năm 1992, chùa Bổ Đà được xếp hạng di tích quốc gia và tháng 12-2016, Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.
Cũng trong năm 2016, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận cây vối và cây đa ở chùa Bổ Đà là Cây di sản. Mới đây, lễ hội chùa Bổ Đà được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đến Bổ Đà, du khách còn được thưởng thức những làn điệu dân ca quan họ mang đậm nét đặc trưng của con người và vùng đất bờ Bắc sông Cầu.
Tọa lạc ở nơi sơn thủy giao hòa, nhìn sông tựa núi, ngàn thông sum họp, gió mát chim ca xen lẫn với tiếng xào xạc tre trúc và tiếng chuông, mõ niệm kinh... Tất cả đã làm cho cảnh vật cửa thiền thêm phần trầm mặc, linh thiêng. Ẩn hiện dưới các tán cây cổ thụ là hệ thống các khối kiến trúc chính của di tích gồm: Cổng, tam bảo, hành lang, nhà khách, giảng đường, gác kinh, nhà ni, nhà tổ, vườn tháp, chùa Cao... 16 tòa ngang, dãy dọc với tổng số 92 gian liên hoàn.
Kho mộc bản Thiền phái Lâm Tế khắc ngược bằng chữ Hán - Nôm và chữ Phạn trên gỗ thị, tấm khắc sớm nhất từ đời vua Lê Cảnh Hưng (1740). Trên đó, người xưa đã để lại dấu ấn qua nội dung, đường nét, họa tiết, hình khối điêu luyện và tinh xảo, phản ánh những tư tưởng, triết lý sâu xa của đạo Phật nói chung và dòng thiền Lâm Tế nói riêng.
Ở Kinh Bắc có hai chốn tùng lâm sớm ảnh hưởng từ dòng Lâm Tế là chùa Bổ Đà (Bắc Giang) và chùa Bảo Quang, huyện Quế Võ (Bắc Ninh). Trong đó chùa Bổ Đà đảm nhiệm chức năng đào tạo tăng sĩ cho các chùa trong khu vực. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, ngoài kiến trúc độc đáo, điểm khác biệt của Bổ Đà so với các chùa khác là cách bài trí tượng thờ có sự kết hợp giữa Phật giáo với Nho giáo, Đạo giáo và tín ngưỡng dân gian bản địa như: Thạch Linh Thần Tướng, tượng Lão Tử, Khổng Tử (tam giáo đồng nguyên), vì vậy lễ hội tại đây gồm cả hai yếu tố tôn giáo và tín ngưỡng.
Những năm gần đây, công tác tuyên truyền, quảng bá các di sản tại Bổ Đà đã được ngành chức năng và huyện quan tâm, nhờ đó du khách, phật tử hành hương về chốn tổ ngày càng đông. Đường vào khu di tích được nâng cấp, mở rộng. Trong tương lai, huyện sẽ bổ sung quy hoạch khu đất dự phòng phát triển khu dịch vụ du lịch quanh chùa, huy động nguồn lực dựng đài vọng giang trên núi Phượng Hoàng.
Một ý tưởng mới mẻ và mang tính đột phá mà huyện đang xem xét đó là hình thành khu tổ hợp du lịch, dịch vụ nghỉ dưỡng kết hợp tâm linh tại núi Phượng Hoàng. Cảnh quan thiên nhiên đẹp, sự đa dạng về di sản văn hóa đã tạo nên sức hấp dẫn đối với du khách khi đến Bổ Đà.