Nằm ở phía Tây của tỉnh Phú Thọ, huyện miền núi Hạ Hòa vốn là miền quê trong huyền thoại mẹ Âu Cơ cùng 50 người con đi khai thiên phá thạch...
Nằm ở phía Tây của tỉnh Phú Thọ, huyện miền núi Hạ Hòa vốn là miền quê sơn thủy hữu tình, nơi xưa kia, trong huyền thoại, mẹ Âu Cơ cùng 50 người con đi khai thiên phá thạch, dạy dân trồng lúa nước, trồng dâu dệt vải.
Theo quốc lộ 32C, men theo dòng sông Hồng, chúng tôi trở về và dừng chân tại xã Hiền Lương, nơi tọa lạc ngôi đền thờ Mẫu đúng vào thời điểm tết đến xuân về. Một phong cảnh thanh bình, trù phú hiện ra trước mắt…
Không gian thờ tự trong đền Mẫu Âu Cơ.
Ấm áp một huyền tích…
Tương truyền vợ chồng Đế Lai ở động Lăng Xương (xã Trung Nghĩa, huyện Thanh Thủy ngày nay) sinh được người con gái đặt tên là Âu Cơ. Khi Âu Cơ cất tiếng khóc chào đời thì hương thơm tỏa ngát, trên trời có mây lành che chở, điềm báo “Tiên nữ giáng trần”. Lớn lên Âu Cơ ngày càng xinh đẹp, chăm đọc chữ, giỏi đàn sáo, tinh thông âm luật. Âu Cơ được Lạc Long Quân kén làm vợ và đưa về núi Nghĩa Lĩnh, sau đó sinh ra bọc trăm trứng nở ra một trăm người con trai.
Đền Mẫu Âu Cơ là điểm đến tâm linh trong hành trình về cội nguồn của muôn dân đất Việt.
Khi các con lớn khôn, Lạc Long Quân nói với Âu Cơ: “Ta là giống Rồng, nàng là giống Tiên duyên phận đến đây đã hết”. Hai người bàn định chia đôi số con để ngườilên rừng, người xuống biển nhằm gây dựng mở mang non sông bờ cõi. Lạc Long Quân đưa 50 người con về miền biển làm nghề chài lưới, Âu Cơ đưa 49 người con lên núi khai phá rừng hoang, để lại người con trưởng làm vua, 18 chi đời đều gọi Hùng Vương. Mẹ Âu Cơ cùng 49 người con lên miền ngược thấy đất Hiền Lương phong cảnh tươi đẹp, sơn thủy hữu tình nên đã chọn làm nơi dừng chân khai sơn phá thạch.
Trong đền còn có đầy đủ thư tịch nói rằng: Hành trình Mẹ Âu Cơ đưa 50 người con đi từ hạ lưu sông Hồng cứ theo con sông mà đi ngược lên. Người thì xuống sông mò bắt tôm cá, người lên bờ sông làm nghề trồng cấy… Họ ở lại dần trên đường đi. Và cuối cùng còn ít người con và Mẹ Âu Cơ đến nơi đây (Nay là xã Hiền Lương- Hạ Hòa- Phú Thọ) làm trại và ở lại sinh cơ lập quán tại đây.
Rồi đến một đêm, Mẹ mơ thấy Tiên ông bảo rằng: “ Ngày mai con phải đi về phương Nam gặp tiên”. Tỉnh giấc Mẹ đi về phương Nam, đến chân một trái núi nhìn lên Mẹ thấy trái núi như một ngai vàng. Bỗng Tiên ông xuất hiện tay cầm gậy, tóc trắng râu dài, xung quanh mây vần vũ. Tiên ông bảo rằng: “ Ngọc Hoàng sai con xuống hạ giới này sản sinh ra một giống người. Nay đã đông đàn dài lũ, chúng đã biết làm ăn sinh sống. Vậy đến ngày mùng 7 tháng giêng này con phải về trời theo lệnh vua cha nghe con, trước khi về trời lên núi Nỏ ta cho người đón”. Nói rồi, Tiên hòa vào đám mây biến mất. Mẹ Âu Cơ bỗng bừng tỉnh, bà thắp một nén nhang và quay về nơi ở.
Nay dãy núi đó gọi là núi Ông (Thuộc địa phận xã Xuân Áng- Hạ Hòa- Phú Thọ). Rồi đến tết năm đó, Mẹ cho gọi đông đủ con cháu trong vùng về ăn tết, thật vui vẻ, thật to với nhiều trò chơi hấp dẫn. Sáng ngày mùng 7 tháng giêng, Mẹ Âu Cơ dặ các con ở nhà chăm chỉ làm ăn và phải thương yêu lấy nhau, Mẹ lên núi ít ngày hái thuộc.
Thế rồi, Mẹ đi theo hướng Tây lên núi Nỏ, gặp một khe đá, mẹ đi ngược theo triền đá, khi mặt trời lên bằng lẩy, Mẹ cũng vừa thấm mệt, bỗng nghe thấy có tiếng rúc rích cười. Thì ra là một bầy tiên nữ đã mang xiêm váy xuống đón mẹ. Một tiên nữ quỳ lạy trước Mẹ thưa rằng: “ Chúng con tuân lệnh Ngọc Hoàng về đây đón Mẹ. Mời Mẹ xuống ao tắm và thay váy áo để về trời cho kịp”.
Các tiên đã đem cả áo từ trời xuống cho Mẹ tắm và thay. Dòng nước Mẹ Âu Cơ tắm chảy xuống chân núi, tạo thành một con suối. Người đời sau gọi đó là Ao Trời- Suối Tiên là như vậy (Ngày nay thắng cảnh này thuộc địa phận xã Quân Khê- Hạ Hòa- Phú Thọ).
Lễ tế là nghi lễ quan trọng nhất trong lễ hội đề Mẫu Âu Cơ.
Sau khi thay xiêm áo, Mẹ giữ lại dải lụa đào và ngước nhìn về phía chân núi xa xa. Nơi đó Mẹ đã nuôi dạy cháu con và gắn bó cả cuộc đời. Khi theo các tiên nữ bay về trời, Mẹ Âu Cơ cố bay lượn thật thấp để nhìn thấy cháu con và nơi ở lần cuối. Bất thần, Mẹ thả dải khăn đào xuống như để lại tình thương yêu vô bờ cho con cháu.
Con cháu đang vui chơi, bỗng trời tối sầm, bão tố nổi lên. Rồi một dải lụa đào bay lượn trên không, bay mãi rồi từ từ rơi xuống ôm lấy cả ngôi nhà và đàn cháu con đang nhảy múa. Ai cũng hiểu: Mẹ đã về trời ! Đàn con thắp nhang cầu nguyện cho Mẹ rồi họ gập dải khăn của Mẹ đặt lên bàn thơ. Tại đây, sau này con cháu đã dựng đền thờ Mẹ. Từ đó đến nay, dân trong vùng cứ đến mùng 7 tháng giêng lại làm lễ linh đình, tưởng nhớ Mẹ tại đền Mẫu Âu Cơ và bao giờ cũng đem dải lụa đào trải trên ngọn cây đa cổ thụ tại đền để ghi nhớ công ơn cao dầy của Mẹ Âu Cơ.
Đền Quốc Mẫu nằm ở giữa cánh đồng lúa phì nhiêu của xã Hiền Lương, ven quốc lộ 32C. Ngôi đền tọa lạc dưới gốc đa cổ thụ quanh năm xanh tốt. Xưa kia, ngôi đền được nhân dân xã Hiền Lương xây bằng chất liệu mật mía, trải qua chiến tranh, ngôi đền vẫn không hề bị phá hủy. Ngày nay, đền được xây dựng và tu bổ khang trang hơn, là nơi để du khách thập phương viếng thăm. Đền Mẫu Âu Cơ mãi là nơi hội tụ những huyền tích về người Mẹ của muôn dân đất Việt, là điểm đến tâm linh trong hành trình về cội nguồn.
Tưng bừng lễ hội tri ân Quốc Mẫu
Hằng năm, cứ vào dịp tết Nguyên đán, đất trời Hiền Lương (Hạ Hòa- Phú Thọ) lại dậy lên một không khí linh thiêng và bao điều huyền thoại về truyền thuyết Mẫu Âu Cơ dừng chân nơi đây sinh cơ lập ấp trong hành trình đưa 50 người con đi “khai thiên phá thạch”.
Từ bao đời nay, người dân Hiền Lương huyện Hạ Hòa tổ chức trang trọng lễ hội đền Mẫu Âu Cơ vào mùng 7 tháng giêng. Ngày lễ chính của Đền Âu Cơ là ngày “Tiên giáng” mùng bảy tháng giêng, ngoài ra trong năm còn có các ngày lễ khác là ngày 10-11 tháng 2, ngày 12 tháng 3, ngày 13 tháng 8, ngày “Tiên thăng” 25 tháng Chạp. Đây là dịp để muôn dân đất Việt và du khách thập phương hướng về cội nguồn. Điều đặc biệt trong lễ hội đền Mẫu là các phong tục và hoạt động đều gắn liền với văn hóa trồng lúa nước của người dân bản địa nơi đây.
Xưa kia, trong huyền tích, Mẹ Âu Cơ dừng chân tại Hiền Lương lập sơn trang, dạy dân trồng lúa nước, trồng dâu nuôi tằm và dệt vải. Chính vì vậy, lễ vật dâng lên Mẫu Mẹ cũng gắn liền với sự trù phú của đời sống nông nghiệp ở vùng này. Để làm các lễ vật dâng lên Mẹ, đến gần ngày lễ, người dân Hiền Lương bơi thuyền ra giữa sông Hồng, chọn nơi nước trong nhất múc nước về để chế biến các thứ bánh và lễ dâng Quốc Mẫu. Nghi thức này được người dân tổ chức trang trọng và thiêng liêng.
Trăm thứ bánh làm nên thơm thảo, người dân quanh vùng Hiền Lương tấp nập làm bánh ngọt để dâng lên Mẫu Mẹ. Bánh được làm bằng bột gạo nếp thơm và mật mía ngon, nhào kỹ rồi lăn thành hình tròn dài, cắt thành từng đoạn như đốt tre hấp chín. Một trăm cầu bánh ngọt cùng với xôi nếp, chè lam, 100 phẩm oản bằng xôi nếp, hoa thơm là lễ vật dâng lên Mẫu Mẹ Âu Cơ vào ngày chính lễ. Lễ chỉ dùng đồ chay để dâng Mẫu chứ không dùng đồ mặn.
Sáng mùng bảy tháng giêng, cờ xí rợp trời, trống chiêng vang lừng, hương trầm lan tỏa khắp nơi, dải lụa đào hồng tung bay trên ngọn đa, người người tụ về bên gốc đa già để mở hội. Đúng giờ thìn từ bảy giờ đến chín giờ, đám rước từ đình đến đền Mẫu đến sân đền. Đội rước này là nam giới, đi đầu là những lá cờ thần, sau kiệu là những vị chức sắc, các bô lão mặc áo thụng xanh, áo dài khăn xếp rồi đến dân làng đi trẩy hội.
Đến sân đền chính, đội tế nữ gồm 12 cô gái thanh tân có nhan sắc và học vấn tiến hành nghi lễ tế. 12 cô gái mặc áo dài đủ các màu, đầu đội khăn kim tuyến, chân đi hài thêu, thắt lưng lụa, chủ lễ mặc hoàn toàn màu đỏ. Sau nghi lễ tế, hội diễn ra với nhiều hoạt động bằng các trò chơi dân tộc như đu tiên, đánh cờ người, chọi gà, tổ tôm…cùng các hoạt động người dân dâng sớ, thắp hương cầu khấn Mẫu Mẹ.
Đền Mẫu Âu Cơ và lễ hội là dịp, là nơi để con dân bách Việt hướng về cội nguồn, tri ân công đức của Quốc Mẫu Âu Cơ, nhân lên đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Để rồi, người dân Hiền Lương còn truyền nhau mãi câu ca: “ Anh em Bách Việt ta ơi !/ Ngày xuân thong thả tới nơi xem tường/Dân ngày hội tế Mẫu Vương/ Người sinh ra tổ Hùng Vương nước nhà”…