Quảng Ninh không chỉ là một điểm đến có nhiều danh lam thắng cảnh đẹp, một vùng đất giàu giá trị văn hóa và lịch sử, mà còn được ví như “một nước Việt Nam thu nhỏ”, có đa dạng các loại địa hình từ đồng bằng, vùng núi, ven biển... là cơ sở tạo ra sự phong phú, độc đáo về đa dạng sinh học.
Đa dạng sinh học cao nhất Việt Nam
Theo kết quả điều tra của Kế hoạch hành động đa dạng sinh học (ĐDSH) tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, đây là tỉnh có tính ĐDSH cao với 4.350 loài, 2.236 chi, 721 họ thuộc 19 ngành; 3 giới động vật, nấm và thực vật đa dạng loài, đa dạng hệ sinh thái, đa dạng gen. Bên cạnh đó, có 5 dạng cảnh quan chính quyết định sự đa dạng của các hệ sinh thái trong tỉnh, như cảnh quan núi, đồi, bãi triều, đồng bằng hẹp ven biển, bãi bùn, biển, hải đảo... Toàn tỉnh có 4 khu vực chính có rạn san hô là Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long, đảo Cô Tô và đảo Trần. Ngoài ra, Quảng Ninh có hơn 2.000 hòn đảo, mỗi đảo lại có sự đa dạng độc đáo riêng tạo ra nhiều biến dị di truyền trong cùng một loài.
Đặc biệt, Quảng Ninh cũng là một trong số ít địa phương trên cả nước có nhiều khu vực được bảo tồn nguồn tài nguyên sinh học, bảo vệ môi trường theo nhiều hình thức khu bảo tồn khác nhau, gồm: Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, Vườn Quốc gia Bái Tử Long, Khu Bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng, Khu bảo vệ cảnh quan Rừng Quốc gia Yên Tử, Khu rừng nghiên cứu thực nghiệm tại TP.Hạ Long. Ngoài ra, theo Quy hoạch hệ thống khu bảo tồn vùng nước nội địa đến năm 2020, trong giai đoạn 2011-2015, tỉnh Quảng Ninh có thêm 2 khu vực được quy hoạch để bảo tồn ĐDSH là: Khu bảo tồn biển Cô Tô - đảo Trần và Khu vực vùng cửa sông Tiên Yên.
Vườn Quốc gia Bái Tử Long- du lịch sinh thái say lòng du khách
Trong số các tỉnh đồng bằng sông Hồng, Quảng Ninh là tỉnh đã được thiên nhiên ưu ái ban tặng một hệ thống rừng tự nhiên rất phong phú và đa dạng. Đặc biệt ở Quảng Ninh có tới 2 khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia; đó là Vườn quốc gia Bái Tử Long (Vân Đồn) và Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng (Hoành Bồ).
Vườn Quốc gia Bái Tử Long được biết đến là một điểm du lịch sinh thái vô cùng hấp dẫn; có tổng diện tích 15.783ha, trong đó diện tích rừng, đất rừng là 6.125ha và 9.650ha diện tích mặt nước biển, vụng áng, bãi triều ngập nước. Các đảo núi đá thuộc khu vực vườn có nhiều hang động đẹp như Hang Cái Đé, dài gần 2km thuộc đảo Trà Ngọ lớn, cuối hang thông với khu rừng ngập mặn rộng gần 200ha; hang Soi Nhụ (xã Hạ Long) là nơi lưu giữ dấu tích của người Việt cổ từ thời kỳ đồ đá cũ cách đây 2 vạn năm. Ngoài ra còn có các bãi cát thoải, nước nông, khuất gió như các bãi Chương Nẹp, Nhãng Rìa (Minh Châu), Sơn Hào (Quan Lạn)…
Đặc biệt là bãi biển Minh Châu, trải dài gần 3km cát trắng mịn, sóng êm, được đánh giá là bãi biển đẹp nhất Vịnh Bắc bộ. Phía bên trên là rừng trâm tự nhiên thuần loại, có trên 100 năm tuổi, với diện tích 14ha bao bọc lấy bãi biển, rất phù hợp với việc phát triển các loại hình du lịch sinh thái.
Vùng lõi của Vườn Quốc gia Bái Tử Long có đảo Ba Mùn, là cụm đảo lớn nhất, rộng nhất, đẹp nhất, hệ thực vật phong phú nhất của Vườn.
Ven chân Vườn Quốc gia Bái Tử Long có nhiều bãi cát nhỏ nơi du khách tận hưởng thiên đường biển xanh cát trắng, vùng vẫy giữa làn nước trong xanh.
Khoảng 10 năm trở lại đây, một số điểm, khu vực của Vườn quốc gia Bái Tử Long đã được đưa vào khai thác du lịch, nhưng nhìn chung là chỉ mới nhỏ, lẻ, tự phát, chưa tương xứng với nguồn tài nguyên vô cùng quý giá này.
Đồng Sơn - Kỳ Thượng: “tài nguyên xanh” chưa thức giấc
Trong khi nhiều điểm, khu vực của Vườn Quốc gia Bái Tử Long đã được đưa vào khai thác du lịch thì du khách hầu như chưa biết đến một "viên ngọc quý" khác Quảng Ninh, là Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng. Với tổng diện tích tự nhiên là 15.637,7ha, Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng nằm trọn trong địa phận 5 xã Đồng Sơn, Kỳ Thượng, Đồng Lâm, Vũ Oai, Hoà Bình, giáp ranh với huyện Ba Chẽ và T.P Cẩm Phả. Trong Khu bảo tồn có rất nhiều loài động, thực vật, có nhiều loài là động vật quý hiếm, nằm trong Sách đỏ Việt Nam.
Không những thế, Đồng Sơn - Kỳ Thượng còn là một trong nhiều khu bảo tồn có cảnh quan sinh thái đẹp, như thác Khe Rìa (xã Đồng Lâm). Nơi đây khí hậu quanh năm mát mẻ, phong cảnh thiên nhiên, đồi núi, thác nước, rừng cây... ẩn hiện giữa bảng lảng sương mù giăng mắc, tạo nên một không gian huyền ảo, trong lành, rất thích hợp cho loại hình du lịch sinh thái nghỉ dưỡng...
Đã có nhiều giải pháp đưa ra nhằm phát triển và hỗ trợ cho các hoạt động bảo tồn hai khu bảo tồn nói trên. Trong đó, du lịch sinh thái luôn được coi là một giải pháp hữu hiệu, không những góp phần tạo công ăn việc làm, hỗ trợ phát triển cho cộng đồng địa phương mà còn hỗ trợ rất tốt cho công tác bảo tồn. Nhiều sản phẩm du lịch bền vững đã được nghiên cứu xây dựng, như tour cộng đồng, tour trải nghiệm cho sinh viên và khách du lịch quốc tế, tour kết nối với những điểm du lịch tiềm năng... Cùng với đó, các tour du lịch sinh thái tới các khu rừng: đi bộ xuyên rừng, vượt thác, cắm trại... cũng có thể sẵn sàng phục vụ du khách trong và ngoài nước trong tương lai.