Bình Thuận – Sự cuốn hút của du lịch biển

16:19, 01/05/2018

Mũi Né  thuộc T.P Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) đã được du khách trong, ngoài nước mệnh danh là “thủ đô resort”. Mặc dù địa danh này chưa nổi tiếng về phát triển du lịch, như: Vũng Tàu, Đà Lạt, Đà Nẵng, Hạ Long… nhưng với chiến lược “đi tắt, đón đầu”, mạnh dạn đầu tư hệ thống công trình kết hạ tầng để biến 192km bờ biển thành lợi thế “vàng”. Phát triển “ngành công nghiệp không khói” đã giúp địa phương này giải quyết việc làm cho hàng  vạn lao động và góp phần thu ngân sách đạt gần 9 nghìn tỷ đồng/năm...

Nằm trên dải đất duyên hải Nam Trung bộ, tỉnh Bình Thuận có bờ biển dài 192km với những bãi cát trắng mịn màng, nước trong xanh, sóng nhẹ. Đặc biệt, hải sản do ngư dân Bình Thuận đánh bắt được hàng năm rất lớn và tươi ngon hơn so với các vùng biển có nhiều cửa sông khác. Về địa lý, T.P Phan Thiết (thủ phủ của tỉnh Bình Thuận) cách T.P Hồ Chí Minh và T.P Nha Trang (Khánh Hòa) trên 200km nhưng mạng lưới giao thông thủy, bộ đều thuận lợi nên du khách đến đây lưu trú dài ngày để ngắm cảnh, tắm biển và thưởng thức các món ẩm thực chế biến từ hải sản tươi ngon ngày một đông...

Qua 2 thập kỷ đầu tư tận dụng tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch, thương mại gắn với kinh tế biển, tỉnh Bình Thuận đã trở thành “điểm trũng” thu hút nguồn vốn đầu tư từ ba vùng kinh tế lớn, gồm: Tây Nguyên, duyên hải Nam Trung bộ và Đông Nam bộ. Chính vì vậy, tỉnh Bình Thuận đã có nhiều nguồn lực để phát triển hạ tầng giao thông, đô thị ven biển; hệ thống dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng chất lượng cao. Đặc biệt, ngư dân Bình Định không còn lo “ế” các loại hải sản đánh bắt được khi nhu cầu tiêu thụ của hệ thống nhà hàng, khách sạn rất lớn. Cùng với đó là ngư dân chế biến hải sản thành các sản phẩm đặc sản ăn liền, hàng khô để phục vụ khách du lịch. Phát triển song song, bền vững giữa du lịch, thương mại và kinh tế biển đã giúp địa phương này nhanh chóng chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng có lợi và là điểm sáng nổi bật khi duy trì tốc độ phát triển kinh tế luôn đạt hai con số trong suốt 10 năm qua.

Theo số liệu mới nhất được UBND tỉnh Bình Thuận công bố, năm 2017, địa phương này đã đón 5.132.000 lượt khách (tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2016) và quý I-2018 đã đón trên 1 triệu lượt khách. Doanh thu từ du lịch, thương mại của tỉnh Bình Thuận năm 2017 đạt 10.810 tỷ đồng (tăng 19,5% so với cùng kỳ năm trước). Trong đó, khách du lịch quốc tế đến Bình Thuận chiếm khoảng 15% (chủ yếu là du khách Nga, Trung Quốc). Qua các đợt xúc tiến thương mại, du lịch và đẩy mạnh quảng bá tiềm năng nên từ năm 2017 và quý I-2018, khách quốc tế đến Bình Thuận đã tăng lên 585.000 lượt. Trong đó, ngoài khách Nga, Trung Quốc đã có lượng lớn khách đến từ các quốc gia, như: Hàn Quốc, Đức, Thái Lan, Anh, Pháp, Malaysia, Mỹ, Hà Lan…

Sự phát triển mạnh mẽ các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, du lịch kết hợp thể thao, du lịch tín ngưỡng đã tạo dựng thương hiệu du lịch và góp phần tiêu thụ, xuất khẩu tại chỗ các sản phẩm nông sản, hải sản, kích thích nhiều ngành nghề khác tại Bình Thuận cùng phát triển. Từ phát triển du lịch, thương mại đã tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho gần 1,6 vạn lao động tại địa phương, làm thay đổi bộ mặt đô thị và nông thôn, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, gìn giữ và phát huy các giá trị di tích lịch sử, văn hóa, tài nguyên thiên nhiên của Bình Thuận. Nhà báo Lê Hồng Văn, Tổng Biên tập Báo Bình Thuận là người đam mê, am hiểu về du lịch địa phương phân tích: Du lịch Bình Thuận phát triển mạnh mẽ như hôm nay là do cấp ủy, chính quyền các cấp ở địa phương đã rất quyết liệt trong thực hiện thu hút nhà đầu tư. Ngoài vận dụng chính sách thu hút đầu tư của Trung ương, địa phương đã ưu đãi về thuế, miễn tiền thuê đất và áp dụng khung giá tốt nhất cho nhà đầu tư. Bên cạnh đó, Bình Thuận đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để phát triển mạng lưới giao thông ven biển, hỗ trợ đầu tư, hỗ trợ tín dụng cho công tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ du lịch, chuyển giao công nghệ, quảng bá thương hiệu. Tiêu biểu nhất là UBND tỉnh Bình Thuận đã đầu tư xây dựng 2 tuyến đường trục chạy song song với bờ biển từ T.P Phan Thiết đến Mũi Né để làm “mồi câu” thu hút các nhà đầu tư thực hiện các dự án ven biển.

Không bằng lòng với những kết quả hiện có, tỉnh Bình Thuận tiếp tục thực hiện chiến lược tổng thể phát triển du lịch. Trong đó, Mũi Né, đảo Phú Quý, bãi biển của T.P Phan Thiết… đang được đầu tư trở thành trung tâm du lịch - thể thao biển mang tầm quốc gia và khu vực. Ông Nguyễn Mạnh Thọ, Chủ tịch HĐQT Khu nghỉ dưỡng cao cấp Hòn Rơm cho biết: Hạ tầng phục vụ du lịch ở tỉnh Bình Thuận đã được đầu tư nhưng vẫn chưa thực sự đồng bộ, hiện đại, đáp ứng được sự phát triển nóng hiện nay. Do vậy, khi Trung ương và địa phương đưa các công trình trọng điểm như đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, cảng Vĩnh Tân, sân bay Phan Thiết vào hoạt động sẽ còn tạo ra sự đột phá lớn hơn nữa về du lịch trong thập niên tới.

Thật sự ngỡ ngàng khi du khách đến với địa phương này bởi vẻ đẹp thiên nhiên quyện hòa với các công trình kiết trúc, quần thể du lịch hiện đại được xây dựng dọc chiều dài gần 30km bờ biển từ T.P Phan Thiết đến Mũi Né. Cộng thêm con người Bình Thuận thân thiện như cái tên vốn có của địa phương, ẩm thực chế biến từ hải sản tươi ngon, tất cả đã tạo nên thương hiệu riêng cho du lịch của tỉnh Bình Thuận.