Tọa lạc ở chân đê sông Hồng thuộc xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, chùa Keo hay Thần Quang Tự nổi bật với gác chuông tựa đóa sen vươn lên giữa những cánh đồng lúa phì nhiêu, xanh mướt. Trải qua hơn 400 năm, chùa Keo vẫn giữ nguyên nét kiến trúc độc đáo của ngôi chùa cổ Việt Nam từ thế kỷ XVII.
Từ T.P Thái Bình đi khoảng 15km, chúng tôi có mặt ở thắng cảnh chùa Keo - Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia đặc biệt và được coi là ngôi chùa có kiến trúc đẹp bậc nhất còn được lưu giữ ở Việt Nam hiện nay. Bước vào chùa trong ánh nắng chiều tà, thấy thảm lá khô rụng đầy sân, nhìn những cành gỗ khẳng khiu soi mình bên hồ nước, chúng tôi có cảm giác thật thanh tịnh, yên bình giữa chốn thiền môn. Tương truyền, chùa Keo được khởi công xây dựng từ năm 1630 và hoàn thành vào năm 1632 dưới thời hậu Lê (1428-1789). Chùa Keo cũng thờ Phật như bao ngôi chùa khác ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ, nhưng do quá trình hình thành và phát triển lịch sử làng xã, chùa theo dạng thức “tiền Phật, hậu Thánh” tức ngoài thờ Phật còn thờ Thánh và những người có công với dân làng.
Theo Ban quản lý di tích Chùa Keo, hiện nay, toàn bộ kiến trúc chùa còn lại 17 công trình gồm 128 gian. Toàn bộ công trình được làm bằng gỗ lim - thứ gỗ quý giá nhất thời bấy giờ. Vì thế nên dù trải qua bao mưa gió, chùa Keo vẫn vững chãi sau hàng trăm năm lịch sử. Các công trình kiến trúc chính của Chùa Keo gồm: Tam quan ngoại, Tam quan nội, Gian thờ Phật, Tòa chùa Ông Hộ, Tòa Tam bảo, Đền Thánh, Tòa Thượng Điện, Gác chuông...
Đến chùa Keo, chúng tôi ngỡ ngàng trước bộ cánh cửa ở Tam quan nội. Bộ cánh cửa cao 2m, rộng 2,6m, nổi bật với những mảng chạm khắc một ổ rồng mang phong cách mỹ thuật thời Lê Trung Hưng với những đường vân mây, đao rồng vuốt ngược từ dưới lên, vô cùng độc đáo. Chị Nguyễn Thi Dung, hướng dẫn viên của Ban quản lý di tích chùa Keo giới thiệu: Riêng rồng thời Lê Trung Hưng, ngoài hình tượng rồng mẹ dữ dội, xa xa còn hình tượng rồng con thấp thoáng nhẹ nhàng núp bóng mẹ phía ngoài, nên người ta gọi đó là quần thể rồng. Khi đóng, bộ cánh cửa trở thành một bức phù điêu hoàn chỉnh hình 4 con rồng chầu nguyệt, thể hiện tính nghệ thuật độc đáo của điêu khắc Việt Nam thế kỷ XVII. Bộ cánh cửa nguyên bản hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam để nghiên cứu còn bộ cánh cửa hiện tại ở chùa Keo là bản sao phục chế.
Bước qua Tam quan nội, lối nhỏ sẽ đưa du khách vào thắp hương tại khu thờ Phật của chùa Keo. Nơi đây, hiện đang lưu giữ hơn 100 pho tượng Phật từ thế kỷ XVII, XVIII như: Tượng Tuyết Sơn, La Hán, Thích Ca nhập Niết bàn, Quan thế âm Bồ Tát… và nhiều đồ tế lễ có niên đại hàng trăm năm như: Đôi chân đèn thời Mạc, thuyền rồng Long Đình, nhang án thời Lê… tất cả đều được sơn son thếp vàng bóng nhoáng.
Sau khu thờ Phật, du khách bước chân vào khu thờ Thánh, nơi thờ Không Lộ thiền sư, một vị sư thời Lý (1010-1226). Tại đây, du khách được thưởng lãm Tấm hoành phi lớn nhất chùa Keo với 4 chữ “Lý thế quốc sư” có nghĩa “Vị Quốc sư triều Lý” do một danh nhân người Thái Bình là Nguyễn Văn Cương viết. Đặc biệt, du khách còn được chiêm ngưỡng những đồ thờ quý giá tương truyền là đồ dùng của Thiền sư Không Lộ như: Bộ tràng hạt bằng ngà, một bình vôi to và ba vỏ ốc lóng lánh như dát vàng… Tọa ngay bên sườn của gian thờ Thánh là giếng chùa. Thành giếng xếp bằng 36 cối đá thủng đáy. Tương truyền dân gian kể lại rằng, đó là những chiếc cối đá dùng trong việc giã gạo nuôi thợ xây chùa từ xưa.
Ấn tượng độc đáo nhất của chùa Keo phải kể tới đó là tòa gác chuông nằm ở phía sau Chùa. Gác chuông cao 11,04m có ba tầng với 12 mái, toàn bộ bằng gỗ lim. Ở tầng một có treo một khánh đá cao 1,2m. Tầng hai có quả chuông đồng lớn đúc năm 1686 cao 1,3m, đường kính 1m. Hai quả chuông nhỏ treo ở tầng ba và tầng thượng cao 0,62m, đường kính 0,69m đều được đúc năm 1796. Với lối kiến trúc “chồng diêm cổ các”, gác chuông đã tạo nên sự nổi bật của toàn bộ công trình. Khắp cả vùng Bắc Bộ không thể tìm thấy ngôi chùa nào có gác chuông đặc biệt đến vậy. Bởi lẽ, hầu hết các ngôi chùa đều được xây dựng với phần gác chuông hai tầng tám mái. Bên cạnh đó, gác chuông của chùa Keo còn đặc biệt ở bộ mái kết cấu gần 100 đàn đầu voi và bộ cánh cửa được chạm rồng vô cùng tinh xảo, tạo nên vẻ trầm mặc, thâm nghiêm và uy linh chốn linh thiêng. Tháng 12-2007, tháp chuông Chùa Keo đã được tổ chức Kỷ lục Guinness xác lập là tháp chuông bằng gỗ cao nhất Việt Nam.
Nét đẹp chùa Keo về mặt kiến trúc khó có thể tìm thấy ở bất cứ ngôi chùa nào trên đất nước Việt Nam. Ngôi chùa này được xem là tuyệt tác hoàn mỹ tạo nên bởi đôi bàn tay khéo léo của những người thợ lành nghề. Ngày nay, có nhiều ngôi chùa mới được dựng lên nhưng khó có công trình nào đạt tới đỉnh cao nghệ thuật như chùa Keo Thái Bình. Không chỉ đẹp về mặt kiến trúc chùa Keo còn là điểm đến không thể bỏ lỡ của du khách thập phương vào mùa lễ hội. Mỗi năm, chùa có hai mùa lễ hội, đó là vào mùa xuân và mùa thu. Mỗi lễ hội có một ý nghĩa khác nhau nhưng lễ hội nào cũng thu hút đông đảo du khách đến dự lễ. Trong cả hai mùa lễ hội, không khí náo nhiệt ở chùa Keo không bao giờ chấm dứt. Chẳng thế mà, dân gian vẫn có câu: "Dù cho cha đánh mẹ treo/ Em không bỏ hội chùa Keo hôm Rằm".
Trải qua gần 400 năm tu bổ, tôn tạo, chùa Keo vẫn giữ nguyên bản sắc kiến trúc độc đáo của mình. Đây là địa điểm lý tưởng để du khách thập phương đến chiêm bái, trút bỏ mọi gánh nặng và lo toan cuộc sống. Chỉ cần đi dạo quanh chùa thôi bạn sẽ thấy tâm hồn mình nhẹ nhõm và an nhiên hơn.