Trường Sa - niềm tin và nỗi nhớ

07:33, 06/06/2018

Từ Trường Sa trở về đất liền, không ai có thể quên được niềm tự hào vô bờ khi được chào cờ, hát Quốc ca ở thị trấn Trường Sa. Quên sao được cảm xúc thiêng liêng tại Lễ tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ đã hi sinh tại quần đảo Trường Sa và thềm lục địa phía Nam Tổ quốc.

Về lại Trường Sa

Với mỗi người Việt Nam, được đến Trường Sa đã là niềm hạnh phúc khó gì có thể đong đếm được, nhưng với tôi, được tham gia đoàn đi thăm, động viên quân, dân huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 lần thứ hai thì niềm vui, niềm hạnh phúc như được nhân lên gấp bội.

Ra Trường Sa - nói như vậy thật đúng khi ta ở đất liền. Nhưng với tôi, tôi muốn gọi chuyến đi lần thứ hai là “về lại Trường Sa”. Về lại Trường Sa, vì nơi thiêng liêng ấy đã là nhà, là quê hương của bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ hải quân và nhân dân huyện đảo; là quá khứ hào hùng và bi tráng của dân tộc, là tương lai của đất nước Việt Nam mạnh về biển, làm giàu từ biển.

Đoàn công tác số 10 năm 2018 xuất bến từ cảng quốc tế Cam Ranh (Khánh Hoà) trên con tàu kiểm ngư KN 490 đúng ngày Quốc giỗ - Giỗ Tổ Hùng Vương. Vượt hơn 1.000 hải lý, tàu KN 490 đưa Đoàn công tác tới thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ, đồng bào đang ngày đêm chắc tay súng bảo vệ, xây dựng đảo và nhà giàn ngày một thêm vững mạnh, khang trang, hiện đại. Đọng lại trong mỗi người được đến với Trường Sa là niềm tin, là nỗi nhớ...

Bồi đắp niềm tin…

Đến với các đảo ở Trường Sa, ai cũng cảm nhận được trong ánh mắt, trái tim mỗi người chiến sĩ ý chí quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Tất cả các cán bộ, chiến sĩ đều ý thức rất rõ rằng, được làm nhiệm vụ trên quần đảo Trường Sa, dù còn nhiều khó khăn, vất vả, nhưng là nhiệm vụ rất đỗi thiêng liêng. Nhớ đất liền, nhớ quê hương, nhớ mẹ cha, nhớ vợ con... nhiều lắm nhưng tất cả các anh đã gác lại tình cảm cá nhân để vì nghĩa vụ thiêng liêng với Tổ quốc.

Giữa mênh mông sóng nước, quần đảo Trường Sa hiên ngang, sừng sững.  Đảo Tiên Nữ, An Bang, Trường Sa Lớn… đẹp như tranh vẽ. Đã có một nhà thơ đến đảo và thốt lên: “Tiền tiêu xa nhất của Trường Sa/Mang tên Tiên Nữ đẹp như hoa…”.

Trên các đảo, ở vị trí trang trọng là bức ảnh chụp đoạn trích diễn văn của Đại tướng Lê Đức Anh tại Lễ mít tinh kỷ niệm ngày thành lập Hải quân nhân dân Việt Nam tổ chức trên đảo Trường Sa Lớn, ngày 7 tháng 5 năm 1988: “Chúng ta xin thề trước hương hồn của tổ tiên ta, trước hương hồn của cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, xin hứa với đồng bào cả nước, xin nhắn nhủ với các thế hệ mai sau: Quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu của chúng ta, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa – một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc chúng ta…”. Mỗi người Việt Nam ta khi đã được đặt chân đến quần đảo Trường Sa đều như được bồi đắp niềm tin sắt đá từ lời thề thiêng liêng ấy.

Và nỗi nhớ...

Từ Trường Sa trở về đất liền, không ai có thể quên được niềm tự hào vô bờ khi được chào cờ, hát Quốc ca ở thị trấn Trường Sa. Quên sao được cảm xúc thiêng liêng trong Lễ tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ đã hi sinh tại quần đảo Trường Sa và thềm lục địa phía Nam Tổ quốc.

Nhớ ánh mắt, nụ cười chiến sĩ hải quân; nhớ hình ảnh các công dân Trường Sa nhỏ tuổi nô đùa dưới những tán cây xanh trên đảo; nhớ tiếng chuông thanh bình trên đảo Chùa Trường Sa lớn…

Khi được đặt chân lên đảo Trường Sa, vui mừng bao nhiêu thì giờ phút chia tay cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo lại xúc động, bịn rịn bấy nhiêu. Những cái bắt tay, những cái ôm thật chặt, những khúc hát chia tay nơi cầu cảng, tình cảm sao quá lưu luyến, bồi hồi.

Cán bộ, chiến sĩ đảo nắm tay nhau đồng thanh lời hứa với đất liền “Trường Sa vì cả nước”. Đáp lại, nơi mạn tàu, Đoàn công tác hô vang “Cả nước vì Trường Sa”…/.