Khai thác tiềm năng tự nhiên độc đáo của vùng đất được mệnh danh xứ dừa của miền Tây Nam Bộ, Bến Tre đã tạo dựng những bản sắc đặc trưng cho các sản phẩm du lịch, hướng tới một thương hiệu du lịch xứ dừa độc đáo nhằm thu hút khách.
Ðộc đáo chợ dừa nổi
Nhắc đến Bến Tre là nhắc đến dừa. Những rừng dừa, vườn dừa mênh mông trải dài trước mắt du khách ngay khi đặt chân qua cầu Rạch Miễu nối Tiền Giang với Bến Tre. Tuy vậy, điều gây ấn tượng với chúng tôi hơn cả là khung cảnh rộng lớn của khu chợ nổi mua bán dừa nằm hai bên bờ dòng sông Thom.
Mất khoảng 15 km di chuyển từ trung tâm TP Bến Tre theo quốc lộ 60 tới ngã ba chợ Thom, rẽ vào khoảng chừng 500 m, chúng tôi đã có mặt ở cây cầu sắt nối hai huyện Mỏ Cày Bắc và Mỏ Cày Nam trên dòng sông Thom. Ði bộ lên giữa cầu, tại đây có thể phóng tầm mắt bốn phía và cảm nhận rõ hơn một chợ nổi rất quen thuộc ở miền Tây Nam Bộ. Ðiều độc đáo là chợ nổi này chỉ có một sản phẩm duy nhất là dừa, đúng hơn là những gì liên quan đến dừa, từ trái dừa cùng các hoạt động sản xuất như lột dừa, phơi chỉ xơ dừa, bào dừa, cạy dừa, xúc mụn dừa… Từ trên cầu nhìn xuống, cơ man là tàu chở dừa ra vào các vựa. Dừa được bốc lên trên, rồi được bốc trở lại sau khi đã lột vỏ hoặc trên các tàu chỉ chở có lá dừa hay chỉ là xơ dừa…
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch tỉnh Bến Tre Võ Thanh Sơn, không rõ chợ nổi dừa xuất hiện từ khi nào, nhưng sông Thom là con sông lưu thông giữa sông Cổ Chiên và sông Hàm Luông thông qua kênh Mỏ Cày - Vàm Thom được đào từ năm 1905. Sông có chiều dài 15 km, là một cung đoạn giao thông đường thủy quan trọng của tàu khách tuyến Trà Vinh - Vĩnh Long - Bến Tre. Vì thế mà hai bên bờ sông Thom xuất hiện nhiều làng nghề sản xuất chỉ xơ dừa của các xã Thành Thới B, An Thạnh, Tân Hội, Ða Phước Hội (huyện Mỏ Cày Nam) và Khánh Thạnh Tân (huyện Mỏ Cày Bắc). Nếu toàn tỉnh Bến Tre có hơn 250 cơ sở sản xuất chỉ xơ dừa thì chỉ tính riêng trên toàn tuyến sông Thom đã có khoảng 200 cơ sở, thu hút hàng nghìn lao động. Ðiều đáng nói là ở đây, ngoài những công việc nhẹ nhàng, phụ nữ còn lấn sang làm những công việc nặng nhọc, đòi hỏi sức khỏe tốt và sự dẻo dai chỉ dành riêng cho nam giới như nghề lột dừa.
Nghề lột dừa ở đôi bờ sông Thom diễn ra suốt ngày đêm, thậm chí từ rất sớm để kịp phiên chợ khi trời vừa sáng. Tại một vựa dừa, chị Tuyết Nhung đứng lọt thỏm giữa những quả dừa chất cao quá đầu. Trước mặt chị là những quả dừa khô hay dừa hột đã lột xong vỏ, hai bên là số dừa nguyên quả, phía sau là một chồng vỏ dừa rất cao đã được tách để chờ làm chỉ xơ dừa. Rất khó khăn chúng tôi mới leo xuống được gần chị Nhung mà không bị ngã, để quan sát đôi tay thành thục của chị khi lột từng trái dừa. Dụng cụ tách vỏ dừa là một loại dao sắt bản dày, nhọn, cứng được dựng thẳng đứng gọi là mũi nằm. Những quả dừa sẽ được cắm xuống, đôi bàn tay khỏe mạnh của chị Nhung sẽ tách vỏ ra. Mất bốn lần như vậy mới lấy được dừa hột, nhưng một giờ đồng hồ chị Nhung cũng lột được khoảng 200 quả dừa với tiền công 40 nghìn đồng.
Nếu chăm chỉ và có sức khỏe, trung bình mỗi ngày, một phụ nữ như chị Nhung tách được 1.000 quả dừa và nhận 200 nghìn đồng tiền công. Nếu làm ít khoảng 600 đến 700 quả, tùy thuộc vào số dừa mà vựa thu mua. Riêng với loại dừa mủ, giá tiền công cao gấp hai lần do vỏ rất cứng. Trong trường hợp tham gia đếm dừa đưa xuống ghe, họ sẽ nhận thêm 4.000 đồng cho mỗi lần 200 trái. Tuy nhiên, để có thể làm thành thục công việc này là không dễ. Chị Nhung đã có gần 20 năm trong nghề và gặp không ít tai nạn như đứt tay, gãy dao. Mỗi mũi dao chuyên để tách dừa có giá khoảng 400 đến 500 nghìn đồng và trong trường hợp đó, xem như chị đã mất đi hai ngày công của mình.
Hướng tới một thương hiệu đặc trưng
Cùng với sự phát triển du lịch của đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung, Bến Tre từng bước xây dựng thương hiệu du lịch "Sinh thái sông nước xứ dừa" mang đặc trưng riêng của địa phương, nhằm phát triển du lịch bền vững.
Theo Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch tỉnh Bến Tre Lê Văn Luông, du lịch đa dạng loại hình, nhưng ở miền Tây Nam Bộ này, du lịch sinh thái sông nước miệt vườn thì trùng lặp khá nhiều bởi những tiềm năng sông nước tự nhiên tương tự. Ðể tạo sự khác biệt và điểm nhấn, Bến Tre đã hướng tới xây dựng thương hiệu du lịch "Sinh thái sông nước xứ dừa" khác với du lịch sông nước ở các tỉnh trong khu vực như: Sông nước chợ nổi Cái Bè - Tiền Giang hay chợ nổi Cái Răng - Cần Thơ hoặc vùng nước nổi "Búp sen hồng" - Ðồng Tháp, sông nước miệt vườn Cù lao An Bình - Vĩnh Long,... Ðây là hướng đi riêng, mang nét đặc trưng độc đáo, để khách du lịch trong nước và ngoài nước đến Bến Tre không còn ám ảnh bởi câu nhận xét quen thuộc của dân lữ hành dẫn khách đi các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long "đến một tỉnh là biết cả vùng". Ðó cũng là lý do để chợ nổi dừa sông Thom trở thành một phần quan trọng trong việc phát triển du lịch sinh thái sông nước xứ dừa.
Với hơn 70 nghìn ha dừa, Bến Tre chiếm một phần hai diện tích vùng dừa cả nước. Hiện nay, bên cạnh những tua du lịch do các công ty lữ hành tự xây dựng và tổ chức, Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch tỉnh Bến Tre đã tập trung, quảng bá năm tua du lịch gồm: Châu Thành, TP Bến Tre, Giồng Trôm - Ba Tri, Mỏ Cày Bắc - Chợ Lách và Mỏ Cày Nam - Thạnh Phú. Riêng tua Mỏ Cày Nam - Thạnh Phú, du khách có thể đi thuyền trên sông Thom - Mỏ Cày Nam, chèo thuyền trong rạch dừa nước, tham quan chợ nổi dừa, làng nghề chế biến dừa, lò kẹo dừa, thủ công mỹ nghệ từ gỗ dừa; thăm Khu di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt Ðồng Khởi - Mỏ Cày Nam; nhà cổ Huỳnh Phủ - Ðại Ðiền, Thạnh Phú; Khu di tích lịch sử cách mạng Ðầu cầu tiếp nhận vũ khí Bắc - Nam của đường Hồ Chí Minh trên biển tại xã Thạnh Phong và Thạnh Hải cùng khu du lịch sinh thái "rừng ngập mặn" biển Thạnh Phú.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo ngành văn hóa, thể thao và du lịch Bến Tre và không ít đơn vị lữ hành, việc xây dựng thương hiệu "Sinh thái sông nước xứ dừa" không thể do riêng đơn vị nào hay cá nhân nào mà phải có sự đồng thuận, đồng hành trong chia sẻ, quảng bá, góp phần phát triển thương hiệu du lịch chung của Bến Tre. Chẳng hạn như các điểm tham quan du lịch, khu bảo tồn thiên nhiên cần được sự chung tay của các cấp, ngành trong đầu tư chỉnh trang và xây mới; đầu tư trùng tu các di tích văn hóa lịch sử, bảo tồn, phát huy giá trị các làng nghề và nghề truyền thống…
Bên cạnh đó, rất cần sự kết nối tua, tuyến giữa các điểm đến trong tỉnh với các tua, tuyến du lịch, điểm đến trong khu vực... Tất cả sẽ góp phần làm phong phú thêm sản phẩm du lịch, giúp Bến Tre tạo nên một con đường du lịch "Sinh thái sông nước xứ dừa". Ba năm gần đây, tỉnh đón một lượng khách khá lớn so với các tỉnh trong khu vực. Năm 2016 đạt gần 1,2 triệu lượt khách thì đến năm 2018 là gần 1,6 triệu lượt khách, nâng doanh thu từ khách du lịch năm 2016 là 860 tỷ đồng lên 1.057 tỷ đồng năm 2017 và 1.329 tỷ đồng năm 2018...
Rời sông Thom với những mái ngói đỏ ẩn hiện trong rừng dừa xanh mướt và trĩu quả, chúng tôi vẫn không quên được hình ảnh cần mẫn, chất phác mà đầy phóng khoáng của những người dân miệt dừa chân chất, nghĩa tình. Chính họ bằng lao động của mình và tình yêu quê hương, tình yêu sông nước, miệt vườn, đã tạo nên sức hấp dẫn với khách du lịch gần xa, để biết và thêm yêu một Bến Tre gần gũi, thân thương.