Lăng vua Khải Định: Tuyệt tác kiến trúc của Triều Nguyễn

11:43, 08/11/2019

Tọa lạc trên triền núi Châu Ngữ (còn gọi là Châu Ê) thuộc xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế, lăng vua Khải Định hay còn gọi là Ứng Lăng là công trình kiến trúc cuối cùng của triều Nguyễn và cũng là công trình kiến trúc độc đáo nhất trong tất cả các lăng tẩm của các vị vua triều Nguyễn. Đến với lăng Khải Định, du khách không chỉ được đắm mình trong không gian yên bình của xứ Huế mà còn được thưởng thức những tác phẩm điêu khắc đạt đến trình độ đỉnh cao của nghệ thuật tạo hình sành sứ và thủy tinh.  

Vua Khải Định (1885 1925) là vị vua thứ 12 của triều nhà nguyễn. Bước lên ngai vàng ở tuổi 31 (1916), vua Khải Định say sưa với công việc xây dựng các công trình cung điện, dinh thự, lăng tẩm, như: Điện Kiến Trung, cung An Định, cửa hiển nhơn, cửa Chương Đức… Trong số các công trình đó, việc xây dựng lăng mộ cho mình được vua đầu tư đặc biệt công phu. Theo sử sách ghi chép lại, để xây dựng lăng cho mình, vua Khải Định đã tham khảo rất nhiều tấu trình của các thầy địa lí dâng lên và cuối cùng, vua đã chọn triền núi Châu Chữ làm vị trí tọa lạc cho nơi an nghỉ của mình sau này. Địa thế của lăng Khải Định được tính toán rất kỹ lưỡng, tạo nên một khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, tráng lệ. Ứng Lăng lấy một quả đồi thấp ở phía trước làm nơi “tiền án”, có khe suối Châu Ê chảy từ bên trái qua làm “thủy tụ”, núi Chóp Vung ở bên tả và núi Kim sơn ở bên hữu làm Tả Thanh Long và hữu Bạch hổ (tức là rồng, cọp chầu Ứng Lăng). nhà vua đã cho đổi tên núi Châu ngữ thành núi Ứng sơn và đặt tên lăng là Ứng Lăng.

So với lăng tẩm của các vị vua tiền nhiệm trong hệ thống lăng tẩm triều nguyễn thì lăng Khải Định là công trình có diện tích nhỏ nhất. Ứng Lăng chỉ có diện tích khoảng 0,5 ha với chiều dài 117m và chiều rộng 45m. Tuy vậy, Ứng Lăng lại là công trình được đầu tư xây dựng kỳ công nhất, kinh phí xây dựng nhiều nhất, thời gian xây dựng lâu nhất và lăng hiện đại nhất trong hệ thống lăng tẩm ở huế. Lăng chính thức được khởi công xây dựng năm 1920 và mãi đến năm 1931 (tức 11 năm sau) mới được hoàn tất. Việc xây dựng Lăng đã kéo dài qua 2 đời vua là Khải Định và con mình là Bảo Đại.

Toàn bộ vật liệu dùng để xây dựng lăng được vua Khải Định cho người sang Pháp mua sắt, thép, xi măng, ngói Ardoise... và sang Trung Quốc, Nhật Bản mua đồ sứ, thủy tinh màu... về kiến thiết công trình. Để có kinh phí xây dựng lăng, ông đã xin chính quyền bảo hộ Pháp cho tăng thuế lên 30%. hành động này của vua đã bị lịch sử lên án một cách gay gắt, nhân dân oán trách, để lại một hình ảnh không tốt về một vị “Thiên tử” trong lòng người dân. nhưng cũng chính sự tốn kém và công phu ấy đã tạo nên một kiệt tác kiến trúc tuyệt mĩ mà bất cứ ai khi đến thăm quan lăng Khải Định cũng không khỏi trầm trồ.

Về tổng thể, lăng Khải Định giống như một tòa lâu đài thời Trung cổ ở châu âu thế kỷ XIX với 127 bậc thang tiến vào cung Thiên Định giữa rừng thông xanh mát. Toàn bộ kiến trúc của lăng là sự pha trộn của nhiều trường phái khác nhau như: Ấn Độ giáo, Phật giáo, Roman, Gothique... Công trình kiến trúc đầu tiên khi bước vào lăng Khải Định là một cổng chào uy nghiêm với 37 bậc cấp thang được đắp tượng rồng rất lớn. Các trụ cổng được làm theo hình tháp ảnh hưởng từ ấn Độ giáo. Trên sân có hai dãy Tả - hữu tòng tự, ở hai bên xây kiểu chồng diêm hai lớp, tám mái, song các vì kèo lại bằng xi măng cốt thép. Vượt 29 bậc nữa lên tầng sân bái đình, ở giữa có nhà bia Bát giác xây bê tông cốt thép hoà trộn cổ kim, trong đó có bia đá. hai bên sân, mỗi bên có 2 hàng tượng cùng nhìn vào giữa sân. Ngoài tượng như ở các lăng khác, còn có thêm 6 cặp tượng linh túc vệ, từng đôi tượng cùng loại ở cạnh nhau được làm đối xứng và cùng đối xứng với đôi tượng phía đối diện.

Công trình kiến trúc chính của lăng Khải Định là cung Thiên Định. Đây là công trình nằm ở vị trí cao nhất và được xây dựng tinh xảo, công phu nhất. Toàn bộ nội thất trong cung đều được trang trí những phù điêu ghép bằng sành, sứ và thủy tinh rất tinh xảo và tuyệt đẹp đạt đến trình độ điêu luyện, thể hiện được sự sáng tạo đỉnh cao của các nghệ nhân thời đó. Đó là những bộ tranh tứ quý, bát bửu, ngũ phúc, bộ khay trà, vương miện... kể cả những vật dụng rất hiện đại như đồng hồ báo thức, vợt tennis, đèn dầu hỏa... cũng được trang trí ở đây. nằm chính giữa cung Thiên Định, phía bên trên pho tượng đồng của nhà vua là tấm bửu tán được khám sành sứ và thếp vàng rất lộng lẫy, tuy làm hoàn toàn bằng xi măng cốt thép nhưng người xem có cảm giác nó rất nhẹ nhàng thanh thoát như được làm từ nhung lụa. Bằng những vật liệu khô cứng, biệt lập, qua bàn tay vàng khéo léo của các nghệ nhân đã trở thành những tác phẩm nghệ thuật mềm mại, sống động và vô cùng rực rỡ. Điều đặc biệt nữa ở lăng Khải Định đó là bức tượng vua Khải Định bằng đồng mạ vàng được đúc tại Pháp năm 1920 với tỷ lệ bằng người thật. Dưới chân pho tượng là nơi đặt thi hài của nhà vua. Theo lời của hướng dẫn viên tại đây, Khải Định là vị vua duy nhất của triều nguyễn công khai về vị trí chính xác nơi đặt thi hài của mình. Bởi lẽ, vua tin rằng nếu như có các thế lực thù địch nào đó đến để phá lăng mộ của ông thì họ sẽ ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của lăng và quay về… 

Trải qua sự biến thiên của thời gian, lăng Khải Định đã ngả màu nhưng nó càng làm cho lăng thêm cổ kính. Cùng với các di tích nổi tiếng khác trong quần thể di tích Cố đô huế, lăng Khải Định đã được unEsCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới “Tinh xảo Khải Định”. Lăng Khải Định là một tuyệt tác kiến trúc lăng tẩm độc đáo có một không hai mà du khách không thể bỏ lỡ khi du lịch cố đô Huế.