Nhiều đời nay, khéo thêu thùa, dệt thổ cẩm là một trong những tiêu chuẩn, thước đo chuẩn mực trong tiêu chí chọn vợ của các chàng trai tộc người Thái ở Tây Bắc. Để có những thước vải thổ cẩm rực rỡ nhưng trang nhã, phụ nữ Thái đã cần mẫn, dày công, kiên trì thực hiện nhiều công đoạn từ trồng bông, kéo sợi, nhuộm màu và dệt.
Để tìm hiểu những nét đặc sắc nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Thái, chúng tôi đến gặp bà Lò Thị Tóm sống tại thôn Nà Pó 1, Xã Mường San, Mộc Châu, Sơn La. Là một trong những người phụ nữ thạo dệt nhất ở Nà Pó, bà Tóm nói: “Nghề dệt của người Thái chúng tôi quan trọng nhất là bộ khung cửi. Bộ khung cửi nhìn qua thì đơn giản nhưng lại cực kỳ thuận lợi, thoải mái khi phối hợp chân, tay khi dệt vải”.
Điều đặc biệt, khung cửi thường do những người đàn ông làm ra. Có thể làm từ tre hoặc gỗ nhưng hầu hết người Thái chọn gỗ tốt, nhẹ, không mối mọt để khung cửi có độ bền cao. “Một chiếc khung cửi tốt nhất định phải chắc chắn không siêu vẹo, các bộ phận chuyển động phải mượt mà mới cho được những tấm vải đẹp. Ngoài sự tinh tế của người dệt, tài nghệ khéo léo của những người đàn ông tạo đóng khung cửi cũng quyết định chất lượng sản phẩm thổ cẩm”, bà Tóm chia sẻ.
Phụ nữ Thái ở Tây Bắc rất khéo tay trong việc dệt thổ cẩm. Các cô gái Thái trước khi về nhà chồng phải biết dệt thổ cẩm và thêu thùa, vì họ phải tự tay làm tặng bố mẹ chồng một bộ chăn đệm, trong đó có một chiếc khăn Piêu tặng mẹ chồng. Người Thái coi những sản phẩm dệt thổ cẩm là một phần trong đời sống vật chất và tinh thần của mình.
Trước đây dệt truyền thống đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của người Thái. Trong cơ chế thị trường hiện nay những sản phẩm thổ cẩm phẩn lớn được sử dụng trong các nghi lễ truyền thống hay phục vụ du lịch khiến nghề dệt thổ cẩm độc đáo của dân tộc Thái có chỗ đứng và được duy trì, phát triển./.
Sản phẩm đặc trưng nhất của nghề dệt thổ cẩm và thêu thìa của người Thai là bộ váy cón và chiếc khăn Piêu. Phụ nữ Thái mặc váy, áo cóm đã thướt tha, duyên dáng, lại kết hợp chiếc khăn piêu đội đầu càng tôn thêm vẻ đẹp rực rỡ trong các ngày lễ Tết, ngày hội của bản mường, đặc biệt là trong những ngày đầu xuân năm mới, như một nét đẹp văn hóa riêng của dân tộc mình. |