Nghệ nhân phố cổ gìn giữ nghề làm đàn dân tộc

17:27, 01/11/2020

Ngôi nhà nhỏ của ông Phạm Chí Khánh nằm trên phố Hàng Nón (Hà Nội) được ví như “bảo tàng thu nhỏ” về nhạc cụ dân tộc Việt Nam. Không những thế, ông Khánh còn biết chế tác và sử dụng hàng trăm loại nhạc cụ dân tộc khác nhau.

Sinh ra trong một gia đình có nghề truyền thống làm đàn ở Hàng Nón, có cha là cụ Phạm Chí Đương, nghệ nhân làm đàn nổi tiếng ở Hà Nội, nên theo lời ông Phạm Chí Khánh: “Các nhạc cụ truyền thống dân tộc gắn liền với tuổi thơ của tôi”. Ông Khánh đã biết bưng mặt trống từ năm lên tám, chín tuổi. Hiểu được giá trị của những cây đàn dân tộc, ông Phạm Chí Khánh đã mày mò học hỏi nhiều quy trình làm các loại đàn truyền thống khác nhau.

Công tác tại Nhà hát tuồng Trung ương, nên ông Khánh có điều kiện để đi biểu diễn tại các vùng miền trên cả nước. Mỗi chuyến đi biểu diễn với ông Phạm Chí Khánh là một chuyến khám phá, sưu tầm các nhạc cụ dân tộc của các dân tộc khác nhau ở Việt Nam.

Từ một vài nhạc cụ truyền thống được kế thừa từ người cha, hiện nay ông Khánh đã có thể làm được hàng trăm loại nhạc cụ của các dân tộc khác nhau, từ các dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc đến các dân tộc có nền văn hóa đặc sắc vùng Tây Nguyên. Không chỉ học cách chế tác nhạc cụ dân tộc, ông Khánh rất rành những câu chuyện lịch sử liên quan đến nguồn gốc, tên gọi của loại nhạc cụ đó.

Cây đàn bầu hiện tại trong căn nhà của ông là một minh chứng. Hiện nay, ông Khánh đang có 3 phiên bản của cây đàn bầu. Cây đàn bầu cổ được ông phục dựng lại theo tranh ảnh cổ để lại. Phiên bản đàn bầu thứ hai được cải tiến nhỏ gọn hơn so với phiên bản đàn bầu cổ và được sử dụng trong hát xẩm. Còn phiên bản đàn bầu thứ ba được cải tiến và xuất hiện kể từ khi có nhạc điện tử.


Nghệ sĩ Phạm Chí Khánh lắp ráp và hoàn thành cây đàn nguyệt

Nguyên liệu để làm một số loại đàn nổi tiếng như đàn bầu, đàn nguyệt thường là gỗ cây ngô đồng với ưu điểm xốp nhẹ không mối mọt. Việc chọn gỗ quyết định đến âm thanh của nhạc cụ. Sau khi làm xong phần thô, chiếc đàn được đem đến làng khảm trai để trang trí. Theo lời ông Khánh, nhiều chiếc đàn dân tộc của Việt Nam độc đáo ở chỗ, người nghệ nhân sẽ khảm trên đó những câu chuyện cổ truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Đối với đàn nguyệt hay các đàn khác, phím đàn phải được làm từ loại tre già, gắn phím là công đoạn cuối cùng song cũng là công đoạn quan trọng nhất trong việc tạo ra một chiếc đàn với âm thanh hoàn hảo. Còn với nhạc cụ khác, công đoạn bưng mặt quyết định âm thanh có hay hay không. Đây là công đoạn đòi hỏi sự khéo léo tinh tế và cảm nhận nghề của người làm.
Không chỉ biết chế tác đàn, ông Khánh đồng thời còn có thể thể hiện những giai điệu âm nhạc cổ truyền của Việt Nam trên chính những cây đàn do mình chế tác.

Ông Khánh cho rằng, âm nhạc nói chung và âm nhạc truyền thống nói riêng là tiếng lòng người Hà Nội yêu hòa bình, yêu cái đẹp. Đó là “sức mạnh mềm” quyến rũ để Hà Nội trở thành một nơi hào hoa và trường tồn với thời gian./.