Tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng tại các huyện phía Tây của tỉnh Hà Giang

22:54, 31/12/2020

Hà Giang, trong đó phải kể đến Hoàng Su Phì và Xín Mần đang được xem như là một trong những điểm đến đang phát triển mạnh mẽ về du lịch và ngày càng được chú ý bởi du khách trong và ngoài nước. Nếu như vào năm 2010, các huyện chỉ đón 763 lượt khách thì đến năm 2018 con số này đã tăng lên trên 4.000 lượt. Môi trường thiên nhiên, địa lý, nét đẹp và truyền thống văn hóa hấp dẫn của người dân chính là những tiềm năng quan trọng còn chủ trương, định hướng phát triển của tỉnh Hà Giang lại là điều kiện tiên quyết để phát triển du lịch của khu vực phía Tây của tỉnh. 

Thiên nhiên đã ban tặng cho các huyện phía Tây Hà Giang (Hoàng Su Phì, Xín Mần) nhiều danh lam thắng cảnh hùng vĩ như đỉnh Tây Côn lĩnh, đỉnh Chiêu Lầu Thi, thác Thiên, Đèo gió, ruộng bậc thang cùng nhiều thác ghềnh, hang động nổi tiếng... Cùng với đó còn có cả một kho tàng văn hoá phong phú của 16 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó có những dân tộc rất ít người như: Pu Péo, Pà Thẻn, Cờ Lao, La Chí, Lô Lô… Những tài nguyên du lịch phong phú đó chính là thế mạnh để các huyện phía Tây Hà Giang phát triển loại hình du lịch cộng đồng - một tiềm năng chưa thực sự đựơc đánh thức. Những tiềm năng trong phát triển Du lịch cộng đồng ở các huyện phía tây tỉnh Hà Giang có thể kể đến:

Du lịch sinh thái, du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng

Các huyện phía Tây Hà Giang, đặc biệt là Hoàng Su Phì được đánh giá là khu vực có cảnh quan ruộng bậc thang đẹp nhất tỉnh Hà Giang và là ruộng đẹp nổi tiếng thứ 3 sau Mù Cang Chải và Sa Pa. Hàng năm, từ cuối tháng 9, đầu tháng 10, khi lúa chín vàng, Hoàng Su Phì thu hút được lượng khách đáng kể, cả khách quốc tế và khách trong nước đến tham quan. Từ khởi xướng của khu nghỉ dưỡng Pan Hou, đến nay, Hoàng Su Phì đã bước đầu phát triển thành công loại hình du lịch đi bộ dã ngoại (trekking) và lưu trú tại nhà dân (homestay) dựa trên thế mạnh địa hình, ruộng bậc thang và sự nguyên sơ trong văn hóa các dân tộc thiểu số. Ở Hoàng Su Phì đã có nhiều gia đình phục vụ khách bằng nhà xây theo lối kiến trúc truyền thống. Huyện cũng cho phép có đội ngũ xe ôm, khuân vác kiêm dẫn đường. Đặc biệt, công tác vệ sinh làng bản đã được chú trọng hơn. Người dân hầu như không còn nuôi nhốt gia súc, gia cầm ngay cạnh hoặc dưới sàn nhà. Huyện cũng đang đầu tư đường giao thông lên đến tận bản, xây dựng hố xử lý rác thải cho các thôn và xây lò đốt rác cho các hộ gia đình.

Du lịch khám phá.

Từ nhiều năm nay, du khách nước ngoài đã biết đến Hoàng Su Phì, Xín Mần qua con đường du lịch khám phá. Nhiều đoàn khách đã chinh phục đỉnh Chiêu Lầu Thi cao 2.401 m, dải Tây Côn Lĩnh cao 2.428m so với mực nước biển, đã dành nhiều thời gian tham gia các sinh hoạt văn hoá cộng đồng ở các làng, bản của người dân tộc. Những khu rừng già nguyên sinh, những nét hoang sơ, đậm sắc màu dân tộc trong các lễ hội văn hoá luôn là sự huyền bí mời gọi du khách.

 Xác định “Văn hoá các dân tộc là tài nguyên du lịch nhân văn quan trọng, là hướng đột phá cho phát triển du lịch cộng đồng của tỉnh”. Bên cạnh những độc đáo về thiên nhiên, cảnh sắc, Hoàng Su Phì còn ẩn chứa trong mình một kho tàng văn hoá đặc sắc của các dân tộc thiểu số như Dao, Mông, Nùng, Clao, La Chí. Mỗi dân tộc có tập tục sinh hoạt, lễ hội riêng được tổ chức vào các mùa trong năm như Lễ hội “Gàu Tào” của dân tộc Mông, “Nhảy Lửa” của người Dao, “Lồng Tồng” của dân tộc Tày, “Hội cúng rừng” của người Nùng. Ngoài ra còn các làn điệu dân ca, dân vũ như hát giao duyên, hát cọi, hát si, lượn, then, múa khèn và các trò chơi dân gian như đẩy gậy, đi cà kheo, đánh yến, đánh sảng đã thực sự cuốn hút du khách. 

Tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng 

Việc xây dựng các làng du lịch cộng đồng, chắc chắn sẽ tạo thêm sản phẩm du lịch phong phú, hấp dẫn cho du lịch các huyện phía Tây Hà Giang. Việc xây dựng Làng du lịch cộng đồng đã đem lại sự đổi thay theo hướng tích cực đối với các làng bản, nhận thức của cán bộ và người dân về du lịch nói chung và du lịch cộng đồng từng bước được nâng lên. Người dân đã hiểu được ý nghĩa của việc phát triển du lịch cộng đồng gắn với phát triển kinh tế, ý thức bảo tồn văn hoá, bảo vệ tài nguyên du lịch được hình thành và củng cố. Qua đó nhiều gia đình đã chủ động và tham gia hiệu quả vào các hoạt động phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương như: Cải tạo nhà ở, mua sắm trang thiết bị tối thiểu để phục vụ và đón khách du lịch tham quan, lưu trú...

Xác định du lịch và dịch vụ là lĩnh vực mũi nhọn, Tỉnh đã tạo cơ chế thông thoáng, thu hút đầu tư như: Uu tiên hỗ trợ hạ tầng; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực du lịch. Đồng thời, có chính sách ưu đãi đầu tư, hỗ trợ vay vốn lãi suất thấp để các hộ dân đầu tư phát triển du lịch. Các địa phương đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch, dự án cụ thể hóa các chương trình phát triển du lịch theo điều kiện đặc thù về tài nguyên du lịch của từng vùng. 

Có thể nói, sự phát triển mạnh mẽ của du lịch, trong đó có du lịch cộng đồng tại Hoàng Su Phì và Xín Mần đã góp phần không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh Hà Giang nói chung và cải thiện thu nhập của người dân địa phương nói riêng.