Kinh thành Huế có bao nhiêu cửa thành?

17:14, 30/05/2021

Kinh thành Huế có tổng cộng 10 cửa thành thông ra bên ngoài, 1 cửa thành nội bộ thông với Trấn Bình đài và 2 cửa đường thủy thông nước sông Ngự Hà với sông Kẻ Vạn phía Tây và sông Đông Ba phía Đông.

Các cửa thành được xây dựng và hoàn thiện trong một thời gian dài với các giai đoạn khác nhau. Phần cửa vòm xuyên qua tường thành của các cửa được xây dựng năm 1809 dưới triều vua Gia Long, còn các vọng lâu bên trên được xây dựng trong các năm từ 1824 đến 1831 dưới triều vua Minh Mạng.

Trong số 10 cửa của kinh thành, 8 cửa được đặt tên theo hướng: cửa Chánh Bắc, cửa Tây Bắc, cửa Chánh Tây, cửa Tây Nam, cửa Chánh Nam, cửa Đông Nam, cửa Chánh Đông, cửa Đông Bắc, chỉ có 2 cửa có tên riêng là cửa Quảng Đức và cửa Thể Nhơn ở mặt trước của Kinh thành. Đấy là tên chính thức, còn thực tế hầu như các cửa đều có tên dân gian khác.

Cửa Đông Nam (cửa Thượng Tứ)

Cửa nằm ở góc Đông Nam Kinh Thành. Vòm cửa được xây dựng vào năm 1809 dưới thời Gia Long, vọng lâu xây vào năm 1829 thời Minh Mạng. Sở dĩ cửa có tên gọi là Thượng Tứ vì ngày xưa ở gần bên trong cửa thành này, triều đình đã thiết lập một cơ quan tên là Viện Thượng Tứ, chuyên trông coi việc nuôi ngựa để kéo xe cho vua.

Cửa Thể Nhơn (cửa Ngăn)

 

Cửa Thể Nhơn (cửa Ngăn)

Cửa này có tên thường gọi là cửa Ngăn, nằm phía Nam, bên trái Kỳ Đài của Kinh thành. Vòm cửa được xây dựng năm 1809, vọng lâu bên trên xây năm 1829. Lúc đầu có tên là Thể Nguyên, năm 1829 xây vọng lầu bên trên cửa vòm, vua Minh Mạng sai đổi gọi là Thể Nhân (hoặc Nhơn) song dân gian thường gọi là Cửa Ngăn, vì mỗi khi vua và cung phi đi lối này từ Đại Nội ra Phu Văn Lâu, nhà Lương Tạ để hóng mát hoặc tắm sông thì quân lính ngăn không cho thường dân đi lại.



Cửa Thể Nhơn (cửa Ngăn) ẢNH: NAM HOA

Bên đường phía trong cửa Thể Nhơn có đặt 4 khẩu súng thần công gọi là Tả đại tướng quân, gồm: Xuân, Hạ, Thu, Đông.

Cửa Quảng Đức (cửa Sập)

Cửa nằm ở mặt Nam của Kinh thành. Chữ Quảng Đức từ chữ dinh Quảng Đức - tên cũ của phủ Thừa Thiên.

Mỗi mặt kinh thành có 2 cửa, riêng mặt Nam (mặt trước kinh thành) có 4 cửa: ngoài 2 cửa Chánh Nam và Đông Nam, còn trổ thêm 2 cửa là Quảng Đức và Thể Nhơn, nằm sát hai bên kỳ đài.

Vòm cửa được xây dựng vào năm 1809, vọng lâu năm 1829. Trận lụt năm 1953 đã quét sập đổ hoàn toàn bộ phận vòm cửa và vọng lâu, vì thế dân chúng vẫn quen gọi là cửa Sập. Trong chiến sự năm 1968, cửa bị phá hoại nặng nề, và bị đóng. Năm 1998, cửa được phục chế lại.

Cửa Quảng Đức (cửa Sập) ẢNH: NAM HOA 

Cửa Thể Nhơn, Quảng Đức dành cho vua và hoàng gia ra vào. Mỗi lần vua và hoàng gia ra thành, triều đình cho lính đóng lại, ngăn không cho dân chúng đi qua. Sau khi vua và hoàng gia trở vào trong Đại Nội rồi thì hai cửa bị ngăn ấy mới được mở ra lại để cho dân chúng đi như thường, vì vậy hai cửa này còn được gọi là cửa Ngăn Trên (cửa Quảng Đức) và cửa Ngăn Dưới (cửa Thể Nhơn).

Trận lụt năm 1953 làm sập cửa Ngăn Trên nên từ đó dân chúng gọi là cửa Sập. Và cửa Ngăn Dưới thì được gọi là cửa Ngăn cho gọn như ngày nay. Bên đường phía trong cửa Quảng Đức có đặt 5 khẩu thần công có tên gọi là Hữu đại tướng quân, gổm: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ

Cửa Chánh Nam (cửa Nhà Đồ)
Cửa nằm ở phía Nam Kinh thành, cuối đường Nguyễn Trãi, dân gian vẫn gọi là cửa Nhà Đồ. Vòm cửa được xây dựng năm 1809, vọng lâu bên trên xây năm 1829. Lúc đầu, phía bên ngoài cửa có cục Tượng Ty, hay còn gọi là Đồ Gia, là kho chứa vật dụng, binh khí, dịch nôm na hai chữ Đồ Gia là Nhà Đồ, vì thế cửa Chánh Nam còn có tên gọi là cửa Nhà Đồ.

Cửa Chánh Nam (cửa Nhà Đồ) ẢNH: NAM HOA

Cửa Nhà Đồ bị sụp đổ trong trận lũ năm 1953, sau này mới được phục dựng lại.

Cửa Tây Nam (cửa Hữu)

Cửa nằm ở phía Tây Nam của kinh thành, ở đầu đường Yết Kiêu, còn được gọi là cửa Hữu. Vòm cửa xây vào năm 1809, vọng lâu năm 1829.

Cửa Tây Nam (cửa Hữu) ẢNH: NAM HOA

Đêm 5/7/1885, vua Hàm Nghi đã xuất bôn từ cửa này ra khỏi kinh thành, ra chiến khu ngoài Quảng Trị, ban hịch Cần Vương kháng Pháp. Chiến sự năm 1968 làm cửa Hữu bị sập, sau này mới được phục dựng lại.

Cửa Chánh Tây

Cửa nằm ở phía Tây kinh thành, trên đường Thái Phiên. Vòm cửa được xây dựng vào năm 1809, vọng lâu bên trên xây năm 1829.

Cửa Chánh Tây. ẢNH: NAM HOA

Trong chiến sự năm 1968, nơi đây từng là cửa ngõ giao tranh ác liệt, cửa bị tàn phá hoàn toàn phần vọng lâu phía trên, sau đó bị cấm đi lại. Nay cửa đã được phục hồi.

Cửa Tây Bắc (cửa An Hòa)

Cửa còn có tên là cửa An Hòa nằm ở góc Tây Bắc của kinh thành, nối từ đường Nguyễn Trãi ra thẳng đường Tăng Bạt Hổ.

Cửa Tây Bắc (cửa An Hòa) ẢNH: NAM HOA

Vòm cửa được xây dựng năm 1809, vọng lâu xây năm 1831. Người dân Huế gọi là cửa An Hòa vì trước mặt cửa thành này là làng An Hòa và chợ An Hòa.

Cửa Chánh Bắc (cửa Hậu)

Cửa này gọi là Cửa Hậu, vì nó tọa lạc tại mặt sau của kinh thành, nằm cuối đường Đinh Tiên Hoàng, nhìn ra đường Tăng Bạt Hổ. Vòm cửa được xây dựng năm 1809, vọng lâu được xây dựng vào năm 1831.

Cửa Chánh Bắc (cửa Hậu) ẢNH: NAM HOA

Sau khi thực dân Pháp chiếm kinh thành Huế (1885), cửa Chánh Bắc và cửa Đông Bắc (cửa Kẻ Trài) bị đóng kín để lập đồn Mang Cá.