Lễ cầu mưa của người Lô Lô ở Bảo Lạc

16:01, 25/05/2021

Với những nghi thức đặc sắc, độc đáo, lễ cầu mưa được người Lô Lô ở Bảo Lạc (Cao Bằng) lưu truyền từ đời này sang đời khác, không chỉ mang tính chất là một sự kiện tín ngưỡng mà còn là dịp để mọi người gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ vui buồn trong đời sống và trở thành nét văn hóa truyền thống giàu bản sắc của dân tộc.

Người Lô Lô ở Cao Bằng canh tác nông nghiệp chủ yếu dựa vào thiên nhiên và với quan niệm “vạn vật hữu linh”, họ tin rằng mọi hoạt động trong đời sống hằng ngày đều do một lực lượng siêu nhiên chi phối, đó là các vị thần linh. Một trong các vị thần đó là thần mưa. Do đó, các nghi lễ đến nay vẫn được người Lô Lô lưu giữ, trong đó có lễ cầu mưa.

Nghệ nhân Lý Văn Dung, dân tộc Lô Lô, xóm Khau Trang, xã Hồng Trị rất am hiểu văn hóa truyền thống của dân tộc Lô Lô và là thầy cúng đã trực tiếp tham gia thực hành lễ cầu mưa, cho biết: Việc tổ chức cầu mưa không thể tùy tiện, không phải năm nào cũng làm lễ mà chỉ vào những năm thời tiết khắc nghiệt, khô hạn kéo dài, người dân trong vùng mới tập trung lại mời người đứng ra làm lễ (trưởng xóm hoặc người cao tuổi có uy tín trong cộng đồng).

Lễ cầu mưa được tổ chức vào các ngày lẻ trong tháng 3 âm lịch. Để làm lễ cầu mưa, người Lô Lô tìm đến nhà thầy cúng xem ngày lành để tổ chức và mời thầy cúng về làm lễ cầu mưa. Sau khi thầy cúng chọn được ngày giờ đẹp sẽ báo để mọi người chuẩn bị.

Để nghi lễ diễn ra suôn sẻ, trưởng xóm, các vị cao niên họp bàn với người dân trong bản về công tác chuẩn bị. Mỗi người, mỗi nhà đóng góp mua lễ vật, thực hiện các công việc được giao như: phát quang bãi đất trống làm lễ; phụ giúp thầy cúng trong quá trình làm lễ; phụ nữ đảm nhiệm công việc nấu nướng sau thời gian tổ chức lễ...

Ngày diễn ra lễ cầu mưa, người dân gác lại việc nương rẫy, tập trung đến nơi tổ chức lễ. Nơi thực hiện lễ cầu mưa thường là bãi đất rộng, cao, thoáng đãng ngay cạnh nương rẫy. Đồ tế lễ gồm: chó, gà (còn sống), 4 chén rượu, 4 chén nước, bánh kẹo, hoa quả, giấy bản… Nhạc cụ không thể thiếu trong lễ cầu mưa là trống đồng và nhị.

Lễ cầu mưa của người Lô Lô gồm 2 phần là phần lễ và phần hội. Phần lễ là những nghi lễ do thầy cúng tiến hành dưới sự tham gia hỗ trợ và chứng kiến của người dân tại nơi làm lễ. Thầy cúng khấn bằng tiếng Lô Lô với nội dung đại ý rằng: Hôm nay ngày lành tháng tốt, bà con xóm, bản làm lễ dâng lên thần với rất nhiều lễ vật.

Mong các vị thần hãy cho mưa xuống để người dân gieo hạt, trồng cây, cho suối chảy cá lội, cây rừng đâm chồi nảy lộc, bà con trồng lúa lúa tốt, trồng bầu bầu leo, nuôi lợn lợn béo, vịt gà đầy sân, thóc gạo đầy bồ… mùa màng tốt tươi, làng bản no ấm. Sau khi khấn xong thầy cúng sẽ đốt giấy bản ở bốn góc bàn, vảy rượu ra bốn phương tạ ơn trời đất.

Phần hội diễn ra sau khi các nghi lễ hoàn thành, dân bản quây quần cùng nhau uống rượu, chế biến đồ ăn từ mâm lễ vừa dâng cùng nhau ăn uống. Các cô gái, chàng trai Lô Lô xinh đẹp trong bộ trang phục truyền thống múa các điệu múa đặc sắc, hát vang những khúc hát dân ca đằm thắm. Các bà, các mẹ cùng nhau trò chuyện, chia sẻ những điều trong cuộc sống, lao động sản xuất.

Với mỗi người dân trong xóm, bản dịp tổ chức lễ cầu mưa luôn là ngày được mong chờ để gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ và tăng thêm tình đoàn kết cộng đồng. Bà Chi Thị Hà, dân tộc Lô Lô, 72 tuổi, xã Kim Cúc (Bảo Lạc) chia sẻ: Lễ cầu là để cầu mong cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt bội thu nên chúng tôi đều háo hức mong chờ đến ngày này. Đây là tín ngưỡng trong đời sống tâm linh, gắn kết tình cộng đồng và chia sẻ những điều tốt đẹp trong cuộc sống của người Lô Lô.

Quy mô không lớn, các nghi lễ cũng không cầu kỳ nhưng lễ cầu mưa của người Lô Lô ở Bảo Lạc luôn được tiến hành chu đáo, tôn nghiêm, mang đậm bản sắc văn hóa rất riêng. Qua buổi lễ cho thấy quan niệm thế giới tâm linh, mối quan hệ xã hội, cộng đồng, làng xóm gắn kết của người Lô Lô. Lễ cầu mưa của người Lô Lô là hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng ẩn chứa những giá trị văn hóa, lịch sử cần được bảo tồn và phát huy.