Văn hóa Lào bên dòng sông Sêrêpốk

15:07, 19/05/2021

Tính cách hồn nhiên, sôi nổi và đặc biệt thích ca hát, nhảy múa, người Việt gốc Lào tại xã biên giới Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk sống bình dị, chan hòa và giao thoa văn hóa với các dân tộc anh em bên dòng sông chảy ngược Sêrêpốk. Cứ đến mùa lễ hội truyền thống của người Lào, trai gái, người già, trẻ nhỏ cùng say sưa vũ điệu lăm vông.

Buôn Đôn được biết đến là vùng đất huyền thoại với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, văn hóa đa dạng. Đây cũng chính là xứ sở voi với những câu chuyện huyền bí, những nghi lễ, tập tục liên quan đến voi như cúng voi nhập buôn, cúng sức khỏe cho voi, đám cưới voi…

Cứ đến tháng 4, mùa lễ hội Bunpimay, bà con người Việt gốc Lào khoác lên mình bộ trang phục truyền thống đi dự hội. Những thiếu nữ Lào tươi trẻ, búi tóc trên đầu cài bông hoa chăm pa trắng tuyết, uyển chuyển với điệu lăm vông theo tiếng nhạc. Đối với người Lào, các lễ hội hay ngày vui trong gia tộc, cộng đồng đều không thể thiếu điệu múa lăm vông. Vũ điệu lăm vông của người Lào không chỉ là sinh hoạt văn hóa, nét đẹp thẩm mỹ mà còn thể hiện sự đoàn kết giữa các dân tộc và thắt chặt tình hữu nghị hai nước Việt-Lào.

Buộc chỉ đỏ vào cổ tay trong ngày Tết truyền thống Bunpimay của người Lào

Theo tiếng Lào “lăm” là hát, “vông” là tròn, múa lăm vông là hát múa theo hình tròn. Vì vậy, múa lăm vông phải có cả một đội xếp theo hình vòng tròn, chuyển động theo tiếng nhạc. Với dân tộc Lào, lăm vông như cơm ăn, nước uống mà ai cũng biết từ lúc mới lên 3 lên 5.

Lớn lên trên mảnh đất huyền thoại này, hòa mình trong cuộc sống dung dị, gần gũi với cộng đồng các dân tộc tại chỗ, rồi lấy chồng dân tộc Ê Đê, bà H’On Kẹo Lào, ở buôn Trí B, xã Krông Na không chỉ thấm nhuần văn hóa truyền thống của dân tộc bản địa mà còn hiểu sâu sắc những nét đẹp văn hóa Lào để giao lưu và truyền cho con cái sau này. Bà H’On Kẹo Lào chia sẻ: Múa lăm vông không thể thiếu trong đời sống của dân tộc Lào. Không chỉ lễ hội, điệu múa gắn liền với sinh hoạt đời thường nên ở buôn này, người già, trẻ nhỏ ai cũng biết.

Đối với dân tộc Lào, dù sinh sống ở đâu thì phong tục, tập quán sinh hoạt cũng giống nhau, đặc biệt là điệu múa lăm vông. Ông Bun May Lào ở buôn Trí A cho biết: Đàn ông Lào thường ít khi múa, nhưng trong các dịp biểu diễn văn nghệ, họ vẫn tham gia lăm vông góp vui cùng chị em. Người già, trẻ nhỏ dân tộc Lào ở Buôn Đôn múa lăm vông như một thói quen, chỉ cần nghe tiếng nhạc là nhịp nhàng xoay vũ điệu.

Lễ hoa đăng thả bè cầu may trên sông Sêrêpốk

Thắm tình đoàn kết

Những người già nơi đây kể rằng, cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19, một số người Lào ngược dòng Sêrêpôk đến buôn bán, trao đổi hàng hóa với người dân ở Buôn Đôn. Thấy vùng đất phong cảnh hữu tình, người dân mến khách, họ quyết định ở lại đây sinh sống. Từ một vài người, đến nay, người Lào ở Buôn Đôn có khoảng 220 nhân khẩu.

Ông Kẹo Pha Lung nhớ lại, ngày xưa ông thường mang hàng hóa đến vùng đất Buôn Đôn giao thương vào những ngày đầu năm mới. Mỗi lần đến buôn làng nghe tiếng chiêng và điệu múa của sơn nữ nơi đây khiến ông mê mẩn. Ông quyết tâm ở lại lập nghiệp rồi nên duyên với cô gái M’nông. Thế hệ con cháu của ông mang hai dòng máu Việt - Lào được sinh ra và lớn trưởng trên mảnh đất huyền thoại này.

“Ở đây, chuyện người Ê Đê lấy người Lào, người Lào lấy người M’Nông không còn là chuyện hiếm. Vì thế mà ở Buôn Đôn bây giờ có hẳn cả thế hệ mang hai dòng máu Việt - Lào”, ông Kẹo Pha Lung chia sẻ.

Người Lào sinh sống chan hòa, giao thoa văn hóa với các dân tộc bản địa, đồng thời duy trì nhiều hoạt động văn hóa nhằm bảo tồn bản sắc văn hóa của dân tộc. Trong đó, lễ hội Bunpimay hay còn gọi tết cổ truyền của người Lào vẫn được Hội Hữu nghị Việt-Lào, chính quyền địa phương và Nhân dân tổ chức thường niên. Qua đó, không chỉ là dịp giao lưu văn hóa, mà còn thể hiện tinh thần đoàn kết các dân tộc, thắt chặt tình hữu nghị Việt - Lào.