Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch vừa công nhận nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Mông Hoa ở Bắc Hà là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Đây là 1 trong 4 di sản của tỉnh Lào Cai vừa được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, gồm: Lễ hội đua ngựa Bắc Hà; nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Mông Hoa huyện Bắc Hà; nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Nùng Dín huyện Mường Khương; nghề làm tranh thờ của người Dao Đỏ thị xã Sa Pa.
Ở tỉnh Lào Cai, đồng bào Mông Hoa có dân số đông nhất trong cộng đồng dân tộc Mông nói riêng, các DTTS của tỉnh nói chung. Đồng bào Mông sống tập trung ở các xã vùng cao của các huyện, song đông nhất và chiếm đông dân số chủ yếu là 3 huyện Bắc Hà, Si Ma Cai và huyện Mường Khương. Đây là cộng đồng dân tộc có truyền thống văn hoá đậm đà bản sắc, nổi bật là trang phục và nghệ thuật trang trí, tạo hình trên các trang phục thổ cẩm của phụ nữ Mông Hoa Bắc Hà vẫn giữ gìn được khá nguyên vẹn.
Phụ nữ Mông Hoa trong trang phục thổ cẩm nổi bật chợ phiên (Ảnh TL)
Nghệ thuật tạo hình dân gian của người Mông Hoa thể hiện rõ nét trên trang phục và đồ dùng sinh hoạt. Song trang trí y phục có vị trí quan trọng nhất, đặc biệt là trang trí trên váy, áo trang phục thổ cẩm của phụ nữ. Trang phục cổ truyền của phụ nữ Mông Hoa gồm khăn, áo, váy, tấm vải che phía dưới trước váy, thắt lưng, xà cạp...
Áo của phụ nữ Mông hoa thường xẻ nách, cổ cao, trên vai và ngực có nẹp thêm vải màu thêu, in hoa văn hình xoắn ốc. Thắt lưng là miếng vải rộng khoảng 7 - 8 cm và dài 80 - 120 cm, đoạn giữa thắt lưng được thêu các hoa văn, màu đẹp, quấn ngang bụng, tôn thêm vẻ đẹp của người phụ nữ Mông. Khăn của phụ nữ Mông hoa có hai loại, đó là loại hình chữ nhật khổ 65 x 40cm thêu hoa văn trùm lên đầu, một loại khăn vành rộng quấn quanh đầu. Họa tiết hoa văn trên nền trang phục Mông hoa chủ yếu là các hoa văn hình học và mang tính chất ước lệ. Đó là những đường ngang, viền đậm dài hoặc gẫy góc, tạo ra các khối hình vuông, chữ nhật, hình thoi… Trên trang phục của người Mông hoa ở Bắc Hà, màu đỏ đóng vai trò chủ đạo. Màu này phối hợp màu vàng, trắng nhằm đối chọi với nền chàm tạo nên sắc màu rực rỡ.
Những sản phẩm thổ cẩm của người Mông Hoa Bắc Hà được bày bán tại chợ phiên
Với sự cần cù và trí tưởng tượng phong phú, người phụ nữ Mông đã tạo nên những tác phẩm nghệ thuật làm say đắm lòng người, tạo ấn tượng sâu sắc cho khách du lịch đến khám phá nét đẹp văn hóa bản làng, thăm chợ phiên vùng cao Bắc Hà…
Đồng bào Mông Hoa tại chợ phiên Bắc Hà (Ảnh TL)