Trà tiên trên đỉnh Kolia

Lã Thị Thông 11:12, 08/01/2023

Trong chuyến thực tế sáng tác tại tỉnh Cao Bằng gần đây, đoàn văn nghệ sĩ Thái Nguyên chọn Khu du lịch sinh thái Kolia (xóm Phja Đén -xã Thành Công, huyện Nguyên Bình) làm điểm dừng chân cuối cùng cho chuyến đi. Cảm giác hồi hộp khám phá nơi lần đầu đến theo chúng tôi qua những cung đường uốn lượn trong sương mờ, tứ bề đồi núi trập trùng.

Ảnh tư liệu.
Ảnh tư liệu.

Kolia nằm trong địa bàn xóm Phja Đén (núi Đèn), nơi có những cánh rừng nguyên sinh đặc trưng của tiểu vùng khí hậu cận nhiệt đới, quanh năm sương mù bảng lảng, mùa Đông tuyết phủ một màu trắng bạc kỳ ảo, cây cối tốt tươi và thảm thực vật phong phú.

Hình ảnh đầu tiên khiến chúng tôi tò mò là ấm trà đỏ tươi với dòng chữ Kolia biểu tượng của Khu sinh thái nổi bật giữa miền rừng trong xanh. Len lỏi trên con đường nhỏ lên đồi chè rộng lớn, tôi say sưa ngắm vùng chè hữu cơ như tấm thảm xanh. Khung cảnh càng thêm thơ mộng khi những cây đào trổ hoa đỏ chót giữa mênh mông xanh của chè.

Hít thật sâu tận hưởng không khí trong lành với mùi thơm thoang thoảng của lá chè, tôi bỗng thèm uống một tách trà. Quay lại khu nhà tiếp đón, tôi được các em phục vụ mời thưởng thức chén Hồng trà - một trong những sản phẩm trà Kolia. Vị trà không đậm chát, thoang thoảng hương thơm dịu nhẹ nhưng dư vị thanh khiết thì lưu mãi trong cổ họng.

Câu chuyện vui bên ấm trà thơm, mọi người nói với tôi rằng trà của Kolia là đặc sản Cao Bằng. Trà nổi tiếng ngon là bởi được “ấp iu” sương nắng ở vùng đất trời hòa hợp. Họ tự hào nhắc đến ông Hoàng Mạnh Ngọc, Giám đốc Công ty TNHH Kolia cùng các cộng sự đã lên nơi rừng thiêng nước độc này trồng chè từ năm 2010. Những ngày đầu mọi người phải đi “cõng” nước suối cách 7km về, tự làm đường, vỡ hoang đất, kéo đường dây điện 3 pha lên núi...

Năm 2012, Khu nghỉ dưỡng sinh thái trên đỉnh đèo hoàn thành, đặt tên là Kolia, theo tên nữ kỹ sư người Pháp trước đây từng lên khai phá vùng đất này. Đến nay, Công ty đã tạo nên một mô hình sản xuất và du lịch sinh thái khép kín, có đủ lương thực, thực phẩm an toàn, đặc biệt, sự hiện diện của cây chè như “người bạn tri kỷ” với người dân nơi đây.

Men theo hương chè bay bay trong không gian, tôi rảo bước sang xưởng chế biến chè của Công ty. Hà Thanh Hải - công nhân Xưởng chế biến, vui vẻ mở cổng đón tôi. Những búp chè xanh được thợ làm chè đổ ra những chiếc nong tre lớn đang phơi héo ngay trước sân xưởng tỏa thơm dịu nhẹ trong nắng núi. Vừa cần mẫn “đảo nong”, Hải xởi lởi nói:

- Để làm ra sản phẩm Trà Tiên phải trải qua nhiều công đoạn lắm cô ạ. Chỉ sơ sẩy một chi tiết nhỏ là có thể hỏng luôn cả mẻ trà.

Tò mò tôi hỏi sao lại phơi chè, Hải giải thích:

- Đây là một trong những công đoạn "lên hương" cho chè, đồng thời kích hoạt quá trình lên men vừa phải. Các búp chè này sẽ lên nong ở khu xưởng chè, tiếp tục là các công đoạn như quay hương trong lồng, diệt men, vò chè, đánh khô…

Hải cho biết thêm, để tạo ra được sản phẩm trà tinh tế, các thợ chè phải tuân thủ kỹ thuật chế biến khắt khe, công phu, đồng thời phải có mắt nhìn, mũi ngửi, cảm nhận hương vị của búp chè. Tùy theo cảm quan, kinh nghiệm của con người mà quyết định thời điểm hái, thời gian phơi, vò, ủ, sao…

Bên bàn trà đơn sơ, tôi bị cuốn theo những tâm sự và sẻ chia tâm huyết của người thợ trà. Hải cho biết, hiện Công ty đã phát triển được vùng đồi 20ha và đang trồng 10 loại chè theo tiêu chuẩn Organic Quốc tế. Các chuyên gia Đài Loan - nơi có vùng chè nổi tiếng thế giới - thường xuyên sang thẩm định chất lượng, tư vấn kỹ thuật. Họ đánh giá chất lượng trà ở Phja Đén hảo hạng không thua kém gì trà được trồng trên các vùng núi cao của Đài Loan và bao tiêu sản phẩm, nhập thẳng về tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc.

Với sản lượng 7 tấn búp trà khô/năm, mô hình sản xuất chè trên đỉnh núi còn thu hút du khách đến tham quan, kết hợp với trải nghiệm du lịch sinh thái, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho Công ty, tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.