Khoảng cách giữa hai lần chúng tôi ghé thăm và lưu lại vịnh Lăng Cô, một địa danh nổi tiếng về nhiều mặt, nằm ngay dưới chân đèo Hải Vân, là 45 năm.
Tác giả trở lại sân ga Lăng Cô. |
Lần thứ nhất - tìm hiểu về người anh hùng có biệt danh “Vua mìn Hải Vân”
Chiến tranh chống Mỹ thắng lợi, đường sắt Thống Nhất được nối lại, hồi phục sau ngót 30 năm đứt gẫy, chia cắt. Việc nối lại ấy được phản ánh đậm nét trên báo chí, trong đó việc hàn gắn lại đoạn đường sắt qua đèo Hải Vân là một kỳ tích. Trong đậm đặc những tấm gương anh hùng chống Mỹ, “Vua mìn đèo Hải Vân” - Anh hùng lực lượng vũ trang (LLVT) Trịnh Tố Tâm là câu chuyện như huyền thoại, gây sự chú ý rộng lớn, thậm chí thành một phong trào tìm hiểu, học tập. Đó là lý do thôi thúc cánh ký giả trẻ như chúng tôi tìm đến chiến trường xưa, nơi anh Tâm và đồng đội mưu trí đánh giặc suốt nhiều năm.
…45 năm trước, tôi khoác ba lô đi tầu khách Thống Nhất, rồi xuống tàu tại ga Lăng Cô, nằm ngay dưới chân phía Bắc đèo Hải Vân. Hồi ấy, tầu khách đầu máy hơi nước chạy ỳ ạch 2 ngày mới từ ga Hà Nội vào đến đây. Với tôi cũng là những bước chân đầu tiên đi trên đất miền Nam nên bồi hồi xúc động. Mới giải phóng được vài năm, trong những mặt hàng bán dạo cho hành khách đi tầu Thống Nhất có các loại thuốc lá điếu rất lạ tai: Cáp-tăng, Sa-mít, Mo-re, Ru-bi…
Duy chỉ có cua, ghẹ được ngư dân đánh bắt từ biển Lăng Cô giầu có thì vừa ngon lại vừa rẻ. Một đồng (Hà Nội lúc ấy 3 hào một bát phở bò cỡ bự) có thể mua được một rổ nghẹ, nửa rổ sò luộc chấm muối tiêu. Ngư dân Lăng Cô cũng đánh bắt được nhiều con sá sùng giàu đạm, bán khắp mọi nơi để cho vào nồi nước lèo hủ tiếu hay phở…
Rồi chúng tôi leo bộ lên đèo Hải Vân, con đèo có nhiều tên gọi khác: Ải Vân, Đèo Mây, đoạn cuối của dãy Trường Sơn đâm ngang ra biển có tên riêng là Bạch Mã, lên và xuống tới 25 cây số. Phía Bắc vào bắt đầu từ Lăng Cô, phía Nam ra bắt đầu từ Liên Chiểu… Cứ nơi mỏm đá, góc rừng, khe suối hiểm trở nào ở đây mà bộ đội giải phóng ta từng chặn giặc mà đánh, hoặc là những trận then chốt, có bia ghi nhớ là chúng tôi tìm mọi cách “mò đến” để lấy cảm xúc viết phóng sự. Cũng có lúc chuyện xưa, chuyện nay với người tuần đường tầu, người quản lý, cứu hộ trên đèo.
Câu ca xưa “Đi bộ thì khiếp Hải Vân/Đi thuyền thì sợ sóng thần hang Dơi” là tôi ghi được trên di tích Hải Vân Quan nơi đỉnh đèo, được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 7 (1826), nằm trên địa phận thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên Huế) và phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu (TP. Đà Nẵng), cách trung tâm TP. Huế khoảng 90km về phía Nam, trung tâm TP. Đà Nẵng khoảng 28km về phía Bắc… Cơ quan quân sự địa phương, bà con ngư dân Lăng Cô hầu như ai cũng biết “Vua mìn đèo Hải Vân” Trịnh Tố Tâm với chiến công 53 lần nhận danh hiệu dũng sĩ diệt Mỹ.
Chuyện kể rằng, anh Trịnh Tố Tâm sinh năm 1945 ở xã Đồng Tân, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông (cũ), trong một gia đình có 4 người con. Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ vào giai đoạn ác liệt nhất, Trịnh Tố Tâm đã tình nguyện lên đường nhập ngũ và chiến đấu anh dũng tại Mặt trận Trị Thiên - Huế, chủ yếu đèo Hải Vân. Từ năm 1967 đến 1970, anh đã tham gia và chỉ huy đơn vị chiến đấu 58 trận, tiêu diệt 1.500 địch, trong đó có 700 lính Mỹ, phá hủy gần 100 xe quân sự cũng như đánh sập hàng chục cầu, cống trên tuyến đèo Hải Vân, ngăn chặn có hiệu quả các cuộc chuyển quân của kẻ thù.
Trong những trận chiến đấu đó, cá nhân đồng chí Trịnh Tố Tâm đã diệt được hơn 270 tên địch (trong đó có 185 lính Mỹ), bắn rơi và phá hủy 3 máy bay, nhiều xe quân sự của địch. Với những thành tích trong chiến đấu, đồng chí Trịnh Tố Tâm có 53 lần được tặng danh hiệu dũng sĩ, được đồng đội phong là “Vua mìn đèo Hải Vân”, còn kẻ địch đã treo giải thưởng lớn cho ai bắt được “Con hùm xám đèo Hải Vân - Trịnh Tố Tâm”. Năm 1971, đồng chí Trịnh Tố Tâm được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân khi vừa bước sang tuổi 27…
Vịnh Lăng Cô. |
Lần thứ hai - chứng kiến Lăng Cô khởi sắc
Nguyễn Hữu Hải, có bằng kỹ sư cầu đường nhưng sinh nhai bằng nghề chạy xe Graps, kiêm hướng dẫn viên du lịch của Thị trấn Lăng Cô, theo hẹn chạy xe lên Hải Vân Quan trên đỉnh đèo Hải Vân đón chúng tôi trở lại Thị trấn Lăng Cô, tỏ ra rất thành thạo về khu vực này.
Anh kể: Thị trấn Lăng Cô nhìn từ đỉnh đèo xuống vô cùng sầm uất, dân cư đông đúc. Vịnh Lăng Cô ngày nắng, đứng trên đèo Hải Vân thấy biếc một mầu xanh tuyệt đẹp, chiều dài bám bờ có đến hơn 10 cây số, thuộc địa phận thị trấn Lăng Cô, cạnh Quốc lộ 1A, gần đèo Hải Vân. Vịnh Lăng Cô gây ấn tượng cho mỗi người bởi cái nhìn đầu tiên với vẻ đẹp thơ mộng, êm đềm. Vịnh và Thị trấn Lăng Cô như một nàng tiên xinh đẹp đầu gối lên đèo, đôi chân trần uốn lượn quanh bờ vịnh, nơi vòng eo tạo ra đầm Lập An, nhưng lại ngủ quên quá lâu, lần trước chúng tôi đến nàng tiên vẫn ngủ say.
Kỹ sư Hữu Hải bảo nàng tiên thức giấc từ những năm đất nước đổi mới, đến năm 2009, vịnh biển này đã được vinh danh nằm trong top 30 vịnh biển đẹp nhất trên hành tinh. Nước biển của Vịnh Lăng Cô trong xanh, bờ cát trắng trải dài, nhiệt độ trung bình 25 độ C. Vịnh Lăng Cô vốn là một làng chài mà theo cách giải thích của kỹ sư Nguyễn Hữu Hải thì làng này có nhiều cò về đậu nên gọi là Làng Cò, sau đó người dân phát âm chệch, người nước ngoài phát âm lơ lớ mà thành Lăng Cô.
Ẩm thực ở đây chủ yếu là hản sản. Hải sản tươi ngon, chủng loại phong phú và quan trọng là giá cả phải chăng như ghẹ, tôm, mực, vẹm, sò, hầu, tu hài và sá sùng. Đặc biệt, là các loại cá hương vị thơm ngon, có giá trị dinh dưỡng cao. Thêm nữa ở Lăng Cô vốn có các món đặc sản địa phương nổi danh như bánh canh chả cá, bún riêu cua càng bóc vỏ, mắm sò…
Những chuyến tầu qua ga Lăng Cô. |
Thời đổi mới, du lịch phát triển, rất nhiều khu nghỉ dưỡng, nhà hàng, quán ăn nổi tiếng mọc lên phục vụ khách qua lại, thưởng thức: Nhà hàng Bé Đen ở dốc đèo Hải Vân, Quán Bé Phượng, Thiên Lý, Bé Thịnh, Quán ăn Anh Phi nằm ở trên đường Nguyễn Văn Đạt, khu hầm Hải Vân… Thiên phú cho Lăng Cô một sự hài hòa, trọn vẹn. Một phần của vịnh vẫn thuộc huyện Phú Lộc, bên đèo Phú Gia, Quốc lộ 1A là đầm Lập An rộng đến cả nghìn héc-ta tạo nên bức tranh sơn thủy hữu tình, trong đầm nước lại có nguồn thủy sản vô cùng đặc sắc.
Tỉnh Thừa Thiên Huế đang tích cực xây dựng Khu kinh tế nằm trên bãi biển Chân Mây, Cảng nước sâu Chân Mây. Do đổi mới và phát triển, Thị trấn Lăng Cô hôm nay đã có hơn 13.000 cư dân sinh sống, đang từng ngày khai thác thế mạnh thiên phú trên diện tích 105 cây số vuông.
Bà Vũ Thu Hiền, ngư dân có chín đời làm ăn ở Lăng Cô, chia sẻ: Kháng chiến cơ cực chúng tôi cũng lo giúp cách mạng, bây giờ làm ăn và làm giàu chúng tôi phải gắng hơn. Còn chúng tôi, sau ngót nửa thế kỷ trở lại mảnh đất thời nào cũng dũng cảm này vẫn thấy trào dâng một niềm vui được viết, được giới thiệu…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin