Làng cổ Đường Lâm không chỉ biết đến là “đất hai Vua”, là nơi sinh ra những vị hiền tài kiệt xuất, nơi chứa đựng các giá trị văn hóa tiêu biểu của nông thôn vùng đồng bằng Bắc Bộ mà Đường Lâm còn là địa danh có văn hóa ẩm thực đặc sắc.
Sen được sáng tạo trong văn hóa ẩm thực của Làng cổ Đường Lâm (Hà Nội). Ảnh: TTXVN phát |
Nếp sinh hoạt của người dân hàng nghìn năm qua cùng với sự thích ứng trong cuộc sống mới đã tạo nên một văn hóa ẩm thực vừa dân dã, đậm chất truyền thống nhưng cũng rất tinh tế, phù hợp với thị hiếu hiện nay. Ẩm thực Làng cổ Đường Lâm đang trở thành một sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách.
Độc đáo ẩm thực làng cổ
Sau hành trình rảo bước tham quan làng cổ, ngắm nhìn cổng làng với bóng đa già rợp mát, những ngôi nhà mái ngói rêu phong, mái đình trầm tư đầy hoài niệm, du khách thường dừng chân ở chợ quê ngay đầu thôn Mông Phụ để trải nghiệm, tìm hiểu hoạt động chợ quê, thưởng thức những món quà dân dã. Từ bánh chè lam, kẹo lạc, bánh gai, bánh tẻ, bánh nếp… đều khiến du khách thích thú. Người bán hàng luôn cởi mở, thân thiện, mời du khách nếm thử các món quà quê với nụ cười hiền hậu.
Nổi tiếng hơn cả là cỗ Đường Lâm với nhiều món ăn mang đặc trưng riêng mà không nhiều nơi có được. Nó không chỉ là khẩu vị đơn thuần của người dân mà nó kết tụ văn hóa từ nhiều đời nay của người làng cổ. Cũng vẫn là món thịt gà nhưng thịt từ con gà Mía, là loại gà nổi tiếng thơm ngon của Đường Lâm, đã tạo nên sự khác biệt. Thịt gà Mía phải sử dụng khi thịt hấp đã nguội mới thấm được vị ngọt, thơm, mềm của thịt gà. Thịt quay đòn phải quay tới 6 tiếng mới tạo ra miếng thịt có bì giòn tan, vàng ruộm và hương vị đậm đà. Quy trình lựa chọn, chế biến thịt khá công phu, đòi hỏi nghệ nhân có kinh nghiệm và phương pháp gia truyền, chất lượng mới đảm bảo. Đường Lâm có khoảng 4 - 5 hộ sản xuất thịt quay đòn, trong đó gia đình ông Kiều Văn Lương, thôn Đông Sàng nổi tiếng với việc sản xuất món ăn này. Bên cạnh đó, chả nướng xiên lỗ, nem rán, đậu phụ rán ở đây không quá ngấy mà mang tới hương vị nhẹ nhàng, dễ thưởng thức. Bên cạnh đó, những món gỏi rau, canh thập cẩm... cũng hấp dẫn không kém bởi sự thanh mát, hợp khẩu vị.
Cỗ sen, một sản phẩm du lịch hấp dẫn tại Làng cổ Đường Lâm (Hà Nội). Ảnh: TTXVN phát |
Anh Hoàng Trung Nghĩa, du khách đến từ xã An Hồng, huyện An Dương (Hải Phòng) cho biết, thông thường du khách khi đến tham quan tại một địa danh nào đó, họ muốn thưởng thức ẩm thực và mua đồ về làm quà. Đường Lâm không chỉ có cảnh quan, kiến trúc, văn hóa hấp dẫn mà ẩm thực ở đây rất phong phú và ngon. Đó cũng là nét văn hóa mà Đường Lâm tạo nên sự khác biệt với nhiều nơi khác.
Gần đây, tận dùng lợi thế nguyên liệu của làng quê, người dân Làng cổ Đường Lâm đã sáng tạo ra những món ăn hấp dẫn, thanh tao - đó là cỗ sen. Các món ăn trong mâm cỗ sen đều được sử dụng từ cây hoa sen, có thể là nguyên liệu chế biến trực tiếp hoặc sử dụng để cuốn, bọc món ăn. Một mâm cỗ sen tới gần 10 món, trong đó có những món độc đáo như: Cánh hoa sen chiên, nem sen, súp sen gà, củ sen hầm... Thời điểm này đang là mùa sen nên việc chế biến cỗ sen đang trở nên thuận lợi và cỗ sen đang được rất nhiều khách ưa thích.
Hấp dẫn một sản phẩm du lịch
Khi khách du lịch đến Làng cổ Đường Lâm ngày càng đông, nhu cầu trải nghiệm, thưởng thức ẩm thực làng cổ ngày càng nhiều. Tận dụng lợi thế khuôn viên rộng, không gian nhà cổ, sân vườn đẹp, rất nhiều hộ gia đình đã tổ chức dịch vụ thưởng thức ẩm thực ngay tại nhà, thu hút đông đảo du khách. Trong đó, gia đình ông Nguyễn Văn Hùng, thôn Mông Phụ là một trong những địa điểm quen thuộc đối với khách du lịch. Khu vực ăn uống được bài trí giản dị, hài hòa với nhà cổ; các món ăn truyền thống được chế biến hợp khẩu vị; gia chủ thân thiện nên địa chỉ này luôn thu hút đông khách ghé thăm. Bên cạnh đó, nhà ông Hà Hữu Thể, bà Hà Thị Điền, ông Hà Nguyên Huyến... cũng tổ chức tốt dịch vụ homestay, bán đặc sản địa phương phục vụ khách tham quan.
Thời gian qua, Ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm phối hợp cùng các tổ chức, các phòng ban chuyên môn của thị xã Sơn Tây tích cực quảng bá sản phẩm, tổ chức các hoạt động trải nghiệm. Khách không chỉ đến thưởng thức mà còn muốn tìm hiểu quá trình làm ra sản phẩm, từ việc chọn nguyên liệu, dụng cụ chế biến, đồ gói, pha chế... Nhiều tour du lịch được hình thành từ nhu cầu này, khách được tham gia làm bánh kẹo, chế biến món ăn dưới sự hướng dẫn của người dân. Đó là tour du lịch bố trí cho các em học sinh tham gia thu hoạch nông sản, mang về các nhà hàng trong làng để chế biến và thưởng thức. Tour du lịch dành cho khách, nhất là khách quốc tế đi chợ Mía sáng sớm, mua thực phẩm về chế biến món ăn.
Ẩm thực Làng cổ Đường Lâm (Hà Nội) vừa tinh tế, vừa đậm chất truyền thống. Ảnh: TTXVN phát |
Bà con Làng cổ Đường Lâm còn được hướng dẫn sản xuất bánh kẹo, tổ chức các hoạt động văn hóa, các hội chợ, hội thi quảng bá sản phẩm, hỗ trợ kinh phí mua sắm thiết bị, thiết kế bao bì... để phát triển các sản phẩm ẩm thực truyền thống. Thời gian qua, một số hoạt động ý nghĩa đã diễn ra như: Cuộc thi trình diễn mâm cơm chất lượng; cuộc thi phụ nữ Đường Lâm sáng tạo các phụ kiện sản phẩm du lịch, thi mâm cỗ mùa thu. Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin thị xã Sơn Tây còn cho biết, các sản phẩm ẩm thực Làng cổ Đường Lâm còn nhận được sự giúp đỡ, tư vấn rất nhiều của các đơn vị, doanh nghiệp lữ hành để sản phẩm du lịch ẩm thực ngày một hoàn chỉnh hơn.
Để đưa ẩm thực Đường Lâm trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách, Ban Quản lý Làng cổ Đường Lâm đang khuyến khích các hộ gia đình, các cơ sở dịch vụ du lịch sáng tạo ra nhiều sản phẩm ẩm thực mới lạ. Trưởng ban Quản lý Làng cổ Đường Lâm Nguyễn Đăng Thạo cho hay, Ban Quản lý khuyến khích các gia đình, cơ sở dịch vụ du lịch xây dựng sản phẩm trải nghiệm, ẩm thực khác nhau, mang đặc trưng của làng cổ để tạo dựng thương hiệu du lịch cho Đường Lâm. Các sản phẩm ẩm thực không chỉ đảm bảo về an toàn thực phẩm mà phải có chất lượng tốt, hình thức đẹp, mang đậm hương vị truyền thống của làng. Có như vậy, ẩm thực Đường Lâm mới ghi được dấu ấn với du khách, để khách không chỉ đến một lần mà có thể trở lại làng cổ nhiều lần.
Mỗi năm Làng cổ Đường Lâm đón khoảng 13 - 14 vạn khách (thời điểm trước dịch COVID-19) và có khả năng còn tăng hơn khi du lịch đang phục hồi, người dân làng cổ đang tích cực đa dạng hóa sản phẩm, chất lượng dịch vụ, tăng cường quảng bá hình ảnh. Ẩm thực Đường Lâm cũng đang có nhiều cơ hội để đến gần hơn với du khách, giới thiệu nét văn hóa đặc trưng đến đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin