Ẩm thực Banjarmasin có thể không nổi tiếng bằng các nền ẩm thực địa phương khác ở Indonesia, nhưng điều đó không có nghĩa rằng những món ăn khác của họ thiếu tính đa dạng hay công phu.
Với vị thế là một thương cảng lớn trong khu vực, Banjarmasin tiếp nhận ảnh hưởng của các nền ẩm thực gần xa như Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan, Myanmar, Hà Lan...
Món soto banjar. |
Ketupat là một loại bánh bột gạo hình tam giác gói trong lá cây thốt nốt. Ketupat vốn được người Java nghĩ ra, sau đó lan truyền ra khắp các vùng ở Indonesia. Loại ketupat đặc trưng của Banjarmasin được gọi là ketupat kandangan và chỉ xuất hiện trong dịp lễ Ramadan. Thứ ketupat này đặc biệt ở chỗ có nhân là cá hồi hoặc cá lóc đồng và được nấu trong nước dừa. Cái tanh của cá bị nước dừa “đánh tan”, chỉ để lại một vị umami cuốn hút. Tín đồ Hồi giáo nhịn ăn cả ngày mà được cắn miếng bánh ketupat kandangan kể ra cũng đáng.
Trong nghệ thuật ẩm thực Banjarmasin có đến 41 loại bánh được làm cho từng dịp lễ khác nhau. Được ưa thích nhất luôn là những chiếc bánh kue bingka. Mỗi miếng bánh kue bingka có vị ngọt sắc vì trong bánh gồm đường, trứng, khoai tây, bí đỏ và sữa dừa. Một chút lá dứa thơm thêm màu và mùi cho bánh. Bánh kue bingka thường được đóng thành hình bông hoa trước khi đem nướng. Nhờ mùi thơm tỏa ra từ lò nướng, du khách có thể biết ngay đó là cửa hàng bán bánh kue bingka.
Ở Banjarmasin còn có kue bingka barandam, nhưng nó không phải là một thứ bánh kue bingka. Kue bingka barandam bản chất là bánh custard (món bánh có lớp vỏ bông xốp, nhân kem mềm, béo ngậy) hương vani, khi ăn rưới nước xốt làm từ đường thốt nốt lên trên bánh.
Thưởng thức kue bingka barandam cùng một ly nước mía là món quà vặt hoàn hảo cho những buổi chiều mùa hè nắng nóng đến kiệt sức. Nhiều hàng quán vỉa hè còn bán kuebingka barandam cùng với klepon buntut, một loại kẹo dẻo nặn từ đường thốt nốt rồi lăn với cùi dừa thái vụn để khỏi dính tay.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin