Được đi nhiều nơi, thưởng thức nhiều món ăn của đồng bào DTTS, nhưng tôi vẫn ấn tượng mãi với món cải khô muối ống lồ ô của người Gié Triêng ở thôn Nông Nội, xã Đắk Nông (huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum). Món ăn đã trở thành sản phẩm OCOP cấp tỉnh hạng 3 sao, do HTX Y Tuân sản xuất.
Các thành viên nhồi cải vào ống lồ ô để muối |
Mang hương vị núi rừng
Khi tôi đến, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Y Tuân cùng 4 thành viên khác đang tất bật chuẩn bị mẻ dưa cải muối lồ ô mới để kịp đóng gói bán ra thị trường. Đon đả đón khách, các thành viên trong HTX vội tháo chiếc bao tay ni lông để trao tôi cái bắt tay đầy thân mật. Chị Y Tuân hóm hỉnh cười: “Làm gì thì làm, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm phải đặt lên hàng đầu, đặc biệt với những món ăn làm bằng tay như thế này. Khác với ngày xưa, ngày nay có loại bao tay nylon rất tiện lợi, giá bán phải chăng nên chúng tôi sử dụng cho hợp vệ sinh”.
Giới thiệu về món ăn, chị Y Tuân tự hào chia sẻ, cải khô muối ống lồ ô là món ăn truyền thống của cha ông bao đời nay, gắn bó với người dân trong những bữa cơm gia đình đầm ấm cũng như các bữa tiệc, lễ hội của người Gié Triêng. Từ khi còn bé, chị được ông bà, bố mẹ hướng dẫn cách làm những mẻ cải khô muối trong ống lồ ô. Theo đó, cách chế biến món cải khô được chị giữ gìn cho đến tận ngày nay. Món cải khô muối thường được gia đình được nấu với cá suối, chuột đồng.
Các ống lồ ô sau khi được nhồi chặt cứng cải sẽ được đặt trút miệng ống xuống để nước thoát ra ngoài |
Món cải khô muối do chị Y Tuân giới thiệu khác xa so với những gì tôi hình dung. Mới nhìn vào, khó nhận diện được đây là lá cải, càng không giống món cải muối chua bày bán ngoài chợ thường được mua về để kho với thịt heo. Bởi cải khô muối ống lồ ô trông như trà khô, màu nâu sẫm với từng sợi xoăn nhỏ.
Trông thì đơn giản, nhưng để có được món cải khô muối chuẩn màu, chuẩn mùi, những người “thợ” phải dày công chuẩn bị, tỉ mỉ trong từng công đoạn. Chị Y Tuân cho biết, không phải người Gié Triêng nào cũng có thể tự tay làm được món cải khô muối lồ ô, bởi để những cây cải xanh mơn mởn thành từng chùm sợi cải khô nâu sẫm ấy buộc người làm phải có kinh nghiệm dày dặn, được mài dũa theo năm tháng.
Từ thuở xa xưa, khi công nghệ chưa xuất hiện nhiều trong cuộc sống thì những thứ có sẵn trong tự nhiên được con người tận dụng để làm ra những món ăn mang đậm hương vị núi rừng, và cải khô muối ống lồ ô là một trong những món ăn ấy. Nguyên liệu chính để thực hiện món cải khô muối đó chính là cải cay được chăm sóc từ đôi tay cần mẫn của người Giẻ Triêng cùng những ống lồ ô to với đốt mắt dài để thuận tiện trong việc muối cải.
Để có một mẻ cải khô muối ống lồ ô đúng vị, người thợ phải trải qua 4 công đoạn quan trọng. Từ việc trồng và chọn những lá cải sạch đem phơi một nắng trên những chiếc nia tre để hấp thụ khí trời. Rồi đem những chiếc nia cải đã phơi một nắng để trong nhà kín hơn một ngày, sau đó mới cho cải vào những ống lồ ô để 2 ngày nữa. Trong 2 ngày đấy, cải trong ống lồ ô tự tiết ra chất làm chín cải. Sau đó, người “thợ’ chẻ đôi ống lồ ô, lấy từng lọn cải có mùi hơi ngai ngái, chua chua mùi men ra, thái sợi nhỏ, rồi đem phơi ngoài nắng đến khi cải khô.
Cải được phơi một nắng trong lồng màn để đảm bảo vệ sinh |
Đưa sản phẩm vươn xa
Trong những ngày đầu năm mới, bên cạnh niềm vui một mùa màng bội thu thì các thành viên trong HTX Y Tuân còn vui mừng khi sản phẩm cải khô muối ống lồ ô được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh hạng 3 sao vào tháng 1/2022.
Để đạt được kết quả trên là sự nỗ lực của cả tập thể bởi HTX chỉ mới thành lập vào tháng 7/2021 với 5 thành viên. Bên cạnh đó, là sự động viên, quan tâm của chính quyền địa phương muốn phát triển món ăn dân dã của người Gié Triêng trở thành sản phẩm phổ biến trên thị trường, được mọi người biết đến.
Ông Xiêng Thanh Thiên, Bí thư Đảng ủy xã Đắk Nông cho hay: Việc phát triển món cải khô muối ống lồ ô trở thành sản phẩm OCOP như một cái “duyên”. Trong một lần làm việc tại xã, có lãnh đạo tỉnh và huyện cùng tham dự, chúng tôi đã chuẩn bị bữa cơm thân mật và trong đó có món cải muối khô kho cá suối. Sau khi dùng thử, mọi người đều khen cải khô muối ngon vì có vị lạ lạ và động viên xã phát triển món này thành sản phẩm đặc trưng của địa phương. Và để đạt được điều này, suốt nhiều tháng qua, xã đã quan tâm sâu sát từng công đoạn, tạo điều kiện, hỗ trợ để HTX Y Tuân phát triển thành sản phẩm OCOP.
Để đưa sản phẩm vươn xa, HTX Y Tuân đã thiết kế mô hình phơi cải ngoài trời trong lồng màn để tránh sự tác động của côn trùng. Trong nhà kín, HTX xây dựng các khu kệ gác ống lồ ô, để nia tre hay khu vực bồn rửa… đều được xây dựng rất sạch sẽ.
Không những thế, khâu đóng gói cho sản phẩm cải khô muối cũng được đầu tư kỹ lưỡng, từ bao bì đóng gói có mẫu mã bắt mắt đến tem truy xuất nguồn gốc được dán trên bao bì.
Sau khi cải muối được thái nhỏ và phơi khô sẽ được đóng gói vào bao bì |
Từ lúc thành lập HTX, nhiều chị em dân tộc Gié Triêng trong thôn có thêm thu nhập từ việc trồng cải sạch. Chị Y Tuân cho biết, để có 1kg cải muối khô phải cần 28 kg cải tươi. Số lượng người đặt hàng ngày càng nhiều, trung bình mỗi tháng, một thành viên trong HTX đưa ra thị trường khoảng 3 kg cải khô (tương ứng khoảng gần 1 tạ cải tươi), thu về hơn 2 triệu đồng.
“1 kg cải khô có giá bán là 800.000 đồng. Trong gia đình, 1 kg cải khô muối có thể để nấu ăn được rất nhiều lần. Chúng tôi mong rằng, trong thời gian tới, món cải khô muối ống lồ ô của Hợp tác xã sẽ được nhiều người biết đến, để mọi người được thưởng thức món ăn đặc trưng của núi rừng, mang đậm nét văn hóa của dân tộc Gié Triêng”, chị Y Tuân hy vọng.
Sau buổi làm việc, trưa hôm ấy, tôi cảm thấy mình thật may mắn khi được các chị em trong HTX mời thưởng thức món ăn độc đáo của người Gié Triêng - món cải khô muối xào với thịt heo. Và kể từ đó, món ẩm thực độc đáo này của người Gié Triêng vẫn còn đọng mãi trong ký ức tôi.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin