Đặc sản ẩm thực ở vùng cao Quảng Bình

Theo Baodantoc.vn 10:33, 25/06/2024

Ẩm thực là một nét văn hóa đặc sắc của mỗi quốc gia, mỗi vùng miền, dân tộc. Tại mỗi vùng đất, người dân luôn có những sáng tạo trong chế biến để tạo ra những món ăn mang hương vị riêng. Hiện nay, khi du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái ngày càng phát triển, thì văn hóa ẩm thực chính là yếu tố quan trọng, tạo nên sức hấp dẫn, thành công cho du lịch tại các địa phương. Báo Dân tộc và Phát triển giới thiệu một số món đặc sản ẩm thực của đồng bào DTTS vùng cao Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình.

Cơm bồi của người Chứt

Cơm bồi là món ăn đặc sản của người Chứt ở huyện Minh Hóa. Món ăn này đã đi vào ca dao truyền miệng từ xưa của đồng bào: “Trời mưa nước chảy quanh hồi/Anh không lấy vợ, ai giã bồi cho anh ăn”.

 
Nguyên liệu dùng để chế biến cơm bồi có thể là ngô hạt hoặc gạo. Ngô hạt được người Chứt ngâm vào nước khoảng 2 - 3 tiếng đồng hồ rồi vớt ra để ráo, cho vào cối giã nhỏ. Bột ngô sau khi trộn với một ít nước lã thì được nhồi kỹ, đánh tơi ra rồi cho lên nghè hông (chõ đồ) đun nhỏ lửa khoảng 1 giờ đồng hồ. Khi cơm bồi chín, người Chứt sẽ xới vào khuôn đóng thành miếng cơm bồi để mang đi xa ăn. Còn nếu ăn ngay thì đổ ra rá.

Đối với món cơm bồi được làm từ gạo thì đồng bào vo gạo với nước nóng, các công đoạn khác cũng làm giống như với bột ngô. Nếu có thêm sắn củ tươi thì rửa sạch, bóc vỏ, giã ra, ép bớt nước rồi trộn với bột ngô, bột gạo nhồi kỹ, sau đó cho vào chõ đồ chín thành món cơm bồi. Người Chứt ở Minh Hóa thường ăn cơm bồi với món ốc bắt ở suối và cà lào ở rừng, khoai lang nấu canh cá.

Cua đá

Cua đá người dân địa phương còn gọi là khé, sống ở trong các khe suối núi đá. Vào mùa Hè, lúc nhá nhem tối đến gần sáng là thời điểm cua bắt đầu bò từ núi đá ra các khe suối. Khi đó, bà con rủ nhau đi bắt cua.

 

Chế biến cua đá không cần cầu kỳ nhiều gia vị mà chỉ cần hấp, luộc, nướng với sả hay nấu canh với lá sắn rừng. Cua suối khi nấu chín có màu vàng hồng xen lẫn màu cánh gián, có mùi thơm đặc trưng. Cua được bày lên đĩa ăn nóng chấm với muối trắng kèm theo ớt. Không chỉ đẹp mắt mà món cua đá rất chắc thịt, vị thơm đậm đà.

Cá mát nướng

Cá mát là một món ăn đặc sản của đồng bào Khùa, Mày (nhóm địa phương thuộc dân tộc Bru Vân Kiều) trên thượng nguồn sông Gianh. Trong các dịp lễ long trọng hay đón khách quý, trong mâm cơm của người Khùa, Mày nhất định phải có món cá mát đánh bắt ở các khe suối.

 

Người Khùa, Mày thường đánh bắt cá mát vào ban đêm. Công cụ để đánh bắt cá mát phổ biến là lưới bén. Cá mát được đồng bào chế biến thành nhiều món ăn như kho, rán, nấu canh chua…, nhưng ngon nhất vẫn là nướng trên than hồng. Khi chế biến cá mát để nướng, người Khùa không bỏ ruột vì ruột cá mát rất lành, ăn có vị đắng ngọt ở đầu lưỡi.

Món cá mát nướng thơm nức, béo ngậy, rất ít xương. Bẻ từng miếng cá mát nướng cho vào miệng, từ từ nhai mới cảm nhận hết sự thơm ngon, béo… đến tận miếng cuối cùng. Chỉ cần ăn một lần, thực khách sẽ nhớ mãi không quên hương vị thơm ngon của loại cá này.

Ốc đực

Ốc đực ở Minh Hóa có rất nhiều, chúng thường sống ở các khe suối có nguồn nước trong, sạch. Người dân địa phương thường bắt ốc về để chế biến thành nhiều món ăn khác nhau, nhưng món phổ biến nhất là ốc luộc. 

 

Ốc đực luộc chín chấm với muối lá chanh, muối ớt. Khi ăn thì khều bởi gai bưởi, vị ốc rất thơm ngon. Nước luộc ốc có thể nấu canh rau khoai hay các món canh chua khác, ăn rất đậm đà, ngon miệng trong mùa nắng nóng.

Ngoài ra, ốc đực còn được chế biến thành món ốc chiên, nước ốc chấm với bánh tráng (bánh đa) khiến thực khách ăn một lần sẽ nhớ mãi.

Canh trứng kiến nấu lá bún

Canh kiến được chế biến từ trứng của loài kiến đen, kiến vàng làm tổ trên những cây cao. Đây là món ăn độc đáo chỉ có ở Minh Hóa vào mùa Xuân, vì nguyên liệu cây bún mọc trong rừng chỉ ra lá vào mùa Xuân. Người dân Minh Hóa lấy trứng kiến về đãi sạch và nấu với lá cây bún.

 
Để có món canh kiến nấu bún chua, phải có một công đoạn hết sức công phu là ủ chua lá bún. Lá bún non được thái sợi mịn rồi bỏ vào chum sành, thêm ít muối hạt, đường mơ, đổ thêm nước ấm khoảng 15oC vào và đậy kín lại, sau đó đặt cạnh bếp lửa chừng 3 ngày. Khi chum lá bún vần quanh bếp đã chuyển từ màu xanh sang màu vàng mơ và dậy mùi thơm thì lấy ra nấu với trứng kiến. Nồi canh trứng kiến nấu bún có vị béo ngậy của trứng kiến, vị chua thanh của lá bún, ăn rất ngon, lạ miệng.

Ăn trứng kiến phải thật thư thả, thong dong. Người ăn cứ nhấm nháp từng chút một mới thấm thía vị ngậy, chua thanh, mang hương vị của núi rừng.

Ngày nay, món trứng kiến nấu lá bún của đồng bào vùng cao Minh Hóa trở thành đặc sản níu giữ chân du khách thập phương vào dịp lễ hội Rằm tháng 3 hằng năm.