Hơn 10 năm trước, hai xã Hang Kia và Pà Cò (huyện Mai Châu) từng là những “điểm nóng” về tội phạm ma túy và an ninh trật tự tại tỉnh Hòa Bình. Sau khi các “điểm nóng” này bị dẹp bỏ, đời sống của người dân nơi đây ngày càng ổn định và phát triển.
Được thiên nhiên ban tặng vẻ đẹp hoang sơ với những nét duyên dáng đặc trưng của vùng núi Tây Bắc cùng nhiều tiềm năng du lịch khác, Hang Kia đang dần được biết đến như một điểm đến thú vị với những du khách ưa trải nghiệm, khám phá...
Hấp dẫn Tết của người Mông
Thung lũng Hang Kia là một phần thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Hang Kia - Pà Cò, nằm ở phía Bắc của huyện Mai Châu. Được tạo thành bởi hai dãy núi lớn là Xà Lĩnh và Lương Xa có độ cao trung bình 800 - 900m so với mực nước biển, thung lũng Hang Kia là nơi tập trung sinh sống của đồng bào Mông (chiếm hơn 90% dân số). Nơi đây còn nhiều hạn chế về cơ sở hạ tầng, việc đi lại khó khăn do đường nhỏ hẹp khiến đời sống kinh tế - xã hội của đồng bào nơi đây chưa phát triển. Nhưng đó cũng là điều kiện thuận lợi để người dân nơi đây bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống trước sự phát triển nhanh chóng của xã hội hiện đại.
Đến với Hang Kia đúng dịp Tết của người Mông (thường diễn ra trước Tết Nguyên đán của người Kinh 1 tháng, từ mùng 1 đến ngày 30 tháng Chạp hằng năm), du khách không khỏi bất ngờ trước không khí xuân ấm áp, rộn ràng nơi đây. Dọc con đường vào xã dài hàng cây số là những vườn mận hoa trắng muốt xen lẫn vườn đào cổ trước mỗi gia đình khiến cả khung cảnh sáng bừng sắc xuân. Hai bên đường, những chàng trai, cô gái Mông diện những bộ trang phục truyền thống rực rỡ sắc màu, đeo trang sức bằng bạc vui vẻ đi chơi Tết. Chẳng biết do sắc màu của những chiếc áo, váy thổ cẩm hay bởi tiết xuân rạo rực sức sống mà đôi má những thiếu nữ Mông cứ hây hây ửng hồng.
Trước sân nhà, dưới tán cây đào cổ thụ xòe rộng đang nở hoa rực rỡ, chàng trai Giàng A La, 26 tuổi, ở xóm Thung Mài say sưa kể về những phong tục của đồng bào mình trong dịp Tết: “Người Mông thường bắt đầu tháng Tết bằng việc dọn dẹp nhà cửa từ trước đó cả tháng để xua đi những điều xấu của năm cũ và đón năm mới với những điều tốt đẹp. Sau khi dọn dẹp nhà cửa, chúng tôi làm sạch những nông cụ sản xuất rồi đặt cạnh bàn thờ. Người Mông quan niệm, bất cứ đồ vật nào cũng có linh hồn, vì thế, chúng tôi sẽ dán lên đó những miếng giấy vẽ các biểu tượng mang ý nghĩa xua đuổi tà ma, cầu mong điều tốt đẹp, mùa màng bội thu trong năm mới. Sau đó, các gia đình sẽ giã bánh giầy bằng loại nếp nương ngon nhất. Đây là món ăn không thể thiếu của người Mông trong những ngày Tết và là món quà ý nghĩa dành tặng người thân, bạn bè nhằm thể hiện niềm mong cầu về sự đủ đầy, sung túc”.
Trong suốt tháng Tết, người Mông làm việc rất ít. Họ chủ yếu đi chơi Tết. Đàn ông mời nhau những chén rượu được nấu, ủ từ chính những bắp ngô được trồng trên nương rẫy nhà mình. Phụ nữ thường quây quần thành từng tốp trước hiên nhà hoặc quanh bếp lửa, vừa chuyện trò rôm rả vừa thoăn thoắt thêu thùa. Trẻ con, nam thanh nữ tú thì hào hứng với các trò chơi dân gian như ném pao, đánh cù, đánh tu lu, đánh lồng gà, hát đối giao duyên. Xuân đến, Tết về cũng là dịp để các chàng trai, cô gái đến tuổi cập kê tìm hiểu, sau đó, hai bên gia đình sẽ bàn chuyện cưới hỏi. Mùa xuân, vì thế, luôn là mùa của sự sinh sôi, mùa bắt đầu của sự sống...
Khơi dậy tiềm năng du lịch
Mặc dù còn khó khăn, hạn chế về cơ sở hạ tầng, đường giao thông nhưng Hang Kia ngày càng được nhiều du khách biết đến nhờ phong cảnh hoang sơ, bản sắc văn hóa truyền thống được bảo tồn nguyên vẹn và đặc biệt là những điểm “săn” mây hay tour trekking (leo núi) vô cùng hấp dẫn. Ông Hà A Lau, Chủ tịch UBND xã Hang Kia cho biết, với những tiềm năng sẵn có, địa phương đã và đang đồng hành cùng người dân để phát triển mô hình du lịch cộng đồng, hướng dẫn họ kỹ năng đón khách, phục vụ ẩm thực hay cải tạo vườn nhà, trồng hoa, tạo điểm check-in, điểm “săn” mây nhằm đa dạng hóa trải nghiệm cho du khách.
“Chúng tôi đã xây dựng một chuyên đề phát triển du lịch tại Hang Kia nhằm đưa nơi đây trở thành một điểm du lịch hấp dẫn qua đó giúp người dân có thêm sinh kế bền vững, ổn định cuộc sống và góp phần phát triển kinh tế - xã hội”, ông Hà A Lau nói.
Chia sẻ về cơ hội phát triển du lịch tại Hang Kia, CEO Công ty Đi Đi Adventure Nguyễn Đăng Kiên cho biết: “Nhận thấy vẻ đẹp và những thế mạnh nổi trội của Hang Kia, công ty chúng tôi đã hỗ trợ một số hộ dân làm du lịch cộng đồng để đưa khách đến. Sau những trải nghiệm thú vị và ấn tượng đặc biệt về dịp Tết của người Mông, đa phần du khách đều mong có dịp trở lại. Đó chính là cơ hội để Hang Kia phát triển và định danh trên bản đồ du lịch của cả nước trong thời gian tới”.
Mùa xuân đã về trên thung lũng Hang Kia, với dấu hiệu khởi sắc sau một thời gian dài ngủ yên...