Hà Nội hiện có hơn 20.000ha cây ăn quả các loại, trong đó có 14.000ha chuyên canh hiệu quả cao. Ngoài khai thác giá trị nông sản theo mùa vụ, thành phố sẽ tập trung phát triển du lịch sinh thái trải nghiệm gắn với các vùng cây ăn quả, qua đó nâng cao thu nhập cho nông dân Thủ đô.
Vườn nho hạ đen tại xã An Thượng (huyện Hoài Đức) thu hút khách du lịch dịp cuối tuần. Ảnh: Tuấn Anh |
Mùa quả chín hút khách
Đến vùng bãi ven Đáy thuộc xã Hiệp Thuận (huyện Phúc Thọ), bên cạnh khu du lịch sinh thái Phúc Thọ Hoa Bay với nhiều điểm tham quan hấp dẫn thì việc đơn vị này kết hợp với các hộ dân trồng cây ăn quả trong vùng để tổ chức tham quan, trải nghiệm đang tạo ấn tượng với nhiều du khách.
Tương tự, tại vùng chuyển đổi đa canh của thôn Lưu Xá (xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên), vào bất kỳ mùa nào trong năm, các trang trại cây ăn quả nơi đây đều thu hút du khách bởi không khí trong lành. Các khu trang trại có hồ điều hòa, kênh rạch, bãi cỏ tự nhiên và nhất là những vườn bưởi với thời gian thu hoạch từ tháng Tám âm lịch đến Tết Nguyên đán. Cả một vùng với hàng chục héc ta bưởi được trồng theo hàng thẳng tắp, quả sai lúc lỉu khiến khách tham quan tấm tắc khen đẹp không kém các miệt vườn cây trái nổi tiếng của cả nước...
Bà Đặng Thị Minh, chủ vườn cây ăn quả hơn 10 năm tuổi tại thôn Lưu Xá (xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên), chia sẻ: "Khi trồng bưởi, gia đình chỉ nghĩ đơn giản là trồng theo hàng, tạo lối đi để thuận lợi chăm sóc, thu hoạch; khi trồng chọn nhiều giống và phân khu rõ ràng nhằm rải vụ. Nhưng nhờ đó, khi vào mùa quả chín, du khách đến thăm vô cùng thích thú. Dù chưa được đầu tư hay tập huấn về phát triển mô hình nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái trải nghiệm nhưng “tiếng lành đồn xa”, với sự "tiếp sức" của mạng xã hội, nên nhiều người biết tới tham quan, chụp ảnh. “Miệt vườn Lưu Xá” được hình thành rất tự nhiên như thế".
Chị Nguyễn Diệu Linh ở quận Long Biên, đến “Miệt vườn Lưu Xá” tham quan, nói: "Tôi cùng các con đến đây thông qua giới thiệu từ một người bạn. Quả thật, không gian rộng rãi, không khí trong lành, rất thích hợp để các bạn nhỏ vui chơi, trải nghiệm thực tế quá trình trồng trọt, chăn nuôi của nông dân. Đối với các con nhỏ thì nơi đây trở thành thiên đường chụp ảnh với những vườn cây trĩu quả và thảnh thơi thưởng thức trái cây ngọt thơm".
Với nhiều người, việc trải nghiệm mùa quả chín ở khu vực ngoại thành thực sự rất thú vị bởi cự ly gần, di chuyển từ trung tâm nội đô trong khoảng 30-40 phút là có thể được "ngụp lặn" trong những vườn cây trĩu quả. Nhiều người nhận định, các khu trang trại cây ăn quả lâu năm của Hà Nội chính là "mảnh đất vàng" để phát triển loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn. Thực tế, các trang trại, gia trại ở ngoại thành Hà Nội mới chỉ manh nha ý tưởng làm du lịch nông nghiệp, chưa xây dựng được các tour, tuyến, chương trình tham quan cụ thể, chưa thu vé nhưng đã và đang thu hút nhiều người tìm đến trải nghiệm.
Đánh thức tiềm năng
Trước tiềm năng của các vùng cây ăn quả chất lượng cao có thể phát triển du lịch sinh thái trải nghiệm, anh Đặng Văn Trang, một trong những người làm nông nghiệp ở thôn Lưu Xá (xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên) chia sẻ: "Việc phát triển du lịch sinh thái trải nghiệm là cách tốt nhất để nông dân bán nông sản chất lượng cao ngay tại vườn với giá phù hợp mà không phụ thuộc thương lái. Tuy nhiên, hiện nay, hạ tầng giao thông quanh khu trang trại và nội bộ nhiều trang trại chủ yếu vẫn là đường đất, đi lại khá bất tiện. Với lợi thế về chất lượng nông sản tốt, canh tác theo phương pháp hữu cơ cùng cảnh quan đẹp, nếu nông dân được các cơ quan chức năng hỗ trợ về phát triển nông nghiệp gắn với du lịch trải nghiệm thì sẽ yên tâm sản xuất và đầu tư bài bản hơn".
Còn Trưởng phòng Kinh tế huyện Phú Xuyên Lê Tiến Xuân nhận định: "Mặc dù bước đầu tạo được ấn tượng khá tốt, song hoạt động du lịch trải nghiệm ở các vùng cây ăn quả của Hà Nội đa phần là tự phát, quy mô nhỏ lẻ, sản phẩm còn đơn điệu, chưa được đầu tư quy mô tương xứng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch thiếu đồng bộ. Quan trọng nhất là chưa có "nhạc trưởng" kết nối và tập hợp, liên kết để tạo thành sản phẩm độc đáo đồng thời quảng bá tối đa, hiệu quả sản phẩm đó".
Để đánh thức tiềm năng du lịch nông nghiệp trải nghiệm ở các vùng cây ăn quả lớn phát triển xứng tầm, theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội Nguyễn Mạnh Thản, các địa phương cần có quy hoạch, kế hoạch phát triển phù hợp thế mạnh để thu hút đầu tư. Đặc biệt, cần có chính sách hỗ trợ khu vực nông thôn có ưu thế để phát triển du lịch, trong đó, ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo cảnh quan sạch đẹp, môi trường trong lành; giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống. Mặt khác, cần tăng cường xúc tiến, quảng bá, liên kết phát triển du lịch, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho hoạt động du lịch nông thôn khi vào mùa quả chín. Ngoài ra, để phát triển du lịch nông nghiệp thì không thể thiếu được vai trò của doanh nghiệp lữ hành - "mắt xích" quan trọng giúp du lịch nông nghiệp có sức hút cao nhất.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin