Phát triển bền vững du lịch biển đảo

Theo Báo Nhân dân 14:44, 14/12/2022

Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam - Việt Nam Internatinal Travel Mart (VITM) năm 2022 với chủ đề “Du lịch biển, đảo - Thế mạnh của Du lịch Việt Nam” vừa diễn ra tại Đà Nẵng. Lần đầu nhiều vấn đề cấp thiết được đặt ra để tăng tính liên kết, tìm ra các giải pháp phù hợp nhằm thúc đẩy du lịch biển đảo. 

 
Du lịch và dịch vụ biển được xác định là ngành kinh tế biển đến năm 2030 phát triển thành công và đột phá theo thứ tự ưu tiên hàng đầu (theo Nghị quyết 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương ngày 22/10/2018 về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045”).
 
Theo các chuyên gia, du lịch biển Việt Nam trong thời gian qua phát triển nhanh, trở thành một trong những loại hình du lịch phát triển mạnh nhất, góp phần nâng tầm thương hiệu du lịch nước nhà trên thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Các nhà đầu tư chú trọng lợi nhuận ngắn hạn do sức ép tài chính; nguồn lực đầu tư cho môi trường thấp; phân vùng chưa hợp lý ở nhiều quy mô, cấp độ…

Thời gian lưu trú của khách du lịch còn thấp, tính mùa vụ cao, thiếu sản phẩm du lịch đặc trưng; kết cấu hạ tầng du lịch, nhất là hệ thống cảng tàu du lịch vừa thiếu vừa yếu; môi trường biển có sự suy thoái nhưng công tác bảo tồn, tôn tạo và bảo vệ tài nguyên của hoạt động du lịch biển đảo còn nhiều bất cập.

Bảo vệ môi trường là một trong những yếu tố mà các chuyên gia, nhà lãnh đạo, các doanh nghiệp đặc biệt lưu ý đối với các địa phương, các nhà đầu tư khi khai thác, sử dụng tài nguyên du lịch biển đảo.

Đây cũng được xem là các yếu tố quan trọng bởi nếu ồ ạt khai thác tài nguyên, phá vỡ kết cấu tự nhiên của biển, đảo, sẽ gây nên hậu quả lớn. Các địa phương cần có chiến lược xây dựng sản phẩm mới để hút khách đến và tăng thời gian lưu trú, trải nghiệm, chủ động khai thác khách tàu biển.

Ngành du lịch Việt Nam trong đó có du lịch biển vừa mới tạm phục hồi sau đại dịch. Tiềm năng về du lịch biển đảo thì đã rõ, nhưng để biến các tiềm năng đó trở thành động lực phát triển, thì vẫn còn không ít khó khăn.

Kinh tế biển là thế mạnh nhưng cần bảo đảm nhiệm vụ then chốt, cốt lõi là phát triển phải gắn với mục tiêu bảo đảm an ninh-quốc phòng, đặt trong mối quan hệ phát triển tổng thể chung kinh tế-xã hội.

Bên cạnh đó, du lịch biển đảo cần đẩy mạnh du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, đẳng cấp quốc tế; gắn với bảo vệ môi trường, phát huy giá trị văn hóa truyền thống; tổ chức không gian phân vùng sử dụng phù hợp, tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng, chú trọng bảo vệ môi trường, bảo tồn, tôn tạo tài nguyên, đưa người dân vào lộ trình phát triển kinh tế biển, hướng đến thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh, bền vững.

Các địa phương đã và đang thực hiện liên kết vùng, liên kết khu vực, liên kết sản phẩm đặc trưng, nhưng để khơi dậy tiềm năng của du lịch biển, cần có các giải pháp đồng bộ, trọng tâm, gắn với các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, trong đó chú trọng lợi thế vùng…