Thành phố Hồ Chí Minh sở hữu tiềm năng to lớn về vận tải hành khách kết hợp du lịch đường thủy nhưng chưa thể khai thác hết do tồn tại nhiều hạn chế, vướng mắc. Thành phố quyết tâm hoàn thiện các điều kiện để khai thác tốt lĩnh vực này thời gian tới.
Thành phố Hồ Chí Minh tập trung phát triển vận tải và du lịch đường thủy nội địa. |
Theo Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh, thành phố có 101 tuyến đường thủy với tổng chiều dài hơn 950km nên có nhiều thuận lợi để phát triển du lịch đường thủy. Các tuyến này nằm ngay trung tâm thành phố, thuận lợi cho các tàu khách có thể vào ngay trung tâm tại khu vực Cảng Nhà Rồng - Khánh Hội, bến Bạch Đằng. Thành phố cũng có nhiều lợi thế với các tuyến sông chính chảy qua như: Sài Gòn, Đồng Nai, Lòng Tàu và Soài Rạp…, tạo ra mạng lưới đường thủy liên kết với các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang... Do đó, thành phố Hồ Chí Minh vừa có thể khai thác giao thông vận tải, lại vừa phát triển nhiều loại hình du lịch đường thủy nội địa.
Thế nhưng, theo Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh Bùi Hòa An, việc phát triển giao thông và du lịch đường thủy vẫn còn nhiều khó khăn, như quỹ đất dùng để đầu tư xây dựng cảng, bến, dịch vụ hậu cần kỹ thuật phục vụ vận tải hành khách còn hạn chế; chưa có cơ chế về giao, cho thuê đất để đầu tư xây dựng bến thủy nội địa phục vụ phát triển vận tải hành khách, du lịch... Bên cạnh đó, đa phần tĩnh không cầu trên địa bàn thành phố hiện rất thấp, không bảo đảm cho hoạt động tàu thuyền, trong khi thành phố gặp khó khăn về ngân sách để phát triển đường thủy.
Trưởng phòng Quy hoạch phát triển tài nguyên du lịch (Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh) Nguyễn Thị Thanh Thảo cũng chỉ rõ, trong 11 tháng của năm 2022, thành phố đón 3,1 triệu lượt khách quốc tế và 27,9 triệu lượt khách nội địa; tuy nhiên, khách đi bằng đường thủy chỉ có gần 343.000 lượt, chiếm 1,14% tổng khách du lịch.
Là du khách, chị Vũ Mộng Vân (quận Bình Thạnh) chia sẻ: “Tuyến du lịch đường sông thực sự là trải nghiệm thú vị với gia đình tôi. Thế nhưng, chỉ đi một lần cho biết bởi các dịch vụ ăn uống, vui chơi thiếu, còn hạ tầng lẫn phương tiện công cộng kết nối bộc lộ nhiều hạn chế, chưa tạo sức hút cho người dân và du khách”.
Để đường thủy phát triển xứng tầm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Anh Tuấn, Trung tâm Nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức (Trường Đại học Việt Đức) cho rằng, thành phố Hồ Chí Minh cần nghiên cứu quy hoạch tổng thể, tháo gỡ nhiều vướng mắc như quy hoạch bến thủy, tạo cơ chế thu hút đầu tư. Trước hết phải khảo sát đánh giá thị trường dựa trên nhu cầu người dân, tình hình thực tế…, từ đó, có thể mở đường ven sông, mở phố đi bộ dọc sông, đường riêng cho xe đạp để kết nối với buýt đường sông và tạo không gian công cộng cho người dân, du khách thưởng thức.
Về phía doanh nghiệp, Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Xanh DP (GreenlinesDP) Trần Song Hải kiến nghị cơ quan chức năng thành phố Hồ Chí Minh cần sớm hoàn thiện các quy định về cho thuê đất hành lang sông, rạch để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư bến bãi, được khai thác các dịch vụ hỗ trợ như đặt nhà vệ sinh, quầy ăn uống, gian hàng quà lưu niệm…, phục vụ và thu hút du khách.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường khẳng định, thành phố rất tâm huyết về phát triển vận tải hành khách kết hợp du lịch thủy nội địa, liên tỉnh thời gian tới. Trong đó, thành phố sẽ hoàn thiện quy hoạch chung, tạo cơ sở hoàn tất quy hoạch bến bãi ven sông, kêu gọi nhà đầu tư khai thác; có cơ chế về giảm, miễn thuế để nhà đầu tư mua sắm phương tiện; cải tạo môi trường nước, nâng độ tĩnh không thông thuyền một số cầu thấp trên các tuyến sông, kênh… Đồng thời, phối hợp đồng bộ giữa các sở ngành, quận, huyện và thành phố Thủ Đức với doanh nghiệp, các tỉnh trong vùng để phát triển tổng thể ngành du lịch đường thủy. Đặc biệt, đẩy mạnh tuyên truyền, truyền thông, ứng dụng công nghệ mới, số hóa, chuyển đổi số trong quá trình thực hiện và có chiến lược thông tin, quảng bá xúc tiến để thu hút du khách đến với thành phố.
Giai đoạn 2023-2024, Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh đề ra mục tiêu phát triển các tuyến du lịch trên sông Sài Gòn, kết hợp với các địa phương. Trong đó, phấn đấu có 500.000 lượt khách/năm và tăng trưởng 10%/năm; đạt doanh thu 300 tỷ đồng/năm, tăng trưởng 10%/năm. Đến năm 2030 trở thành sản phẩm du lịch đường thủy nổi bật.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin