Những ngày đầu xuân, hàng loạt hoạt động văn hóa, lễ hội truyền thống diễn ra tại huyện Đông Anh, thu hút nhiều du khách.
Nghi lễ rước vua tại lễ hội Đền Sái, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh. |
Ở ngoại thành Hà Nội, từ lâu, Đông Anh nổi tiếng với những địa điểm du lịch nổi tiếng như: Địa đạo Nam Hồng, khu di tích thành Cổ Loa, đền thờ Cao Lỗ… Ngoài ra, khi đến với Đông Anh, du khách cũng bị thu hút bởi những lễ hội truyền thống đặc sắc như: Lễ hội Cổ Loa, hội Đền An Dương Vương, hội Đền Sái, hội Bà Máy… và nhiều dòng văn hóa dân gian đặc sắc như múa rối nước Đào Thục, hát chèo…
Kho tàng văn hóa
Ngày 11 tháng Giêng năm Giáp Thìn 2024, người dân làng Thụy Lôi, xã Thụy Lâm đã tổ chức lễ hội Đền Sái với nghi lễ rước "vua, chúa sống" và nghi lễ chém tinh gà trắng vô cùng độc đáo.
Theo lời các cụ cao niên trong làng, lễ hội Đền Sái có nguồn gốc gắn liền với điển tích Vua An Dương Vương xây thành Cổ Loa. Tương truyền, vào khoảng năm 258 trước Công nguyên, nhà Thục đại thắng nhà Tần, An Dương Vương lên ngôi hoàng đế, đóng đô ở Cổ Loa, đặt tên nước là Âu Lạc.
Để trị quốc an dân, nhà vua cho xây thành đắp lũy, nhưng trong quá trình xây thành, ngày đắp, đêm lại bị đổ nên mãi mà thành chưa thể xây xong. Thời ấy, dân gian cho rằng, do yêu ma Bạch Kê Tinh (tinh gà trắng) phá hoại, tinh gà trắng ban ngày trú ẩn nơi núi Thất Diệu và chỉ xuất hiện để phá hoại việc xây thành khi trời chập tối...
Gắn liền với Di tích lịch sử Cổ Loa, Đền Sái còn lưu truyền huyền thoại rùa vàng giúp Vua An Dương Vương xây thành, đắp lũy. Tục truyền, khi thần Kim Quy dẫn nhà vua về đến Thất Diệu Sơn, thấy trên núi có phiến đá in dấu chân lạ, nhà vua hỏi thì được rùa vàng đáp: “Đây là nơi Đức Huyền Thiên Trấn Vũ giáng lâm, vì nước diệt trừ yêu ma cho dân cư phía Bắc sông Cái an cư, lạc nghiệp”.
Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Thị Tám cho biết, lễ hội rước vua, chúa được tổ chức với mong ước một năm mới có nhiều tài lộc, thành công, bình an và hạnh phúc - được ví như bảo tàng bách khoa về đời sống văn hóa, tinh thần phong phú của nhân dân thôn Thụy Lôi, xã Thụy Lâm nói riêng và nhân dân huyện Đông Anh nói chung. Đây là dịp để mỗi người dân, du khách được giao lưu, trao truyền giá trị văn hóa truyền thống, đạo lý tốt đẹp của dân tộc. Đó còn là tài sản vô giá cần được gìn giữ, phát huy...
Nghi lễ rước vua tại lễ hội Đền Sái, xã Thụy Lâm thu hút nhiều du khách. |
Trước đó, vào mùng 10 tháng Giêng, tại thôn Mạch Tràng, xã Cổ Loa cũng tổ chức lễ hội truyền thống Xuân Giáp Thìn 2024. Chủ tịch UBND xã Cổ Loa Nguyễn Kim Nhật cho hay, làng Mạch Tràng xưa có tên gọi là Mạch Trường - một trong 8 xã thường được gọi là “Bát xã hộ nhi”, “Bát xã Loa Thành” chăm lo việc thờ phụng, tổ chức rước kiệu tiến lễ Vua An Dương Vương trong lễ hội Cổ Loa vào mùng 6 tháng Giêng hằng năm.
Theo tích xưa, nơi đây được Vua An Dương Vương mang giống lúa mạch về dạy dân trồng cấy. Về sau, Vua Ngô Quyền lại chọn vùng đất này để mở trường học quốc gia, nên gọi vùng đất này là Mạch Trường, dân gian gọi chệch là Mạch Tràng.
Mùng 10 tháng Giêng được chọn là ngày tổ chức lễ hội truyền thống của thôn do trước đây có lệ: Sau khi chính hội Cổ Loa được tổ chức vào mùng 5, mùng 6 tháng Giêng thì Bát xã Loa Thành là 8 thôn được rước kiệu, tế lễ vua ở Đền Thượng, lần lượt rước kiệu về đình làng thôn và tổ chức “khao dân”.
Lễ hội truyền thống thôn Mạch Tràng, xã Cổ Loa bao gồm: Phần lễ và phần hội. Phần lễ có các nghi thức tế lễ, dâng hương. Phần hội được tổ chức đa dạng với vật dân tộc, cờ tướng, hát quan họ cùng một số bộ môn thi đấu thể thao như bóng chuyền hơi nam, nữ…
Đó chỉ là 2 trong rất nhiều lễ hội, những nét văn hóa, lịch sử đặc sắc tại huyện Đông Anh. Theo thống kê của huyện, nơi đây có hệ thống di sản văn hóa phong phú, đa dạng với 413 di tích, 93 lễ hội cùng các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian truyền thống độc đáo. Đông Anh đang triển khai nhiều chương trình để phát huy nguồn lực văn hóa địa phương, trong đó, du lịch phát triển khá hiệu quả.
Xây dựng tuyến du lịch
Tuy giàu tiềm năng, song Đông Anh cũng đối diện nhiều thách thức. Quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, huyện phát triển thành quận đang đặt ra thách thức lớn đối với việc gìn giữ, phát huy hệ thống di sản văn hóa của huyện.
Phần lễ trong lễ hội làng Mạch Tràng, xã Cổ Loa. |
Để phát huy nguồn lực từ văn hóa, bảo tồn văn hóa, trước hết, Đông Anh tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22-2-2022 của Thành ủy Hà Nội và Chương trình hành động của Huyện ủy Đông Anh về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2022-2025, định hướng đến 2030, tầm nhìn đến năm 2045” trên địa bàn.
Trong đó, huyện đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp văn hóa cả về quy mô, chất lượng sản phẩm, dịch vụ và thị trường có trọng tâm, trọng điểm, phát huy được lợi thế, phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội, khai thác tối đa yếu tố kinh tế của giá trị văn hóa gắn với quảng bá hình ảnh mảnh đất và con người Đông Anh, tạo sự phát triển đồng bộ, hài hòa giữa kinh tế và văn hóa, đưa công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế quan trọng, giá trị gia tăng cao.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Thị Tám, huyện đã hoàn thành cuốn sách Di sản văn hóa Đông Anh; bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể (tập trung vào nghệ thuật truyền thống và lễ hội kén rể thôn Đường Yên, xã Xuân Nộn...) và các di sản văn hóa nổi bật như Cổ Loa, Đền Sái; tổ chức Tuần du lịch văn hóa “Hành trình di sản từ Đền Sái về Cổ Loa”. Đặc biệt, huyện tiếp tục hướng dẫn các nghệ nhân lập hồ sơ đề nghị công nhận “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú”...
Bên cạnh đó, Đông Anh phát huy mạnh mẽ vai trò gia đình, cộng đồng, xã hội; phát huy hiệu quả quy ước, hương ước, giá trị văn hóa truyền thống trong xây dựng người Đông Anh phát triển toàn diện.
“Để phát huy nguồn lực văn hóa, huyện tập trung xây dựng các tuyến du lịch văn hóa, lịch sử, ứng dụng công nghệ số trong quảng bá du lịch văn hóa, đặc biệt là hình thành nguồn lực về hạ tầng, con người trong phát triển du lịch văn hóa, lịch sử…”, Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Thị Tám nhấn mạnh.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin