Đó là Lễ hội Hết Chá; Lễ hội Cầu mưa; Lễ Chách Vắt, Chách Và
Lễ hội Hết Chá
Lễ hội Hết Chá (hay Lễ tạ ơn) của người Thái Trắng ở bản Áng (xã Đông Sang, huyện Mộc Châu, Sơn La) được tổ chức vào khoảng cuối tháng 3 dương lịch, đúng mùa hoa ban nở. Lễ hội này mang đậm yếu tố tâm linh và thường được tổ chức dưới gốc đa nghìn tuổi tại bản Áng.
Lễ hội Hết Chá gồm 2 phần: Phần lễ diễn ra các nghi thức tế thần tại miếu bản, là dịp để người dân tạ ơn đất trời và thần linh sinh ra vạn vật, tạ ơn đấng sinh thành đã sinh ra và nuôi dạy, tạ ơn thầy mo đã có công ơn cứu chữa những lúc ốm đau. Phần hội gồm các hoạt động mô phỏng cuộc sống thường ngày của đồng bào dân tộc Thái như đi săn, bắt cá, cho trâu cày ruộng cùng nhiều sinh hoạt văn hóa cộng đồng khác. Nét đặc sắc nhất của Lễ hội Hết Chá là những điệu xòe cùng những trò diễn xướng dân gian khuyên dạy con cháu phải chăm chỉ lao động... Năm 2015, Lễ hội Hết Chá được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Lễ hội Cầu mưa
Lễ hội Cầu mưa là một nghi lễ nông nghiệp truyền thống quan trọng của người Thái ở bản Nà Bó (xã Mường Sang, huyện Mộc Châu) nhằm cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, đồng thời giáo dục các thế hệ bảo vệ môi trường sống. Lễ hội thường được tổ chức vào ngày 15 tháng Hai hằng năm.
Trước ngày diễn ra lễ hội, dân làng cùng tập trung dựng cây nêu tại bãi đất đầu bản; sau đó chuẩn bị lễ vật gồm măng đắng, cơm lam, bánh ít uôi, bánh chưng, gà luộc, cá xông khói... để thầy then thực hiện nghi lễ cầu mưa. Khi mặt trời vừa lên, thầy dẫn một bà góa quẩy những ống bương đi qua từng nhà gọi chị em phụ nữ cùng ra mó lấy nước về cúng thần linh. Kết thúc bài cúng, thầy then bưng chậu nước đi vòng quanh cây nêu, vẩy nước vào những người dự lễ. Cuối cùng là phần hội, người dân cùng nhau ca hát, múa xòe và chơi các trò chơi dân gian truyền thống...
Lễ Chách Vắt, Chách Và
Lễ Chách Vắt, Chách Và là lễ cúng chùa và tắm tượng tại chùa Vặt Hồng (bản Vặt, xã Mường Sang, huyện Mộc Châu), được tổ chức vào rằm tháng Tư hằng năm. Đặc sắc nhất trong lễ hội này là lễ buộc chỉ cổ tay nhằm giữ vía, cầu bình an, may mắn theo phong tục của người Thái.
Trong lễ Chách Vắt, Chách Và có một ngày người dân được cúng đồ mặn tạ thần linh, thổ địa. Các nghi lễ rước nước, tắm tượng, cầu an được diễn ra tại sân chùa. Trước khi làm lễ, cuộn chỉ được dùng để buộc cổ tay sẽ được đặt lên bàn thờ để xin các thế lực siêu nhiên ban cho con người sức khỏe, bình an. Chùa Vặt Hồng là ngôi chùa cổ, được xây dựng vào khoảng thế kỷ XIII. Đây là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng gắn bó với người Thái Trắng ở bản Vặt từ lâu đời.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin