Nhờ việc thực hiện các chính sách thị thực, các chương trình kích cầu du lịch cùng sự nỗ lực và phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền với doanh nghiệp, số lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2024 đạt 4,6 triệu lượt, tăng 72% so với cùng kỳ năm ngoái.
Du khách quốc tế tham quan Quần thể danh thắng Tràng An, Ninh Bình. |
Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội quý I/2024 do Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/3 cho biết, khách quốc tế đến Việt Nam tháng 3/2024 đạt gần 1,6 triệu lượt người, tăng 4,4% so với tháng trước và tăng 78,6% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung quý I/2024, khách quốc tế đến nước ta ước đạt hơn 4,6 triệu lượt người, tăng 72% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2019 - năm chưa xảy ra dịch Covid-19.
Trong tổng số hơn 4,6 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam suốt 3 tháng đầu năm nay, khách đến bằng đường hàng không đạt gần 3,9 triệu lượt người, chiếm 83,6% lượng khách quốc tế đến Việt Nam, tăng 60,1% so với cùng kỳ năm trước; khách đến bằng đường bộ đạt 625,3 nghìn lượt người, chiếm 13,5% và gấp 2,6 lần; bằng đường biển đạt 136,7 nghìn lượt người, chiếm 2,9% và gấp 4,1 lần.
Về quy mô thị trường, Hàn Quốc tiếp tục là quốc gia có tổng lượng khách lớn nhất đến nước ta với hơn 1,2 triệu lượt trong 3 tháng đầu năm, bằng 150% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 10% so với cùng kỳ 2019.
Xếp thứ hai là Trung Quốc với gần 890 nghìn lượt, gấp 6,4 lần so với cùng kỳ 2023. Tuy nhiên, con số này cho thấy, lượng khách của nước này đến Việt Nam vẫn chưa phục hồi về trước thời điểm xảy ra dịch Covid-19 với gần 1,3 triệu lượt.
Bên cạnh đó, các quốc gia có đông đảo lượt khách đến nước ta trong quý I năm nay như: Nhật Bản, Malaysia, Australia, Thái Lan, Campuchia, Ấn Độ, Mỹ…
Khách quốc tế đến Việt Nam quý I/2024 phân theo vùng lãnh thổ. Ảnh: TỔNG CỤC THỐNG KÊ |
Có thể thấy, các thị trường lớn ở khu vực Đông Bắc Á tiếp tục tăng trưởng mạnh, trở thành động lực chính cho sự phục hồi lượng khách quốc tế. Các thị trường gần ở khu vực Đông Nam Á tăng trưởng ổn định, duy chỉ có thị trường Thái Lan là giảm 18,3% lượt khách. Các thị trường ở châu Âu tăng trưởng sôi động nhờ chính sách miễn thị thực đơn phương nhập cảnh vào Việt Nam với thời hạn tạm trú lên đến 45 ngày.
Nhìn chung, tiếp nối đà phục hồi của những tháng cuối năm 2023, trong 3 tháng đầu năm 2024, lượng khách quốc tế đến Việt Nam có những phát triển tích cực. Lượng khách 3 tháng qua đều đạt trên 1,5 triệu lượt và có xu hướng tăng. Đa phần, các thị trường dần phục hồi hoàn toàn, thậm chí, giờ đây lượng khách ở một số nước đến Việt Nam còn cao hơn năm 2019 - thời điểm trước dịch bệnh.
Theo đó, đón 18 triệu lượt khách quốc tế là mục tiêu mà du lịch Việt Nam đề ra trong năm 2024. Để làm được điều này, toàn ngành cần đầu tư vào chất lượng các sản phẩm du lịch và khâu truyền thông, thực hiện tốt việc xúc tiến quảng bá trong tình hình mới. Ngoài ra, việc xác định rõ thị trường mục tiêu và tăng cường tiếp cận trực tiếp khách hàng để cung cấp thông tin điểm đến cũng đóng vai trò then chốt.
Được biết, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam hiện đang nghiên cứu, tham mưu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình cấp có thẩm quyền để chỉnh sửa các quy định liên quan đến hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch. Điều này nhằm nâng cao hiệu quả tổ chức hoạt động xúc tiến quảng bá, hỗ trợ phát triển các sản phẩm du lịch từng địa phương.
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống trong quý đầu năm 2024 ước đạt 174,8 nghìn tỷ đồng. Doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 14,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,9% tổng mức và tăng 46,3% so với cùng kỳ năm 2023.
Một số địa phương đạt mức doanh thu tăng vượt trội so với thời điểm này của năm ngoái như: Đà Nẵng tăng 69%; thành phố Hồ Chí Minh tăng 59%; Cần Thơ tăng 57,7%; Hà Nội tăng 47,6%; Quảng Ninh tăng 18,5%...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin